Do ảnh hưởng của dịch bệnh, phần lớn các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Hải Phòng phải triển khai đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học kỳ I khi học sinh nhiều đợt phải chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Việc đánh giá ý thức khi thầy và trò tương tác qua không gian mạng mang đến không ít khó khăn, vướng mắc cho giáo viên.
Tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo một cô giáo dạy trường trung học phổ thông thuộc huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), việc đánh giá hạnh kiểm trực tuyến gây khó khăn trong việc giám sát xuyên suốt tiết học về ý thức học tập của học sinh.
“Xếp loại hạnh kiểm có một vài khó khăn như việc quan sát toàn diện ý thức học sinh trong tiết học.
Bình thường khi giảng dạy trực tiếp, giáo viên có thể quan sát thái độ học tập của từng học sinh như thế nào.
Trong khi đó, quá trình học online, giáo viên không thể lúc nào cũng yêu cầu và quan sát camera của học sinh được.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy online không tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục nên rất khó để đánh giá khả năng tương tác, thực hiện hoạt động của học sinh.
Thực tế, dạy học trực tuyến rất khó để kiểm soát việc học sinh ra vào lớp và tâm thế học tập” cô giáo viên này cho biết.
Đồng quan điểm trên, thầy giáo C.V của một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Ngô Quyền (Hải Phòng chia sẻ: “Thời gian dạy trực tuyến, nhiều học sinh lấy lý do mạng yếu nên không nhìn thấy bài giảng của thầy hoặc không vào được phòng nên rất khó xác định được là học sinh nói thật hay không.
Việc trao đổi với phụ huynh cũng gặp khó khăn khi phụ huynh còn phải đi làm nên không quản lý được việc học trực tuyến của con em mình.
Ngoài ra còn có tình trạng, nhiều học sinh chép bài của bạn rồi nộp cho thầy nên thầy cũng khó đánh giá chính xác ý thức học tập của học sinh”.
Thầy C.V cho biết thêm, để khắc phục những hạn chế về tương tác, giám sát ý thức học tập của học sinh thầy chủ động lập nhóm zalo phụ huynh học sinh theo lớp.
Khi học trực tuyến, việc giám sát ý thức và kết quả bài kiểm tra còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc với giáo viên (Ảnh: LT) |
“Trên nhóm, tôi sẽ điểm danh học sinh mỗi buổi học và thông báo ngay cho phụ huynh những học sinh vắng mặt.
Trong quá trình dạy, tôi gọi ngẫu nhiên học sinh trả lời để xem các em có tập trung nghe giảng hay học sinh bỏ ra ngoài hay làm việc riêng không chú ý, yêu cầu học sinh bật camera khi học.
Yêu cầu học sinh nộp bài tập qua zalo, làm bài tập trắc nghiệm trực tuyến. Qua đó, nắm được ý thức của học sinh khi học online, làm bài tập về nhà và khả năng tiếp thu bài của học sinh.
Việc đưa ra nhận xét và xếp loại hạnh kiểm của học sinh cũng căn cứ vào các dữ liệu trên” thầy C.V đưa ra một số biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, thầy C.V nhận định: “Mặc dù việc ứng dụng phần mềm trắc nghiệm trực tiếp trong tiết học giúp kiểm tra được nhiều học sinh và phần nào khắc phục được việc chép bài của bạn nhưng cũng không tuyệt đối.
Đối với những học sinh có ý thức kém thì chưa có biện pháp nào hiệu quả để sát sao về ý thức học tập”.
Biến khó khăn trở thành cơ hội rèn luyện ý thức học sinh
Cùng gặp phải những khó khăn tương tự khi đánh giá ý thức học sinh trực tuyến, một số giáo viên lại cho rằng đây là cơ hội để rèn luyện, giúp học sinh phát triển ý thức tự học, cùng giám sát các bạn trong tiết học với giáo viên.
Không riêng rèn luyện ý thức học sinh, việc học và đánh giá ý thức trực tuyến cũng là cơ hội để giáo viên tìm tòi, tiếp cận nhiều các ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích.
Từ đó, tạo nền tảng cho giáo viên khi tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố Hải Phòng.
Theo quan điểm của cô giáo Ngô Thị Phương, một trong những giáo viên đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng), khi trải qua nhiều đợt dạy trực tuyến, nền tảng công nghệ thông tin của giáo viên cũng được cải thiện rõ rệt.
Những giáo viên đã cao tuổi đến nay cũng thành thạo việc soạn bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ trong việc tương tác với học sinh và phụ huynh.
Một số giáo viên lại cho rằng dù khó khăn nhưng đây là cơ hội để rèn luyện, giúp học sinh phát triển ý thức tự học, cùng giám sát các bạn trong tiết học với giáo viên (Ảnh: LT) |
Cô giáo Phương chia sẻ về phương pháp xếp loại hạnh kiểm học sinh trực tuyến: “Tôi đánh giá ý thức học tập của học sinh thông qua mức độ tham gia bài học, tương tác qua bài học của phần mềm Class point và học sinh nộp bài tập cô giao qua phần mềm padlet.
Đặc biệt, mỗi học sinh sẽ có một bảng theo dõi thi đua cá nhân riêng.
Mỗi tiết học, các con sẽ tự cộng hoặc trừ điểm ý thức của mình dưới sự giám sát của giáo viên và phụ huynh.
Khi các con phát biểu hoặc tích cực làm bài, tôi còn sử dụng thêm phần mềm ClassDojo để tích điểm, khích lệ ngay cho học sinh.
Theo đó, thay vì giao trách nhiệm theo dõi ý thức cho nhóm trưởng mỗi cá nhân học sinh sẽ biết mình mắc lỗi ở đâu và làm như thế nào để lấy điểm cộng.
Hình thức bảng theo dõi thi đua giúp học sinh rèn luyện tính trung thực và nâng cao tinh thần phấn đấu học tập của học sinh”.
Cô giáo của trường trung học phổ thông thuộc huyện Thuỷ Nguyên cũng chia sẻ, không thể đánh giá ý thức học tập của học sinh chuẩn từng tiêu chí khi học trực tuyến bởi vốn dĩ hai hình thức học đã có sự khác biệt.
Bởi vậy, để có thể đưa ra xếp loại hạnh kiểm khách quan với từng đối tượng học sinh, bản thân giáo viên cũng phải linh hoạt lựa chọn tiêu chí, áp dụng các phương pháp phù hợp.
Đây cũng là cơ hội để thầy và trò cùng nhau đặt ra mục tiêu rèn luyện học mới thích nghi với bối cảnh dịch bệnh.
Cô giáo cho biết: “Biện pháp tôi thường áp dụng nhiều cách để học sinh có ý thức hơn trong học tập như sử dụng giáo án trình chiếu khoa học, ít chữ, nhiều hình ảnh để quan sát và kích thích tư duy, có thể sử dụng sơ đồ để học sinh tránh ghi chép nhiều.
Những học sinh không được gọi tên sẽ chủ động theo dõi phần làm của bạn và sử dụng phần tin nhắn để trao đổi, đóng góp ý kiến.
Để động viên các em, tôi đọc các phần các em đóng góp ý kiến ở chỗ tin nhắn để các em thấy mình được ghi nhận.
Tôi cũng cố gắng gọi tên các thành viên trong lớp trong 1 tiết học tùy theo mức độ câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh chứ không gọi tập trung vào các học sinh có lực học tốt.
Luôn động viên và chủ động chia sẻ với học sinh những khó khăn khi tham gia học trực tuyến cũng là một điểm rất quan trọng.
Trải qua nhiều đợt học không riêng tôi thành thạo hơn trong việc sử dụng công nghệ thông tin và học sinh cũng dần làm quen và có tiến bộ cả về chất lượng học tập lẫn ý thức tự học”.