Bộ Giáo dục thừa nhận một số nơi không sử dụng hết công suất của trường chuyên

22/03/2022 06:40
Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một số nơi, tình trạng không sử dụng hết công suất và sử dụng không hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, các cơ sở vật chất được ưu tiên đầu tư cho trường chuyên.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 10 năm thực hiện Ðề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020", các trường được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia, ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại..

Về cơ sở vật chất

Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia đã tăng từ 21/68 trường vào năm 2010 lên tới 44/75 trường vào năm 2015 và lên tới 60/77 trường vào năm 2020.

Cụ thể, các trường chuyên chưa đạt chuẩn gồm: Trường chuyên Trần Phú (Hải Phòng); trường chuyên Thái Bình; trường chuyên Bắc Kạn; trường chuyên Tuyên Quang; trường chuyên Chu Văn An (Bình Định); trường chuyên Lê Văn Chánh (Phú Yên); trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đăk Nông); trường chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai); trường chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau); trường chuyên Lê Hồng Phong và trường chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), và 6 trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học gồm: Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung học phổ thông chuyên Đại học sư phạm Hà Nội, Trung học phổ thông chuyên Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh, Trường Phổ thông năng khiếu – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: nguồn TTXVN

Ảnh minh họa: nguồn TTXVN

Trong giai đoạn 2010 – 2020, đã có 25 trường chuyên được đầu tư xây mới theo hướng đồng bộ, hiện đại với diện tích trung bình 30.000 m2 và có đủ hội trường, nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho học sinh ở nội trú, sân vận động, bể bơi, hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, có 14 trường chuyên được xây mới đã đưa vào sử dụng. Các trường chuyên còn lại hầu hết đều được đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để mở rộng diện tích mặt bằng, xây dựng bổ sung hệ thống phòng bộ môn. Trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước từ nguồn vốn vay của ADB2 đã hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất cho 38 trường chuyên. Các trường này xây dựng bổ sung được 228 phòng học, 152 phòng bộ môn, 12 phòng thư viện, 10 nhà tập đa năng.

15 trường chuyên trọng điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn đã được mở rộng diện tích, xây mới, đảm bảo đủ các phòng học bộ môn, xứng đáng là các trường điển hình về cơ sở vật chất trong vùng (Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, trường trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc, trường trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng-Cần Thơ, Trường trung học phổ thông chuyên Trần Phú-Hải Phòng...)

Xây dựng 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà đa năng, 73 thư viện, 73 phòng họp giáo viên, 55 nhà nội trú và nhà ăn, 63 nhà công vụ, 13 bể bơi. Tại thời điểm năm học 2019 – 2020 so với năm học 2010 – 2011, cơ sở vật chất của 69 trường chuyên trực thuộc Sở (theo báo cáo của các Sở) đã tăng 553 phòng học, 238 phòng học bộ môn, 24 nhà đa năng, 8 thư viện, 6 phòng hội đồng, 17 kí túc xá, 18 nhà ăn, 6 nhà công vụ, 13 bể bơi được xây dựng theo tiêu chuẩn quy định, diện tích xây dựng 255.950 m2.

Về thiết bị dạy học và học liệu

Các trường chuyên với sự đầu tư kinh phí từ địa phương, kinh phí từ một số chương trình, dự án của Bộ đã được bổ sung thiết bị dạy học môn chuyên, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Hạ tầng công nghệ thông tin và internet của các trường chuyên đã được nâng cấp, 100% các trường đều có trang website riêng.

Đến nay, hầu hết các trường chuyên đều đã có thư viện; 31/67 trường đã có thư viện điện tử, cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước; 30/64 trường đã xây dựng hệ thống thư viện câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, đề thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế;... đáp ứng yêu cầu tham khảo của giáo viên và học sinh.

Đầu tư mua sắm bộ thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Tại giai đoạn 1 ngân sách nhà nước tập trung đầu tư thiết bị thực hành, thí nghiệm các môn khoa học tự nhiên (bộ thiết bị đo đa năng dùng chung, các cảm biến đo, thiết bị thí nghiệm theo chuyên đề, đồ gỗ cho phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học...) cho 37 trường, giai đoạn 2 ngân sách nhà nước đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ giảng dạy STEM cho 56 trường.

Với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, của địa phương, của cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân khác, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hoá khác, cơ sở vật chất cũng như thiết bị dạy học tại các trường chuyên ưu việt hơn rất nhiều so với các trường trung học phổ thông bình thường, nhiều trường đã có thể đạt tới tầm cỡ quốc tế, góp phần tích cực tạo nên những kết quả đáng khích lệ, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng như giáo dục toàn diện của học sinh.

Mặc dù vậy nhưng theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia đã tăng lên nhưng chỉ tiêu quy định tại Đề án đến năm 2015 là 100% trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia chưa đạt được. Hiện còn 17/77 trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia.

Vẫn còn 19/75 trường chuyên (chưa tính Ninh Thuận và Quảng Ngãi) có diện tích còn khá nhỏ hẹp, chưa đảm bảo được diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh. Một số trường chuyên còn thiếu trang thiết bị và không đồng bộ (ví dụ trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình; trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định); các khu công trình đã xây dựng lâu năm xuống cấp và sửa chữa chắp vá. Kinh phí đầu tư cho mua sắm thiết bị còn hạn hẹp, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới dạy và học.

Các website chưa hoạt động hiệu quả, hệ thống thông tin điện tử liên kết giữa các trường chuyên với các trường đại học và các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài còn hạn chế và mới chỉ phát huy hiệu quả tại một số trường chuyên.

Hiện nay, việc huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục vẫn còn rất hạn chế; các trường chuyên được đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước và một vài trường nhận được đầu tư từ nguồn tài trợ trong nước.

Lý giải những hạn chế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc một số trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia chủ yếu do diện tích mặt bằng hẹp, thiếu phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, kí túc xá cho học sinh. Thiết bị dạy học mặc dù được các địa phương ưu tiên đầu tư mua sắm bổ sung nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, đặc biệt thiếu các thiết bị dạy các nội dung chuyên sâu, nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh, ngoài ra qua quá trình khảo sát một số trường chuyên cho thấy một số địa phương cho rằng đã là trường chuyên thì hiển nhiên là trường chuẩn quốc gia nên chưa ban hành Quyết định công nhận trường chuẩn quốc gia.

Một số trường chuyên trọng điểm còn thiếu trang thiết bị đồng bộ, cơ sở vật chất xuống cấp phần lớn do việc chưa huy động được nguồn vốn đầu tư từ địa phương, chưa có quỹ đất để mở rộng quy mô, tuy nhiên hiện nay các trường này đang tích cực xây dựng Đề án mới và tới năm 2022 sẽ xây mới trường chuyên.

Với những kết quả trên, ngoài các điều kiện tối thiểu đối với một trường phổ thông bình thường về cơ bản hệ thống trường chuyên đã trở thành địa điểm tin cậy, hiện đại, cơ sở vật chất khang trang đầy đủ các phòng học bộ môn chuyên ngành, hội trường rộng, sân bóng, nhà tập đa năng..., trang thiết bị dạy học tân tiến, đồng bộ để các giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý trong toàn tỉnh tới học hỏi kinh nghiệm, giao lưu và tổ chức các hoạt động giáo dục như tổ chức các hội giảng, các cuộc thi nghiên cứu khoa học, các hoạt động thực hành thí nghiệm, các hoạt động thể thao, văn nghệ...

Mặc dù vậy, ở một số nơi, tình trạng không sử dụng hết công suất và sử dụng không hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, các cơ sở vật chất được ưu tiên đầu tư cho các trường chuyên vẫn còn tồn tại. Nhiều thiết bị như máy tính, màn hình thông minh... đã dần xuống cấp.

Hà Anh