Nhiều năm qua, chúng ta thực hiện bổ nhiệm cán bộ các chức vụ lãnh đạo theo quy trình. Một trong những điều kiện bổ nhiệm đó là cán bộ muốn bổ nhiệm vào chức vụ nào, phải trong diện được quy hoạch vào vị trí đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều này dễ dẫn đến tình trạng “chạy quy hoạch” để nằm trong quy hoạch và dễ gây mất đoàn kết nội bộ, đấu đá lẫn nhau để loại bỏ đối thủ.
Để khắc phục vấn đề trên, có ý kiến cho rằng nên mở rộng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương) có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Quy hoạch cán bộ là quan trọng
Theo ông Vũ Quốc Hùng, quy hoạch cán bộ là một việc rất quan trọng, Bác Hồ đã nói cán bộ quyết định hết thảy, Lê Nin cũng nói vậy.
Tuy nhiên làm thế nào để không có chạy chức, chạy quyền, điều này đòi hỏi những cơ quan xem xét, chọn lọc cán bộ phải trong sáng.
"Trong sáng có nghĩa là phải có trình độ và đạo đức, phẩm chất cao quý. Họ cần có con mắt và phương pháp để chọn cán bộ, đây gọi là trình độ", ông Hùng chia sẻ.
ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương). (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Hiện nay, hiện tượng "mủi lòng", nể nang khi xem xét lựa chọn cán bộ vào diện quy hoạch không phải là ít, nên có những cán bộ được bổ nhiệm trong một thời gian thì lại cho xuống. Vì vậy cơ quan tuyển chọn cần phải có sự trong sáng trong việc xem xét.
Vừa qua có nhiều cán bộ bị xử lý, họ là những người được đề bạt trong một, hai nhiệm kỳ gần đây chứng tỏ việc quy hoạch là có vấn đề và cần phải thay đổi.
Ông Vũ Quốc Hùng nhận định, việc quy hoạch là cần thiết, nhưng phải chọn đúng cán bộ để đưa vào quy hoạch, chứ không phải "vơ bèo vạt tép". Trong đó, quan trọng nhất là việc đánh giá nhận xét.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo?
Trước quan điểm cho rằng, cần đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh lãnh đạo, nếu ai đủ tiêu chuẩn thì tổ chức thi vào chức danh đó, và người điểm cao sẽ được bổ nhiệm. Như vậy chúng ta sẽ chọn lựa được người tài thực chất, loại bỏ việc chạy chọt, tham nhũng quyền lực.
Về việc này, ông Hùng hoàn toàn đồng ý, bởi lẽ chúng ta phải chọn ngoài việc xem xét tổng thể, thì điều kiện cần là phải thi cử. Ví như trong việc tuyển chọn chủ tịch phường, quận cần chọn người có thực chất, đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị, học vấn là phải thực sự. Vì vậy, cần để cho họ làm bài thi, báo cáo.
"Có nhiều biện pháp trong quy hoạch, trong đó thi tuyển chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ ví như đề bạt chủ tịch phường thì ngoài thi tuyển, cần phải xem đánh giá, nhận xét từ người dân về vị cán bộ sống tại địa phương như nào", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng nhận định, trong vấn đề quy hoạch không được để tình cảm, cá nhân chen chân hoặc là sự mua chuộc của cá nhân.
Nhiều người khi đã được bổ nhiệm sau quy hoạch thì suy thoái biến chất về đạo đức, lối sống.
Vì vậy, mối quan hệ giữa cá nhân và tổ chức rất quan trọng, trong đó tổ chức phải chặt chẽ. Những người làm công tác cán bộ phải là người liêm chính, tận tụy.
Đối với công tác cán bộ hiện nay, ông Hùng cho rằng, việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ là không thể thiếu nhưng phải làm thế nào để tuyển chọn những người có đạo đức, tư cách tốt, có trình độ thì không chỉ đơn thuần thuộc về ban tổ chức, mà còn có trách nhiệm của văn phòng, ủy ban kiểm tra...
"Đảng ta có rất nhiều quy định như nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ quyết định khi đã bàn bạc kĩ, còn ngược lại sẽ có thể dẫn đến sai lầm lớn", ông Hùng nói.
Chạy chức, chạy quyền dễ dẫn đến lợi ích nhóm
Bình luận thêm về vấn đề trên, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Thị An cho hay, việc quy hoạch cán bộ rất đặc biệt vì liên quan đến con người, cần có sự linh động. Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào độ tuổi thì không phù hợp, bởi có những nhân tài không xuất hiện ở tuổi trẻ.
Thời gian vừa qua, chúng ta mất nhiều cán bộ đảng viên trong diện quy hoạch do vi phạm, thì chúng ta cần phải xem lại có vấn đề hay trục trặc gì trong việc quy hoạch các cán bộ không.
"Tôi cho rằng cần chọn người tài đức để sắp xếp vào vị trí phù hợp, chứ không nên dựa vào độ tuổi. Trong việc quy hoạch thì cũng không nên máy móc, cứng nhắc, chúng ta nên nghiên cứu để làm thế nào chọn được những người tài và đức để đưa vào những vị trí phù hợp", bà An nói.
Để ngăn việc "chạy quy hoạch", thì chúng ta cần phải công khai các tiêu chí của vị trí cần tuyển số lượng, có chương trình hành động của người được quy hoạch. Đồng thời yếu tố quan trọng không kém là sự giám sát, đánh giá định kì về sự hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng ta không nên để tư tưởng được quy hoạch là an vị, không bị mất chức. Như vậy sẽ làm mất tinh thần cầu tiến, nỗ lực của các cán bộ, lãnh đạo.
Tại nhiều nước trên thế giới, có những vị cán bộ, lãnh đạo sẵn sàng từ chức nếu không làm tròn nhiệm vụ, chức trách, trong khi chúng ta còn hạn chế điều này.
Bên cạnh đó, ở các quốc gia khác, khi nhậm chức thì họ phải gắn trách nhiệm rất lớn, quyền lợi thì ít, trong khi chúng ta thì ngược lại nên tình trạng "mua quan, bán chức" là vì vậy.
Suy cho cùng, việc chạy chức, chạy quyền trong quy hoạch cán bộ sẽ dẫn đến lợi ích nhóm trong cán bộ. Điều này rất nguy hại, không chỉ tính bằng tiền, mà còn là sự suy sụp tổ chức, làm cho hệ thống bị tê liệt.
Vì vậy, theo bà An, chúng ta nên có thử thách đối với cán bộ, lãnh đạo đang đương chức: "Chúng ta nên có khoảng thời gian thử thách, đánh giá lại cán bộ xem họ có làm tốt trong khoảng thời gian 6-12 tháng công tác hay không, nếu ai không làm tốt thì cho họ xuống để người khác nên làm thay", Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ.