108 tổ hợp Chương trình 2018 có lặp lại vết xe đổ của chương trình phân ban?

04/05/2022 09:05
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mất mát lớn nhất của chương trình phân ban ở phổ thông trung học, chương trình VNEN theo quan điểm của cá nhân người viết, chính là mất niềm tin của xã hội.

Theo Chương trình 2018 ở bậc trung học phổ thông gồm có môn học bắt buộc, môn học tự chọn, chuyên đề học tập tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương.

Trong đó có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Chương trình phân ban trước đây có 13 môn học: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Có 4 hoạt động giáo dục: hoạt động giáo dục tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, hoạt động giáo dục nghề phổ thông.

Có 3 ban: Ban khoa học tự nhiên (KHTN): phù hợp với những học sinh có năng lực, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên.

Ban Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV): phù hợp những học sinh có năng lực, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực Khoa học xã hội.

Ban cơ bản: thực hiện phân hóa linh hoạt bằng dạy học tự chọn ở các mức độ nâng cao khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của học sinh muốn học lên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào lao động sản xuất.

Chương trình phân ban cho phép học sinh tự chọn ban, thực tế không phải thế, các trường trung học phổ thông tùy nguyện vọng và điều kiện của nhà trường, sẽ quyết định tổ chức dạy học mấy ban và là những ban nào.

Chương trình 2018 ở lớp 10 cũng vậy, với hơn 108 tổ hợp môn, không có trường nào đáp ứng được mục tiêu cho học sinh tự chọn, các trường trung học phổ thông “Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp trung học phổ thông, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường; đồng thời xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng kí lựa chọn và tổ chức thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường [1].

Nhìn tổng thể, Chương trình 2018 so với chương trình phân ban trước đây đúng là “bình mới, rượu cũ”.

Bình mới, ở đây thay Chương trình phân ban bằng Chương trình 2018, rượu ở đây vẫn thế, nói là học sinh được tự chọn, nhưng thực tế không phải vậy, học sinh phải chọn những gì do nhà trường sắp xếp bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Nhiều trường ở thành phố Hồ Chí Minh không dạy chương trình phân ban. Ảnh: TẤN THẠNH - Nguồn nld.com.vn

Nhiều trường ở thành phố Hồ Chí Minh không dạy chương trình phân ban. Ảnh: TẤN THẠNH - Nguồn nld.com.vn

Sau một thời gian thực hiện, chương trình phân ban hoàn toàn sụp đổ, chỉ còn một ban cơ bản.

Trước những bất cập từ khi chưa triển khai đã được dư luận phản ánh, liệu chương trình 2018 ở trung học phổ thông có đi vào vết xe đổ của chương trình phân ban?

Nếu Chương trình 2018 bậc trung học phổ thông lặp lại "vết xe đổ phân ban", ai phải chịu trách nhiệm?

Chương trình phân ban ở trung học phổ thông theo đánh giá trên tờ Người Lao động trong bài "Lãng phí chương trình phân ban" đăng ngày 02/12/2014 [2] đã phá sản ngay từ đầu, gây nên sự lãng phí rất lớn về sức người, sức của.

Chẳng riêng gì chương trình phân ban, mô hình VNEN cũng gây nên sự lãng phí không nhỏ về trí lực, vật lực của xã hội.

Về mô hình "Trường học mới" VNEN, chương trình Vấn đề hôm nay, VTV.vn ngày 01/9/2016 cho biết:

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hợp quốc tài trợ không hoàn lại gần 85 triệu USD. Sau hơn 3 năm triển khai, đã có 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS áp dụng. Đến nay, dự án được tuyên bố đã kết thúc và ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường.

Được đánh giá là tập trung quá nhiều vào việc “diễn”, mô hình trường học mới VNEN khiến nhiều phụ huynh lo lắng về khả năng đậu cấp 3 của con em mình. [3]

Nhưng mất mát lớn nhất của chương trình phân ban ở phổ thông trung học, chương trình VNEN theo quan điểm của cá nhân người viết, chính là mất niềm tin của xã hội vào giáo dục, thế nhưng chưa có ai phải chịu trách nhiệm về chương trình phân ban cũng như VNEN.

Phải chăng việc “hòa cả làng” khi đưa học sinh và các trường vào các mô hình, dự án thí điểm như VNEN hoặc chương trình phân ban đã làm cho những người chịu trách nhiệm về chương trình 2018 không cần phải lo lắng, khi nguy cơ vỡ trận của 108 tổ hợp môn tự chọn?

Đã đến lúc phải quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân làm chương trình giáo dục, thẩm định sách giáo khoa nếu để xảy ra tình trạng vừa xong đã phải sửa, vừa triển khai xong sách giáo khoa mới đã phải thay.

Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp kịp thời để giải quyết các bất cập của Chương trình 2018 ở phổ thông trung học, để tránh những nguy cơ đổ vỡ như đã từng xảy ra với chương trình phân ban.

Tài liệu tham khảo:

[1]Công văn 5512

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lang-phi-chuong-trinh-phan-ban-2014120222204462.htm

[3]https://vtv.vn/van-de-hom-nay/dien-qua-nhieu-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-khien-phu-huynh-phat-so-20160901001423579.htm

Lê Mai