Chương trình sách giáo khoa ba đời Bộ trưởng chưa xong, vẫn rối rắm, bất cập

24/03/2022 06:39
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Bộ có phần bị động trong chỉ đạo, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi nhiều đầu việc đã “chuyển vai” giao quyền tự chủ cho nhà trường.

Hai năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 nhưng những khó khăn sẽ nhiều hơn khi năm học tới đây sẽ triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Nếu như cấp trung học cơ sở thì các môn học được giữ nguyên như lớp 6 ở năm học này nhưng cấp tiểu học sẽ có thêm môn Tin học, cấp trung học phổ thông sẽ là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới với rất nhiều môn học mới và đối mặt với nhiều nhóm môn khác nhau.

Nhóm trường chuyên sẽ tuyển sinh và đào tạo ra sao khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ còn 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương)?

Bài toán về tuyển dụng, sắp xếp nhân sự hiện có, bố trí giáo viên giảng dạy các môn học mới, nhóm môn mới và hướng tới thi cử cho học sinh sẽ ra sao? Chẳng lẽ, Bộ lại tiếp tục giao quyền…tự chủ cho nhà trường nữa hay sao?

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn

(Ảnh minh họa: Phạm Linh)

3 nhiệm kỳ Bộ trưởng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố vào chiều ngày 5/8/2016- lúc thầy Phạm Vũ Luận đang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến chiều ngày 28/7/2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua.

Và, ngày 27/12/2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học. Năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 - thời điểm này thầy Phùng Xuân Nhạ đang làm Bộ trưởng.

Khi thầy Nguyễn Kim Sơn lên làm Tư lệnh ngành thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Chương trình mới sẽ thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 sẽ thực hiện ở những lớp cuối cấp là lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, kể từ khi Bộ chủ trương xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến khi triển khai thực hiện giảng dạy ở các nhà trường theo hình thức cuốn chiếu ở các cấp học đã đi gần hết 3 nhiệm kỳ của 3 Bộ trưởng.

Chưa nói đến số tiền mà ngân sách nhà nước bỏ ra, chưa nói đến số tiền mà giáo viên phải bỏ ra để đi tập huấn, học bồi dưỡng các lớp để có chứng chỉ hoặc các địa phương phải tuyển giáo viên để dạy những môn học mới thì mười mấy năm như vậy đã tốn không biết bao nhiêu công sức, tâm huyết của hàng triệu con người.

Song, tiền bạc, công sức của Nhà nước và Nhân dân bỏ ra mà chương trình mới ưu việt hơn các chương trình trước đây, thuận lợi thực hiện hơn chương trình trước đây thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”.

Đằng này, với những gì đang diễn ra khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khiến nhiều người băn khoăn, trăn trở bởi cho dù chúng ta có lạc quan đến bao nhiêu cũng không thể tránh khỏi những điều nghi ngại.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang rối như canh hẹ

Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học ngày ngày 27/12/2018 thì những tác giả tham gia viết chương trình tổng thể, chương trình môn học cũng hết nhiệm vụ và nhiều người đã đầu quân cho một số nhà xuất bản để viết sách giáo khoa.

Khi họ đã đầu quân cho các nhà xuất bản khác nhau thì điều dĩ nhiên là những tác giả viết chương trình tổng thể, chương trình môn học cũng phải bảo vệ cho đơn vị mình đầu quân, bảo vệ cho bộ sách của mình.

Vì thế, trong thời gian qua thì chúng ta cũng đã đọc được một số bài viết, chia sẻ của nhiều tác giả đang bảo vệ quan điểm, lợi ích cho nhà xuất bản mà mình cộng tác.

Việc giáo viên dạy ở cơ sở gặp khó khăn như thế nào thì có lẽ những thầy tổng chủ biên chương trình tổng thể, chương trình môn học cũng không mấy bận tâm nữa vì cơ bản là họ đã hết nhiệm vụ, hết hợp đồng với Bộ.

Trên cương vị Bộ trưởng của ngành thì cũng đã có 3 thầy khác nhau đảm nhận, những Thứ trưởng phụ trách giáo dục phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thì cũng đều thay đổi người mới.

Tất nhiên, sự thay đổi người đứng đầu sẽ có sự kế thừa và tiếp tục công việc của người tiền nhiệm nhưng rõ ràng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc chung trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Điều mà dư luận xã hội thấy rõ nhất là theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng kế hoạch này đã bị phá sản hoàn toàn.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo nhìn thấy rất rõ những bất cập khi Bộ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 trong năm học 2020-2021 vừa qua và lớp 2, lớp 6 trong năm học này.

Giáo viên dạy lớp 1 dạy được một thời gian dài thì Bộ mới bắt đầu triển khai tập huấn chương trình mới qua các module trực tuyến. Chương trình lớp 6 đã dạy được gần hết nửa học kỳ II rồi mà nhiều địa phương vẫn chưa triển khai bồi dưỡng cho những giáo viên dạy 2 môn tích hợp.

Trong khi, đáng lẽ ra Bộ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chu đáo xong thì mới có thể triển khai dạy các môn học mới.

Năm học tới đây sẽ triển khai môn Tin học ở lớp 3, môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 nhưng giờ này các địa phương vẫn lúng túng đề xuất, lên tiếng về thiếu giáo viên các môn học này.

Rồi việc tuyển sinh 10 vào các trường chuyên cho năm học 2022-2023 tới đây sẽ ra sao khi cấp trung học phổ thông chỉ còn 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương)?

Nhìn vào những môn học, hoạt động bắt buộc này, chúng ta dễ dàng nhận thấy chỉ có 3 môn Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1 là có lớp chuyên, các môn học, hoạt động bắt buộc còn lại thì các trường chuyên không tuyển sinh để đào tạo.

Các lớp 7, 8, 9 ở cấp trung học cơ sở hiện nay đang học chương trình năm 2000 nhưng lên cấp trung học phổ thông thì các em sẽ sang chương trình 2018 với rất nhiều tổ hợp khác nhau tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi các em thi vào các môn chuyên ở các trường trung học phổ thông chuyên.

Nguy cơ “vỡ trận” về các nhóm môn ở cấp trung học phổ thông rất có thể xảy ra và ngay cả cấp trung học cơ sở hiện nay cũng đang lúng túng trong sắp xếp giảng dạy, kiểm tra, vào điểm ở các môn như Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Nội dung giáo dục địa phương.

Lúc này, rất cần những người “đứng mũi chịu sào” nhưng gần như ngành đang bỏ ngỏ. Ngay cả phòng Giáo dục Trung học ở các sở cũng chưa có những chuyên viên “tích hợp” thì khi gặp rối giáo viên biết tìm ai để gỡ?

Lãnh đạo Bộ đang có phần bị động trong việc chỉ đạo, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi nhiều đầu việc đã được “chuyển vai” giao quyền tự chủ cho nhà trường.

Việc giao quyền tự chủ cho nhà trường khi nghe qua thì có vẻ khách quan, khoa học lắm nhưng thực chất vấn đề thì có lẽ lãnh đạo các cấp của ngành Giáo dục cũng đang loay hoay trong mớ bòng bong của chương trình mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG