Lớp học OMO, giải pháp để dạy và học không bị gián đoạn khi mở cửa trường

27/02/2022 06:42
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi trường học mở cửa, các lớp học đều có nguy cơ xuất hiện F0, mô hình lớp học online kết hợp offline là giải pháp để hoạt động giáo dục không bị gián đoạn.

Sau một thời gian dài học online, mở cửa trường học là mong muốn của giáo viên cũng như nhiều phụ huynh. Song, khi học sinh trở lại học trực tiếp, sự xuất hiện của các ca F0 tại trường học khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

Vậy làm sao để đảm bảo nguyện vọng được đến trường của học sinh và phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp?

Từ giai đoạn mở cửa lại trường học, Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) đã sớm áp dụng mô hình lớp học OMO (Online-Merge-Offline) online kết hợp với offline.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thu – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học ICS cho biết, qua tham khảo mô hình lớp học OMO ở một số quốc gia trên thế giới, nhà trường đã bắt đầu áp dụng, vận hành mô hình này từ khi mở cửa lại trường học và đã đạt được những kết quả, tín hiệu tích cực.

Mô hình lớp học OMO (Ảnh: NTCC)

Mô hình lớp học OMO (Ảnh: NTCC)

Theo cô Thu, với 1 học kỳ học online, học sinh đã có thời gian trải nghiệm và lĩnh hội nhiều điều mới, từ tư duy đến kỹ năng học tập để chuyển mình với tình huống thực tế. Tuy nhiên, đó là khoảng thời gian mà chúng ta phải thừa nhận học sinh chịu những thiệt hại nhất định, về mặt tâm lý, cảm xúc và cả tương tác, kết nối trong học tập.

Chính vì vậy, đã đến lúc phải mở cửa trường học, điều này phù hợp với xu thế chung hiện nay cũng như phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhiều học sinh, phụ huynh. Và lớp học OMO chính là giải pháp khi mở cửa ngành giáo dục.

Thiết lập 2 nhóm học sinh: học ở trường và học ở nhà

Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho biết, khi lớp học xuất hiện các ca F0, F1, học sinh không thể đến lớp, hoạt động giảng dạy sẽ được tiến hành kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Để vận hành mô hình lớp học OMO hiệu quả, cần phải đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật và năng lực chuyên môn/kỹ năng giảng dạy của mỗi giáo viên.

Về yêu cầu thiết bị kỹ thuật, lớp học cần được trang bị camera thu phóng để ghi hình tiết học, máy tính cá nhân kết nối với một màn hình máy chiếu (hoặc bảng tương tác), mic thu âm cho giáo viên, phần mềm dạy online và Internet.

Học sinh tham gia học online và tương tác cùng các bạn học offline. (Ảnh: NTCC)

Học sinh tham gia học online và tương tác cùng các bạn học offline. (Ảnh: NTCC)

Khi giáo viên dạy trên lớp, nhóm học sinh offline sẽ tương tác trực tiếp, còn nhóm học sinh cách ly ở nhà sẽ tham gia vào phần mềm dạy học online để theo dõi tiết học và tương tác gián tiếp.

Nhờ cách làm này, hai nhóm học sinh học ở trường và học tại nhà được kết nối với nhau, theo dõi hoạt động của nhau và tương tác với nhau trong quá trình học tập.

Camera giúp vùng thu phóng rộng hơn camera máy tính, những bạn học online sẽ nhìn rõ được thao tác của giáo viên trên bảng lớp, thậm chí là nhìn được không gian lớp học bên dưới trong khi thực hiện những hoạt động chung.

“Đối với lớp học OMO, kỹ năng, chuyên môn của giáo viên vô cùng quan trọng, thầy cô sẽ vất vả hơn vì phải bao quát được hai nhóm học sinh, phải linh hoạt và chủ động trong quá trình giảng dạy để đảm bảo hỗ trợ tương tác được với hai nhóm học sinh này.

Nhà trường đã thiết kế khung chương trình tương tác nhiều hơn cho các bạn học trực tiếp (vì số lượng đông hơn) nhưng cũng chú ý đến những bạn học online ở trong những hoạt động chính yếu của bài học.

Lúc đó, giáo viên có thể phải đứng ở vị trí thuận lợi của camera để các bạn học online quan sát được hoạt động của thầy cô và tiếp thu tốt kiến thức.

Trong các hoạt động thực hành, giáo viên vẫn có thể giao việc cho cả 2 nhóm và di chuyển xuống lớp để tương tác với học sinh offline. Các bạn học online có thể báo cáo kết quả sau khi tự thực hành”, cô Thu chia sẻ thêm.

Khi giáo viên trở thành F0 và vẫn đủ sức khỏe dạy học, lớp học OMO vẫn được vận hành. (Ảnh: NTCC)

Khi giáo viên trở thành F0 và vẫn đủ sức khỏe dạy học, lớp học OMO vẫn được vận hành. (Ảnh: NTCC)

Lớp học OMO cũng có thể áp dụng với tình huống khi giáo viên trở thành F0 và vẫn đảm bảo sức khỏe, có thể dạy học.

Trong trường hợp này, lớp học cần có thêm một người trợ giảng. Nhiệm vụ của trợ giảng ở trên lớp là đảm bảo công tác quản lý lớp học và kết nối kỹ thuật, còn giáo viên sẽ trình chiếu bài dạy của mình qua phần mềm online.

Đối với học sinh F0, F1 học trực tuyến, nếu không theo dõi được 100% bài giảng có thể xem lại bài học đã được ghi hình, các em cũng có thể kết nối riêng với thầy cô để được hỗ trợ thêm.

Trường hợp giáo viên dạy online, trợ giảng sẽ kết nối kỹ thuật tại phòng học offline. (Ảnh: NTCC)

Trường hợp giáo viên dạy online, trợ giảng sẽ kết nối kỹ thuật tại phòng học offline. (Ảnh: NTCC)

Nhà trường cũng đã chủ động trong việc vận hành mô hình “bong bóng giáo dục”, là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện giãn cách, chia ca lớp học, mỗi lớp là một “bong bóng”, khi xảy ra dịch bệnh chỉ khoanh vùng từng lớp để đảm bảo duy trì hoạt động giáo dục.

Với những giải pháp trên, nhà trường đã hạn chế tối đa vấn đề gián đoạn lớp học trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống Covid-19 để bố mẹ an tâm cho các em đến trường.

“Trong bối cảnh hiện tại, bên cạnh những nỗ lực của nhà trường, để học sinh được tham gia học trực tiếp thì sự chia sẻ, đồng hành từ phụ huynh cũng rất quan trọng.

Nhà trường may mắn vì luôn được phụ huynh hiểu, đồng thuận và sẵn sàng phối hợp trong mọi kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh. Đây cũng là một yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả của các lớp học OMO hiện nay.

Dịch bệnh chưa chấm dứt nhưng nhiều phụ huynh và học sinh luôn mong ngóng ngày trở lại trường. Lớp học OMO chính là một giải pháp giúp các em “vượt Covid” để đến trường trong bối cảnh xã hội đã bước vào “bình thường mới” như hiện nay", cô Thu bày tỏ.

.

Phạm Minh