Cách tính điểm ưu tiên Bộ Giáo dục đưa ra rất phức tạp, rắc rối và bất hợp lý

16/06/2022 06:44
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các thí sinh trong cùng một địa phương nhưng được hưởng mức điểm ưu tiên khu vực khác nhau là bất công, không phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 với 8 điểm mới. Trong đó, nội dung nhận được nhiều quan tâm nhất là việc mức điểm ưu tiên dự kiến được điều chỉnh giữa các nhóm thí sinh thuộc khu vực và đối tượng khác nhau.

Cụ thể, thí sinh đạt điểm thi từ 22,5 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có mức điểm cộng ưu tiên khu vực thấp hơn so với các thí sinh khác theo nguyên tắc giảm tuyến tính và mức điểm cộng ưu tiên khu vực của thí sinh đạt 30 điểm sẽ là 0 điểm. Cách tính điểm ưu tiên khu vực này dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2023.

Sau khi quy chế được công bố, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề cộng điểm ưu tiên.

Trước thực tế này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: NVCC

Việc thí sinh đạt điểm càng cao thì sẽ càng giảm dần mức điểm ưu tiên, riêng thí sinh đạt 30 điểm sẽ không được cộng điểm ưu tiên, điều này có tạo sự bất công trong giáo dục không, thưa Đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Khi đưa ra quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tính toán kỹ lưỡng, theo như lý giải của Bộ thì những năm vừa qua có khoảng 75% số lượng thí sinh được cộng điểm ưu tiên ở tất cả các cấp độ khác nhau, còn lại 25% thí sinh không được cộng.

Trong 75% số thí sinh được cộng, nhóm có tổng điểm 3 môn thi đại học dưới 22,5 điểm sau khi cộng điểm ưu tiên vào mới có khả năng đỗ đại học. Rõ ràng, việc cộng điểm có tác dụng khá lớn, tăng điều kiện tiếp cận đại học của các em.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận thấy tỷ lệ từ 22,5 điểm trở lên của nhóm 75% được cộng điểm ưu tiên rất nhiều, chứng tỏ khi xét tuyển ở các trường đại học thì đối tượng từ 22,5 điểm trở lên được cộng thêm điểm đẩy điểm chuẩn đại học lên cao dẫn tới hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra biện pháp khắc phục đó là thay đổi việc cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, công thức tính trong dự thảo khá phức tạp và rắc rối, còn tồn tại những điểm bất hợp lý.

Thứ nhất, mục tiêu của cộng điểm ưu tiên là hướng tới sự công bằng trong giáo dục, tức là điều kiện tiếp cận giáo dục của học sinh các vùng miền có sự khác nhau.

Học sinh ở các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn sẽ có điều kiện tiếp cận giáo dục thuận tiện hơn rất nhiều so với học sinh vùng sâu, vùng xa. Đối với các em điều kiện giáo dục khó khăn hơn thì việc cộng điểm ưu tiên khiến cho các em có một chút lợi thế trong quá trình xét tuyển so với các em thuộc khu vực phát triển đã có lợi thế từ khi bắt đầu đi học.

Vậy thì, việc các thí sinh trong cùng một địa phương, hưởng điều kiện giáo dục như nhau nhưng căn cứ vào mức điểm đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp mà điểm ưu tiên các em nhận được khác nhau. Điều này tạo ra sự bất công bằng, không thuyết phục.

Thứ hai, tuyển sinh đại học thì chúng ta phải khuyến khích các thí sinh đạt điểm cao. Việc các em đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên nhận được càng giảm sẽ một phần ảnh hưởng tới tâm lý các em có học lực khá, giỏi.

Đặt ra ngưỡng 22,5 điểm để quy định số điểm được cộng trong điểm ưu tiên khu vực có hợp lý không, thưa Đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngưỡng 22,5 điểm căn cứ từ kết quả ba năm tuyển sinh gần nhất. Tuy nhiên, không thể đảm bảo ngưỡng này sẽ đúng với năm nay, năm sau và nhiều năm sau đó. Vì phổ điểm còn căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Việc chỉ lấy điểm đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để quyết định điểm ưu tiên của các thí sinh được hưởng theo tôi là không hợp lý.

Thưa Đại biểu, cộng điểm ưu tiên như thế nào là hợp lý và khắc phục được tình trạng thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Việc cộng điểm ưu tiên là đúng, tuy nhiên tôi thấy rằng, đối tượng cộng điểm ưu tiên của chúng ta quá rộng và không còn phù hợp. Hiện nay, 75% đối tượng được cộng điểm ưu tiên là quá nhiều và chỉ có 25% thí sinh không được cộng. Con số "ưu tiên" không thể lớn hơn con số "đại trà" được.

Tôi lấy ví dụ, 15 - 20 năm về trước, khu vực 2 nông thôn so với khu vực thành thị có sự chênh lệch đáng kể trong điều kiện tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực 2 nông thôn gần như tiệm cận với một số thành thị. Vì vậy, trước hết cần phải rà soát lại đối tượng được cộng điểm ưu tiên sao cho hợp lý, chứ không phải xem xét cách tính điểm rắc rối như hiện tại.

Còn để tránh tình trạng thí sinh đạt trên 30 điểm khi được cộng điểm ưu tiên và điểm rất cao nhưng không đỗ đại học thì cần có sự phân hóa trình độ học sinh ngay từ khâu ra đề thi.

Trong đề thi cần có những câu phân hóa khó yêu cầu học sinh thực sự giỏi, nổi bật mới đạt điểm tối đa. Việc phân hóa đề thi không phải để đánh đố thí sinh mà để tìm ra những người thực sự giỏi, đủ điều kiện vào ngành của trường top đầu.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu.

Trần Lý