Tín dụng sinh viên là một chính sách quan trọng trong chính sách tài chính giáo dục đại học. Thậm chí, tín dụng sinh viên được xem là một giải pháp quan trọng nhằm giúp duy trì sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo.
Trong bối cảnh các trường đại học đang ngày càng tự chủ và học phí tăng theo lộ trình mà mức vay hiện chưa đủ đóng học phí một học kỳ ở những trường có học phí cao. Đó là chưa kể chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn khá đắt đỏ. Liệu đã đến lúc Nhà nước cần có những chính sách mới để sinh viên thuận lợi hơn trong việc vay tiền ăn học.
Để hiểu hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Quân – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên: Được biết ông đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề tín dụng cho học sinh, sinh viên?
Giáo sư Lê Quân: Ngày 10/08/2021, với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi có gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề tín dụng cho học sinh, sinh viên. Trong văn bản, tôi có nêu rõ: Qua hơn 14 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tổng tín dụng đến ngày 31/12/2020 đạt 66.011 tỷ đồng, tổng số thu nợ đạt 55.674 tỷ đồng, trên 3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn; chính sách tín dụng cho sinh viên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng việc làm.
Tuy nhiên, mức cho vay dự kiến từ 2022 chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Tôi đề xuất nâng mức cho vay tối đa bằng với học phí và sinh hoạt phí tối thiểu.
Giáo sư Lê Quân – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NTCC) |
Tôi cho rằng mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng (đã tăng 60% so với mức vay trước đó) chưa đáp ứng nhu cầu. Thực tế hiện nay nhiều trường đại học công lập đã áp dụng học phí theo lộ trình tự chủ tài chính đại học. Đến thời điểm này, hầu hết các trường thực hiện tự chủ tài chính, nhất là các trường top trên, mức học phí đã được điều chỉnh ở mức bình quân từ 25 đến 40 triệu đồng/năm. Nếu tính cả sinh hoạt phí, mức cho vay hiện nay sẽ chỉ đáp ứng được khoảng ½ nhu cầu tài chính đại học của sinh viên.
Theo đánh giá, các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên từ năm 1998 đến nay đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học. Ông nghĩ sao về điều này?
Giáo sư Lê Quân: Chính sách tín dụng giới hạn chủ yếu cho đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi chuẩn thu nhập hộ nghèo và cận nghèo của chúng ta còn rất thấp. Với mức cho vay thấp nên chính sách hiện nay dừng lại ở chính sách hỗ trợ nhiều hơn là tài chính đại học.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn đến 2025, chúng ta có khoảng 16.6% hộ gia đình (khoảng 17 triệu người) thuộc nhóm nghèo và cận nghèo. Theo chuẩn nghèo mới, thu nhập bình quân ở mức dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, rất nhiều chương trình đào tạo sẽ có học phí ở mức từ 1,5 đến 3 lần chuẩn nghèo. Với hơn 2 triệu sinh viên các bậc học, tôi cho rằng nhu cầu tín dụng cho sinh viên giai đoạn tới sẽ rất cao.
Thời gian tới, chính sách tín dụng phải được đổi mới đồng bộ với chính sách học phí. Chính sách học phí tăng không đồng bộ với chính sách học bổng và tín dụng sẽ tạo nhiều rào cản. Do đó mức học phí cần đồng bộ với chính sách học bổng, chính sách tín dụng sinh viên để đảm bảo người học có đủ điều kiện tiếp cận tất cả các chương trình đào tạo.
Theo tìm hiểu của ông, quỹ tín dụng sinh viên ở các nước hiện nay có khác biệt gì so với Việt Nam? Các nước có ưu điểm gì về tín dụng sinh viên và chúng ta nên áp dụng hay không?
Giáo sư Lê Quân: Các quốc gia đều hướng tới chính sách tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học và giảm học phí. Một số quốc gia phát triển ở châu Âu áp dụng học phí thấp với giáo dục đại học công lập. Tuy nhiên, khi ngân sách nhà nước không đáp ứng được yêu cầu, tín dụng sinh viên là giải pháp quan trọng. Nhà nước cấp nguồn tài chính cho đại học gián tiếp qua tín dụng sinh viên.
Một số quy định khá phổ biến như: mức cho vay dựa trên học phí thực đóng và sinh hoạt phí, mức lãi suất ưu đãi (hoặc không có lãi suất), mức thu nhập tối thiểu sau khi tốt nghiệp bắt buộc phải trả nợ, thời hạn trả nợ và điều kiện xóa nợ… Bên cạnh chính sách học bổng, nhiều trường đại học có thỏa thuận với các tổ chức tín dụng và nhà tài trợ để cho sinh viên vay ưu đãi như một giải pháp để thu hút người học.
Từ thực tiễn và bài học quốc tế, tôi cho rằng:
Thứ nhất, chính sách học phí thấp và học bổng để thu hút người học vào các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, các ngành có nhu cầu xã hội nhưng khó tuyển sinh…
Thứ hai, linh hoạt mức cho vay theo sát mức học phí thực đóng và sinh hoạt phí tối thiểu.
Thứ ba, với đối tượng chính sách, nhà nước hỗ trợ tài chính gián tiếp cho các trường đại học thông qua hỗ trợ/ưu đãi/miễn lãi suất cho vay; cũng như quy định các điều kiện được giãn nợ, xóa nợ.
Thứ tư, cho phép các trường bảo lãnh các khoản vay cho sinh viên với các tổ chức tín dụng. Nhà trường có cam kết về chất lượng đào tạo, đồng nghĩa với chịu trách nhiệm về việc làm và mức thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thứ năm, cần quy định mức thu nhập tối thiểu phải áp dụng trả nợ khi sinh viên đi làm.
Thứ sáu, thông tin về thị trường lao động, việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp của sinh viên được công khai giúp người học lựa chọn đúng ngành, đúng trường; qua đó giảm được tình trạng lãng phí do đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Thực tế, việc thu hồi nợ vay của chương trình tín dụng sinh viên có rủi ro. Theo ông, làm sao để đảm bảo việc thu hồi vốn cho vay, tránh tình trạng vỡ quỹ?
Giáo sư Lê Quân: Thực tế cần nhìn nhận quỹ tín dụng sinh viên như quỹ việc làm. Hiệu quả của tín dụng được đánh giá dựa trên các chỉ số phát triển nguồn nhân lực và xã hội nhiều hơn tiêu chí tài chính.
Thực tế hơn chục năm triển khai chính sách, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng xã hội nói chung và tín dụng sinh viên nói riêng đều rất thấp. Với nước ta, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng là chỉ số tích cực để mở rộng tín dụng sinh viên. Với công nghệ ngân hàng, tài chính tín dụng số hóa như hiện nay, hoàn toàn có thể quản lý và chia sẻ dữ liệu thu nhập và khả năng trả nợ của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Để tránh tình trạng cố tình chây ì không trả nợ, nhà nước cần quy định mức thu nhập áp dụng trả nợ bắt buộc và các điều kiện để được hoãn nợ, xóa nợ.
Thực tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội như thế nào?
Giáo sư Lê Quân: Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng chính sách học phí linh hoạt tùy từng ngành nghề và lĩnh vực. Hiện nay, khoảng 65% các chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội có học phí ở mức chuẩn, thấp. Các ngành sư phạm sinh viên được miễn học phí theo chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các ngành khoa học cơ bản, chương trình đào tạo tài năng được áp dụng chính sách học phí thấp, gắn với học bổng để thu hút người học.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ban hành chính sách học bổng (mức trên 100 triệu đồng/năm) cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên mong muốn trở thành nhà khoa học.
Bên cạnh đó, để có ngân sách nhà nước đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản, Nhà trường cho phép áp dụng cơ chế tự chủ tài chính với các ngành nghề xã hội có nhu cầu cao, có mức thu nhập cao. Với các ngành nghề này, sinh viên được tiếp cận chính sách học bổng và tín dụng sinh viên.
Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng chính sách học phí linh hoạt tùy từng ngành nghề và lĩnh vực (ảnh: NTCC) |
Ngoài ra, với sự ủng hộ của các nhà tài trợ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Quỹ. Quỹ học bổng lớn đủ để cam kết hỗ trợ tài chính cho tất cả sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các chương trình đào tạo. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ký kết với một số ngân hàng đối tác để có các gói tín dụng ưu đãi cho sinh viên.
Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra mắt kênh học bổng (hocbong.vnu.edu.vn) với định hướng đảm bảo tất cả sinh viên đều được hỗ trợ để đủ điều kiện tài chính theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ những bất cập nêu trên nhất là việc mức trần vay không đủ để sinh viên đóng học phí các trường tự chủ, theo ông, liệu đã đến lúc, Nhà nước cần phải có những chính sách mới để sinh viên thuận lợi hơn trong việc vay tiền ăn học?
Giáo sư Lê Quân: Tôi cho rằng rất cấp bách nâng mức cho vay đối với sinh viên. Mức cho vay cần đảm bảo đủ học phí và sinh hoạt phí tối thiểu. Ngoài ra, Nhà nước nên hỗ trợ lãi vay trong ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp đối với sinh viên thuộc các đối tượng xã hội, hộ nghèo và cận nghèo.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lê Quân.