Hà Nội tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 ngoài Quy chế đánh giá của Bộ để làm gì?

18/04/2022 08:38
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lẽ nào, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại có một cơ chế khác để vận dụng điểm bài kiểm tra 120 phút thay thế cho điểm kiểm tra bài…15 phút?

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong hai ngày 22-23/4 tới đây thì học sinh lớp 12 trung học phổ thông và học viên học chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố sẽ tham dự kỳ kiểm tra khảo sát.

Việc làm này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội duy trì trong nhiều năm qua nhằm giúp học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết thì đây là việc làm có phần rình rang, tốn kém, tạo ra những áp lực không cần thiết cho học sinh và các nhà trường mà kết quả của kỳ kiểm tra khảo sát này gần như… chẳng để làm gì.

Nếu tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 của toàn thành phố chỉ với mục đích nắm tình hình thì rõ ràng đây là việc làm không hiệu quả nhưng nó khiến cho hàng chục ngàn con người vất vả và tất nhiên số tiền để chi cho kỳ khảo sát này cũng không hề nhỏ chút nào.

Kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 ở Hà Nội khá cồng kềnh và áp lực (Ảnh chụp màn hình)

Kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 ở Hà Nội khá cồng kềnh và áp lực (Ảnh chụp màn hình)

Kiểm tra khảo sát lớp 12 để làm gì

Trước đây, có một thời gian dài các trường phổ thông thường tổ chức kiểm tra khảo sát học sinh đầu năm học, hoặc đầu cấp học nhằm nắm chất lượng để có kế hoạch bồi dưỡng cho những học sinh yếu kém trong năm học.

Tuy nhiên, những năm gần đây thì các địa phương cũng đã bỏ việc khảo sát chất lượng học sinh trong năm học vì thực tế kỳ khảo sát này cũng không phát huy được hiệu quả mà gây ra những áp lực cho đội ngũ nhà giáo và học sinh ở các nhà trường.

Đặc biệt, ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để giảm áp lực kiểm tra cho học trò.

Theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ đã giảm đi rất nhiều so với trước đây, nhất là những môn học nhiều tiết như Văn, Toán, Anh…

Chính vì thế mà hiện nay, mỗi học kỳ thì các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ còn 2 bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) và có từ 2 đến 4 lần kiểm tra thường xuyên).

Điều này cho thấy Bộ đã và đang hướng tới giảm nhẹ việc kiểm tra, thi cử cho học trò. Ngay cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học, cao đẳng thì nhiều năm qua cũng đã gộp vào 1 kỳ thi chung để giảm áp lực cho học sinh lớp 12 và cho xã hội.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà nhiều năm qua thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn luôn duy trì kỳ kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 trên toàn thành phố một cách đều đặn.

Theo kế hoạch, trong kỳ kiểm tra khảo sát tới đây thì học sinh lớp 12 ở Hà Nội sẽ dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài Tổ hợp tự chọn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Học viên học chương trình giáo dục thường xuyên dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý).

Điều đáng nói là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không bắt buộc các trường sử dụng điểm kiểm tra khảo sát mà tùy theo điều kiện cụ thể, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ.

Chỉ đạo này đang rất mâu thuẫn với hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT. Bởi lẽ, theo khung thời gian năm học thì thời điểm Hà Nội tổ chức kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 là lúc các trường học vừa tổ chức xong kỳ kiểm tra giữa kỳ và chuẩn bị cho kiểm tra cuối kỳ. Trong khi, kỳ kiểm tra cuối kỳ ở lớp 12 thì gần như năm nào Sở cũng ra đề.

Vậy, tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại không kết hợp kiểm tra cuối kỳ hoặc giữa kỳ với việc kiểm tra khảo sát luôn một thể cho đỡ lãng phí mà tránh được áp lực cho các nhà trường?

Vì kiểm tra cuối kỳ hay tổ chức kiểm tra khảo sát thì Sở cũng ra đề và giáo viên các trường cũng sẽ tổ chức gác kiểm tra, chấm bài nên độ tin cậy gần như tương đồng với nhau.

Vì thế mới có chuyện nghịch lý là thời gian kiểm tra mỗi môn học là thời gian kiểm tra của bài định kỳ (Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút, mỗi môn tổ hợp là 50 phút) nhưng Sở lại yêu cầu “không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ” mà chỉ “có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên”.

Điều tréo ngoe ở chỗ là Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn hình thức kiểm tra thường xuyên: “được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập” nên bài kiểm tra thường xuyên nếu thực hiện bằng hình thức viết thì cũng không có ai được phép cho học sinh làm bài quá 15 phút.

Lẽ nào, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại có một cơ chế khác để vận dụng điểm bài kiểm tra 120 phút thay thế cho điểm kiểm tra bài… 15 phút?

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng kỳ kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 những năm qua và ngày 22-23/4 tới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là một việc làm thừa thãi, lãng phí và có phần mâu thuẫn.

Riêng tiền giấy kiểm tra khảo sát cũng đã tốn mấy trăm triệu đồng

Chỉ tính riêng số lượng học sinh lớp 12 trung học phổ thông công lập và học sinh ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Thành phố Hà Nội hiện nay có khoảng hơn 70.000 học sinh.

Mỗi học sinh phải làm 4 bài kiểm tra khảo sát thì vừa đề, vừa giấy làm bài cũng cần khoảng 10 tờ giấy A4.

Nếu tính giá in, tiền giấy kiểm tra theo giá hiện hành thì mỗi học sinh phải cần 5.000 đồng tiền giấy nên chỉ riêng tiền giấy kiểm tra thì ngành giáo dục Hà Nội đã phải chi khoảng 350 triệu đồng.

Nhưng, có lẽ khâu tốn kém nhất là khâu tổ chức kiểm tra theo các cụm trường và tất nhiên Sở và các trường học phải chi tiền phụ cấp, tiền coi, tiền chấm bài kiểm tra cho hàng ngàn giáo viên tham gia làm nhiệm vụ theo quy chế hiện hành.

Ngoài việc giấy kiểm tra, gác kiểm tra, chấm bài thì tất nhiên ngành giáo dục Hà Nội còn phải chi tiền cho hội đồng chỉ đạo, tổ chức thanh, kiểm tra, ra đề, phản biện đề, chi phí vận chuyển đề…

Bên cạnh đó, các trường phải tổ chức ôn luyện, tổng hợp số liệu, báo cáo… với biết bao nhiêu tiền bạc, công sức của các nhà trường và nhiều thầy cô giáo.

Nhưng, sau mỗi kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ thu về được gì? Chúng tôi nghĩ kết quả của kỳ khảo sát này không phát huy được tác dụng là bao nhiêu và nó không thực sự cần thiết.

Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kết hợp kiểm tra khảo sát với kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ II của học sinh lớp 12 chúng tôi cho rằng điều cần biết về chất lượng thì lãnh đạo Sở cũng biết được mà nó đỡ tốn kém hàng tỉ đồng từ ngân sách thành phố.

Điều cốt lõi là giáo viên học sinh và các nhà trường không phải trải qua một kỳ kiểm tra áp lực bởi đây kỳ kiểm tra này nằm ngoài hệ thống đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT.

Tài liệu tham khảo:

http://thptvantao.edu.vn/tin-tuc-thong-bao/tin-trong-nganh/huong-dan-thuc-hien-kiem-tra-khao-sat-doi-voi-lop-12-thpt-na.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH