Giáo viên "tẩu hỏa nhập ma" với việc bình chọn sách giáo khoa

07/04/2022 08:26
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chẳng đủ thời gian, điều kiện để đọc sách, để nghiên cứu tìm xem bộ sách nào hay, phù hợp nhưng giáo viên vẫn cứ phải bình chọn.

Thời gian này, các địa phương trong cả nước đang khẩn trương hoàn thành việc chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Điểm c khoản 1 Điều 32 (Sách giáo khoa giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo". Tuy nhiên, giáo viên các cấp hiện được huy động tham gia vào việc chọn sách.

Mỗi giáo viên có gần 50 tờ phiếu bình chọn sách giáo khoa (Ảnh tác giả)

Mỗi giáo viên có gần 50 tờ phiếu bình chọn sách giáo khoa (Ảnh tác giả)

Giáo viên muốn “tẩu hỏa nhập ma”

Chỉ nhìn một tập phiếu bình chọn, nhìn những đường link sách giáo khoa điện tử của các nhà xuất bản gửi về email nhà trường (và trường gửi cho giáo viên) nhiều thầy cô cảm thấy “tẩu hỏa nhập ma”.

Không “tẩu hỏa nhập ma” sao được khi bậc tiểu học lựa chọn sách lớp 3 đã có hơn 50 tờ phiếu để giáo viên ghi bình chọn cho 3 bộ sách với tất cả các môn.

50 tờ phiếu chỉ cần ký, ghi họ tên, ngày tháng và đánh dấu vào ô ý kiến đánh giá (Đạt, Khá, Tốt) cũng đã mất khá nhiều thời gian chứ nói gì đến việc phải ghi nhận xét về ưu, khuyết điểm của từng cuốn sách?

Đó là mới dùng viết để ghi chưa nói đến đọc, nghiền ngẫm để rút ra ưu điểm về các nội dung đánh giá như nhóm tiêu chí có phù hợp với việc học của học sinh hay không? Có thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá? Có phù hợp với đặc điểm kinh tế của địa phương?...

Mỗi nhóm tiêu chí đều phải đánh giá về nội dung sách giáo khoa, cấu trúc về nội dung và hệ thống câu hỏi, bài tập…

Giáo viên mệt nhưng tổ trưởng còn mệt gấp nhiều lần hơn thế. Ngoài việc phải hoàn thành đánh giá vào 50 tờ phiếu như giáo viên còn phải tổng hợp mấy trăm tờ bình chọn của giáo viên trong tổ và tóm lại những lời nhận xét chung về từng bộ sách để ghi biên bản nộp lên trên.

Giáo viên nghiên cứu sách vào lúc nào?

Giáo viên đang bơi trong bộn bề biết bao công việc dạy học trong mùa dịch. Nào là, dạy hỗ trợ giáo viên F0, dạy học trực tiếp trên lớp, dạy thêm cho học sinh bị F0 ở nhà, dạy kèm học sinh yếu kém mất căn bản do phải học trực tuyến quá lâu, nhiều thầy cô giáo còn ôn bài để tham dự hội thi giáo viên giỏi, hoàn chỉnh cả núi hồ sơ sổ sách.

Một tuần đi dạy kín lịch, 10 buổi cho việc dạy học, 1 buổi cho họp hội đồng nhà trường, họp tổ chuyên môn, giáo viên còn thời gian nào để nghiên cứu sách giáo khoa để bình chọn?

Giáo viên chỉ mở sách ra đọc, đọc lướt, lật trang để nhìn qua, nhìn lại cũng đã không có thời gian thì nói gì đến 2 từ "nghiên cứu"? Nghiên cứu thì phải đọc chậm, đọc suy nghĩ và nghiền ngẫm.

Nói một cách công bằng thì giáo viên cũng chẳng đủ trình độ để nghiên cứu, để phán xét sâu về những điểm mạnh của sách, về những tồn tại còn bất cập. Bằng chứng là những hạt sạn trong những bộ sách lớp 1 không do giáo viên tìm ra mà do dư luận xã hội lên tiếng.

Không phải ai cũng có đủ trình độ (hoặc có thì con số chiếm khá ít) để thấy được nội dung bộ sách này đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực hơn bộ sách khác, hay hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động được thể hiện với các mức độ khác nhau của bộ sách này vượt trội hơn bộ sách kia…

Đáng buồn hơn là những môn học không phải là chuyên môn của một số thầy cô giáo nhưng họ vẫn bị yêu cầu phải đánh giá, nhận xét và bình chọn, ví như sách Tin học, Anh văn, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Theo yêu cầu của trường sẽ phân công giáo viên phụ trách những bộ môn ấy nghiên cứu và phổ biến đến các thầy cô để bình chọn. Môn dạy của mình mà đọc còn chưa thấy những điều bất cập thì sao chỉ nghe người khác truyền đạt dăm câu ba điều là có thể nhận xét, bình chọn được?

Có khó ló cái "khôn"

Chẳng đủ thời gian, điều kiện để đọc sách, để nghiên cứu tìm xem bộ sách nào hay, phù hợp nhưng giáo viên vẫn cứ phải bình chọn.

Thầy cô có đánh dấu bình chọn bộ sách này mức Tốt, bộ sách kia mức Khá hay mức Đạt cũng chủ yếu là cảm tính.

Có thể do giáo viên đọc vài bài thấy hay, thấy sách được trình bày đẹp hơn hay năm ngoái lớp 2 học bộ sách nào thì năm nay cứ chọn vậy cho dễ dạy…

Riêng lời nhận xét, có thầy cô đã tìm đến cứu cánh từ Google hoặc đồng nghiệp trên các diễn đàn, hội nhóm nhà giáo hỗ trợ.

Thế là, chỉ vài cái nhấp chuột thì hàng loạt lời nhận xét được đưa ra. Có điều cái nào cũng na ná như nhau nhưng biên tập lại đôi chút vẫn dùng tốt.

Quyền quyết định học sinh trong tỉnh năm nay sẽ học bộ sách nào vẫn do Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thay vì buộc tất cả giáo viên phải tham gia bình chọn (cả những môn học không phải chuyên môn của mình) thì địa phương nên lập một Hội đồng bình chọn sách giáo khoa.

Thành phần tham dự sẽ là một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, một số tổ trưởng chuyên môn có năng lực thật sự.

Tuy nhiên, giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn cần được nghỉ dạy ít nhất hàng chục ngày để có đủ thời gian nghiên cứu các bộ sách một cách sâu kỹ.

Hội đồng bình chọn sách phải chịu trách nhiệm về chất lượng bộ sách mình đã bình chọn ra. Có như thế, mới tránh được việc bình chọn tràn lan nhưng không tìm ra được sạn và không ai chịu trách nhiệm như bình chọn sách lớp 1 vài năm về trước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên