Nếu tuyển thêm 28.000 giáo viên công lập, biên chế phình to làm sao tăng lương

27/02/2022 07:21
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu các địa phương bổ sung đủ gần 28.000 biên chế như đề xuất của Bộ Nội vụ thì ngành giáo dục vẫn còn thiếu gần 60.000 biên chế.

Tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số biên chế được giao của ngành Giáo dục trong năm học 2020-2021 là 1.113.101 giáo viên; số giáo viên, viên chức có mặt đến 31/3/2021 gồm 1.070.327; số giáo viên chưa sử dụng 42.774; số giáo viên thừa 10.178; số giáo viên thiếu theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở tổng hợp của các địa phương là 94.714 giáo viên.

Như vậy, sau khi trừ lực lượng giáo viên thừa, giáo viên hiện nay còn thiếu khoảng 84.000 giáo viên.

Tại buổi làm việc Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng kiến nghị Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021-2022.

Nếu các địa phương bổ sung đủ gần 28.000 biên chế như đề xuất của Bộ Nội vụ thì ngành giáo dục vẫn còn thiếu gần 60.000 biên chế.

Bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang cần được giải quyết thấu đáo. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang cần được giải quyết thấu đáo. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nghịch lý biên chế đông vẫn thiếu giáo viên, thu nhập thấp

Thực trạng các cơ sở giáo dục hiện nay thiếu rất nhiều giáo viên, nhân viên là thực tế đáng buồn cho thấy sức hút của ngành, nghề giáo chưa cao và việc tuyển dụng còn nhiều bất hợp lý, thiếu đồng bộ giữa các cấp.

Thu nhập từ lương và phụ cấp của của giáo viên nhìn chung còn thấp trong khi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khẳng định "lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". Nghị quyết đã ban hành nhiều năm vẫn chưa thực hiện được.

Hiện nay, nhiều giáo viên mới ra trường thực nhận lương chỉ trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng khiến họ khó yên tâm với công việc, khó gắn bó với nghề, mức thu nhập đó cũng không tương xứng với mức độ phức tạp nghề nghiệp, vị thế của nhà giáo.

Do đó, hiện nay có tình trạng thiếu nhiều giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục nhưng việc tuyển dụng lại gặp khó do cơ chế, cách tuyển dụng và cơ chế chính sách, đãi ngộ cho giáo viên còn chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường phổ thông còn chưa phù hợp, việc hình thành trường liên cấp còn chưa được triệt để nên việc thiếu giáo viên trong thời gian tới sẽ còn phức tạp, gây khó cho các trường.

Bộ Nội vụ chỉ đề nghị tuyển dụng gần 28.000 giáo viên, trong khi thực tế thiếu đến 84.000 giáo viên, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sẽ khiến các trường khó đi vào hoạt động khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong công việc, hoạt động nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ các cấp quản lý, chính quyền và ngành giáo dục.

Biên chế ngành giáo dục hiện nay đã quá đông, nếu tuyển đủ biên chế thì làm phình to biên chế, tăng ngân sách không đúng chủ trương tinh giản biên chế, nhưng không tuyển đủ thì ảnh hướng lớn đến hoạt động của trường ảnh hưởng đến việc dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Làm sao để biên chế không phình to?

Việc gia tăng dân số, số học sinh đến độ tuổi đi học ngày càng gia tăng nên nếu không có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc phình to biên chế là điều có thể xảy ra, khi đó không ngân sách nào kham nổi.

Việc giảm số lớp hiện nay bằng cách tăng sĩ số học sinh trên lớp khiến mỗi lớp 50-60 học sinh khiến giáo viên và học sinh vất vả trong việc dạy học, quản lý học sinh, hiệu quả kém, khi xảy ra dịch bệnh thì rất khó kiểm soát.

Theo người viết, để giảm biên chế có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, quy định cứng số lượng cấp phó

Theo quy định hiện nay số lượng phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông từ 1-3 người là không còn phù hợp, nên quy định mỗi trường chỉ tối đa 1 biên chế phó hiệu trưởng, do điều kiện đặc thù không sáp nhập được thì các trường dưới 10 lớp không cần phó hiệu trưởng, chỉ cần 1 hiệu trưởng điều hành công việc chung.

Chỉ cần quy định cứng mỗi trường tối đa 1 phó hiệu trưởng, cả nước có thể giảm hàng chục ngàn biên chế.

Thứ hai, thành lập trường liên cấp

Hiện nay, có sáp nhập một số trường liên cấp nhưng chưa đồng bộ, mạnh mẽ, giảm cơ học nên người viết xin kiến nghị Bộ Nội vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu thành lập các trường liên cấp nhất là cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông để thuận tiện cho việc giảng dạy, tiết kiệm ngân sách, giảm biên chế.

Khi đó học sinh học thuận tiện, giáo viên dạy thuận tiện, việc tuyển sinh lớp 10 sẽ thuận tiện hơn,…

Thứ ba, tiếp tục giảm biên chế phòng giáo dục

Khi sáp nhập các trường liên cấp thì phòng giáo dục ở các quận/huyện chỉ nên là một phòng ban thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp và thẩm quyền, còn việc quản lý chuyên môn nên giao về Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tinh giản biên chế phòng giáo dục chỉ cần tối đa 3 biên chế, trong đó chỉ cần 1 phó phòng (hiện nay biên chế phòng giáo dục từ 5-7 biên chế, 2-3 phó trưởng phòng). Khi đó hàng ngàn biên chế cũng được tinh giản.

Thứ tư, tiếp tục mở rộng trường tư thục, dân lập

Hiện nay, nếu tăng sĩ số lớp học là không phù hợp tạo áp lực lớn lên giáo viên nên người viết cho rằng một giải pháp để giảm biên chế, giảm đầu tư,... thì nên mở rộng trường tư thục, dân lập vừa giảm biên chế, vừa tạo môi trường giáo dục cạnh tranh, có lợi cho người học.

Thứ năm, tăng thời gian làm việc của giáo viên

Khi tinh gọn được bộ máy thì sẽ tăng thu nhập, chế độ cho giáo viên và đương nhiên sẽ gắn với trách nhiệm của giáo viên.

Theo người viết, để giải quyết được các vấn đề trên nên tăng thời gian làm việc của giáo viên để giảm biên chế, lựa chọn được những nhà giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn, yêu nghề.

Không cần đông nhưng rất cần tinh đó là mục tiêu mà ngành giáo dục cần hướng đến và là mong mỏi của nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó, phải quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, tránh đào tạo ồ ạt khi ra trường thất nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến vị thế của ngành.

Thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp trên thì vừa tăng lương được cho nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, vừa tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực của lãnh đạo,… đương nhiên chất lượng dạy và học sẽ tăng cao, giáo dục sẽ phát triển, cất cánh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi