Góp ý sách giáo khoa chỉ trong vài ba ngày, việc làm hình thức và vô bổ

09/01/2022 07:25
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều Sở Giáo dục yêu cầu các trường học góp ý sách giáo khoa chỉ trong vài ba ngày khiến giáo viên nháo nhào đi xin đồng nghiệp bản nhận xét.

Những ngày qua tôi được rất nhiều giáo viên ở nhiêu tỉnh thành trên cả nước nhắn tin, gọi điện thoại xin ý kiến nhận xét về sách giáo khoa Ngữ văn 10 của 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Huế) cho năm học tới (2022-2023).

Một số thầy cô cho biết, Sở Giáo dục yêu cầu các trường góp ý sách giáo khoa chỉ trong vài ba ngày nên trở tay không kịp, đành phải nhờ đồng nghiệp giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy trình biên soạn sách giáo khoa thế nào?

Ngày 22/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Theo đó, Khoản 1 Điều 9 quy định quy trình biên soạn sách giáo khoa như sau:

a) Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này;

b) Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Chương IV Thông tư này;

d) Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định;

đ) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

Có thể nhận thấy, quy định quy trình biên soạn sách giáo khoa được thực hiện rất chặt chẽ qua 5 bước. Bản thảo sách giáo khoa của cá nhân, tổ chức đáp ứng điều kiện thì được nhà xuất bản biên tập và thực nghiệm sau đó. Tiếp đến, sách được thẩm định, nếu đạt yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

Cùng với đó, đội ngũ tác giả, đội ngũ thẩm định sách giáo khoa là những người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, được chọn mặt gửi vàng, lẽ nào lại cần huy động một lực lượng đông đảo giáo viên bộ môn trên cả nước cùng tham gia góp ý?

Ngoài ra, điều mà cá nhân người viết băn khoăn nhất đó là, Khoản 1 Điều 9 Thông tư 33 cũng không có nội dung nào đề cập đến việc giáo viên phải tham gia góp ý sách giáo khoa.

Vậy nên, có ý kiến cho rằng, nếu muốn được thầy cô góp ý sách giáo khoa thì nhà xuất bản và những tổ chức cá nhân có liên quan phải chi trả thù lao sòng phẳng.

Góp ý sách giáo khoa kiểu cưỡi ngựa xem hoa

Tôi cho rằng, việc các Sở Giáo dục hối thúc giáo viên góp ý sách giáo khoa chỉ trong vài ba ngày là việc làm qua loa, hình thức, thiếu nghiêm túc vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, các Sở Giáo dục muốn giáo viên góp ý sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi là chương trình mới) thì đội ngũ biên soạn sách cần cung cấp bản tổng kết ưu, khuyết của chương trình cũ so với chương trình mới để thầy cô dễ bề so sánh, đối chiếu.

Trước khi Bộ Giáo dục đưa vào sử dụng sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 của chương trình mới, tôi chưa bao giờ thấy đội ngũ tác giả sách giáo khoa chương trình mới đưa ra bản tổng kết, đánh giá lên các phương tiện truyền thông để giáo viên có cái nhìn khách quan và thấu hiểu: vì sao phải thay sách giáo khoa, để cùng đồng hành với chủ trương, chính sách chung.

Kể cả việc đội ngũ tác giả sách, nhà xuất bản cũng cần cung cấp thêm nội dung thẩm định của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là phần khuyết điểm, hạn chế, yêu cầu sửa chữa (nếu có) của sách giáo khoa mới để giáo viên có thêm căn cứ nhìn nhận, đánh giá, phản biện được sâu sát.

Thứ hai, tôi chỉ lấy ví dụ cuốn Ngữ văn 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Bùi Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, dài 138 trang, nếu tính luôn tập 2 thì khoảng 250 trang sách. Giáo viên có thể đọc chừng đó trang sách trong vài ba ngày, nhưng để nhận xét về nội dung cho thấu đáo là không thể.

Nhiều giáo viên chia sẻ, thầy cô chỉ đọc phần mục lục xem nội dung bài học mới so với bài học cũ xem có gì giống và khác nhau rồi nhận xét.

Một số giáo viên xin biên bản góp ý của trường bạn, tỉnh bạn để nộp cho xong chuyện vì không có thời gian và cũng chẳng mặn mà gì.

Thứ ba, thời điểm này giáo viên nhiều tỉnh còn chưa bồi dưỡng xong module 5, có tỉnh đã bắt đầu thực hiện module 9. Cùng với đó, đây là thời điểm học sinh chuẩn bị kiểm tra học kì 1, giáo viên phải vừa dạy bài mới, vừa ôn tập rồi chấm bài.

Ở bậc trung học phổ thông, giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên, đề kiểm tra có phần trắc nghiệm, việc chấm bài khá nhanh. Nhưng, với giáo viên Ngữ văn dạy nhiều lớp, việc chấm bài, vô điểm có khi cả tuần chưa xong, chưa kể thời gian phải làm hồ sơ sổ sách thì lấy đâu ra thời gian mà góp ý sách giáo khoa.

Thứ tư, theo ghi nhận của tôi, nhiều giáo viên cho biết họ cũng không hi vọng nhiều vào việc góp ý sách giáo khoa sẽ được tác giả sách, nhà xuất bản tiếp thu một cách cầu thị.

Giáo viên cũng chín người mười ý, trong khi đó tác giả biên soạn sách giáo khoa phải dựa trên quan điểm xây dựng chương trình chứ đâu phải chuyện đẽo cày giữa đường mà ai nói gì cũng nghe.

Còn nhớ, thời điểm sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, kể cả một số cuốn sách khác, được bạn đọc phát hiện đầy rẫy sạn, liên tục được phản ánh trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam nhưng sau đó tác giả sách cũng chỉ chỉnh sửa nhỏ giọt.

Điều đáng nói là, những ý kiến góp ý đầy thuyết phục của bạn đọc, chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo rồi cũng đi vào dĩ vãng, học sinh vẫn phải học những trang sách kém chất lượng. Thậm chí, có vị có vai vế trong ngành giáo dục vẫn lên tiếng khen chất lượng sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều vì cháu nội học rất tiến bộ.

Bàn về chuyện góp ý sách giáo khoa, một giáo viên trường trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Ngãi nói rằng, có lẽ ngành giáo dục muốn làm sớm để còn ăn Tết. “Tôi nghĩ mọi chuyện đã mâm lên đọi (tô) cả rồi, không thay đổi được gì đâu”, cô giáo trải lòng.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-33-2017-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tieu-chuan-quy-trinh-bien-soan-chinh-sua-sach-giao-khoa-381305.aspx

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-van-ban-trong-sach-tieng-viet-1-canh-dieu-day-ray-san-post212884.gd

https://toquoc.vn/thu-truong-bo-gddt-chau-noi-toi-rat-vui-hao-hung-khi-hoc-bo-sach-canh-dieu-20201109171329436.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên