Thầy giáo dạy Toán chỉ 7 kinh nghiệm làm bài thi tuyển sinh lớp 10 đạt điểm cao

13/05/2022 06:50
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Nguyễn Đình An, giáo viên Toán của trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1 chỉ ra 7 kinh nghiệm cần nhớ để làm bài đạt điểm cao khi thi tuyển sinh lớp 10.

Theo kế hoạch đã được công bố, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ ngày 11-12/6/2022.

Thí sinh làm 3 bài thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán (thời gian làm bài là 120 phút/môn), Ngoại ngữ (thời gian làm bài 90 phút/môn).

Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ chính thức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố, hiện các em học sinh lớp 9 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh rất quan trọng này.

Là một giáo viên dạy Toán với hàng chục năm kinh nghiệm đứng lớp, thầy Nguyễn Đình An, giáo viên trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1 đã chỉ ra 7 kinh nghiệm mà học sinh cần nhớ để làm bài thi tuyển sinh lớp 10 đạt kết quả cao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Đình An cho biết, trước hết thì học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản trong tài liệu mà thầy cô giảng dạy. Học sinh biết sử dụng thành thạo các công thức đã học liên môn như Lý, Hóa, Sinh, Địa…

Thầy Nguyễn Đình An, giáo viên Toán trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1 (ảnh: P.L)

Thầy Nguyễn Đình An, giáo viên Toán trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1 (ảnh: P.L)

Các phần giảm tải theo chương trình mà giáo viên đã truyền đạt (phần này không cần ôn luyện khi thi, vì đề thi sẽ không có) chẳng hạn như Toán bậc hai, phương trình chứa ẩn ở mẫu, cung chứa góc…

Học sinh cần biết cách làm tròn độ dài (lấy một chữ số thập phân), làm tròn góc (lấy đến phút), biết đổi đơn vị từ km/h sang m/s, hay từ độ C sang độ F.

Nắm vững các kiến thức về chứng minh đặc tính của 1 hình như chứng minh song song, thẳng hàng, vuông góc, đồng quy, 2 tam giác đồng dạng, 1 hệ thức, tiếp tuyến…yêu cầu học sinh thuộc các định nghĩa, định lý, tính chất.

Học sinh cần nắm vững cách chứng minh các điểm cùng thuộc một đường tròn (tam giác nội tiếp, tứ giác nội tiếp).

Học sinh vận dụng được các công thức về tỷ số lượng giác, talet, đồng dạng, từ đó giải được các bài toán về đo chiều cao, tính khoảng cách.

Học sinh cần vận dụng được các công thức liên môn để giải các loại toán về phần trăm, nồng độ, lãi, lỗ, tiền tiết kiệm ngân hàng.

Trong quá trình làm bài thi tuyển sinh, học sinh cần khắc phục: Đối với các bài thực tế, học sinh thường hay lẫn lộn, hoặc không thuộc công thức dẫn đến sai lầm khi tính toán.

Học sinh chưa đọc kỹ đề bài, và phân tích đề khi làm bài, nên thường hay làm sai. Ví dụ: Gánh nước (thường là đôi), học thường hay quên nhân 2, hay là tính thể tích hình trụ đề bài cho đường kính thì học sinh hay quên chia 2 để tìm ra bán kính.

Khi chứng minh hay nêu ra một vấn đề nào đó, học sinh phải có luận cứ (giải thích rõ ràng). Đa số học sinh không nêu được luận cứ, hay luận cứ sai.

Phương trình hoành độ giao điểm của (P) và (d) thì học sinh hay viết lầm là tọa độ giao điểm của (P) và (d).

Vẽ hệ trục tọa độ không chọn chiều dương (chiều mũi tên) và các giá trị trên hệ trục không bằng nhau, hoặc chọn 1 lúc 4 mũi tên.

Học sinh cần nắm 7 kinh nghiệm để làm bài thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán đạt điểm cao:

Nắm vững nội dung thi bằng cách giải đề thi trong cuốn tuyển tập đề tham khảo tuyển sinh 10 của Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2022-2023.

Học sinh phải phân định rõ ràng thời gian phân bổ cho mỗi câu là làm trong bao nhiêu phút. Ví dụ: Đề có 8 bài, mỗi bài có 2 ý, riêng phần hình học câu a và b có hai ý, do đó bài có khoảng 17 ý sẽ làm trong vòng 120 phút. Bình quân, mỗi câu học sinh sẽ làm trong vòng hơn 7 phút, có trừ đi phần đọc và hiểu đề (do mỗi bản thân học sinh sẽ tự quyết).

Học sinh tập đọc nhanh, gạch bút chì dưới phần cốt lõi của mỗi câu để vạch ra vấn đề cần biết, vấn đề cần giải.

Xác định được trọng tâm, hướng giải các câu hỏi một cách nhanh chóng và chính xác.

Không tập trung quá nhiều thời gian vào các câu hỏi khó, dừng quá nhiều thời gian đã được phân bổ từ đầu cho mỗi câu hỏi.

Phần nào dễ nên làm trước, đôi khi phần hình học chưa chứng minh được xong ở câu a, ta có thể lấy kết quả của câu a để chứng minh cho câu b hay c nếu đúng thì vẫn được điểm.

Hình vẽ cần rõ ràng, tránh vẽ đặc biệt hay vẽ hình sai đề. Ví dụ: Đề cho tam giác ABC (AB>AC), ta lại vẽ AB<AC hay là đề cho tam giác ABC nội tiếp (0) ta lại vẽ tam giác ABC có 1 cạnh là đường kính…Hình vẽ sai thì sẽ cho khái niệm sai trong suy nghĩ khi làm bài.

Việt Dũng