NGND.PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Nhà khoa học với sự nghiệp giáo dục trẻ thơ

14/07/2022 09:21
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù ngoài 80 tuổi nhưng tình yêu, nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục trẻ thơ của Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn chưa phút nào ngơi.

Những tháng ngày đèn sách

Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh nguyên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông sinh năm 1937 trong một gia đình trí thức nghèo ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhà đông anh em nên Nguyễn Võ Kỳ Anh luôn khát khao được đến trường. Nhờ sự thông minh, ham học nên cậu bé Kỳ Anh luôn đạt thành tích cao trong lớp.

Năm 1956, Kỳ Anh tốt nghiệp trường cấp III Phan Đình Phùng (thời điểm đó là hệ giáo dục 9 năm) và đăng ký thi vào trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Mấy tháng sau, ông nhận được giấy báo trúng tuyển.

Trong thời gian hơn 5 năm học tập, chàng sinh viên Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn chăm chỉ vừa học vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Dù cuộc sống vất vả là thế nhưng việc học của Kỳ Anh chưa bao giờ dám chểnh mảng.

Năm 1961, sinh viên Kỳ Anh học năm thứ 5 đại học và theo học chuyên khoa Nhi. Trong quá trình học, anh được tiếp cận chương trình do các giảng viên Liên Xô dạy về phương pháp nhi khoa hiện đại. Càng đi sâu tìm hiểu, anh dần đem lòng yêu thích và nghiên cứu vấn đề giáo dục lứa tuổi trẻ nhà trẻ, mẫu giáo.

Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh (Ảnh: NVCC)Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh (Ảnh: NVCC)

Khoảng tháng 5/1961, sinh viên Kỳ Anh được nhà trường cử đi thực tập tốt nghiệp ở Hợp tác xã Đại Phong, thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thời điểm ấy, phong trào “Gió Đại Phong – Sóng Duyên Hải – Cờ Ba Nhất” nổi tiếng khắp miền Bắc trong đó, “Gió Đại Phong” lá cờ đầu của hợp tác xã nông nghiệp cả nước.

Về thực tập ở Hợp tác xã Đại Phong, Nguyễn Võ Kỳ Anh thấy trẻ con ở nhà tự chơi nhiều mà chưa đến trường, nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Từ đó, Kỳ Anh vừa đi sâu tìm hiểu để củng cố y tế cơ sở cho địa phương vừa xây dựng mạng lưới nhà trẻ ở các thôn để xã viên có nơi gửi con và yên tâm lao động sản xuất. Ông đề xuất tổ chức nhà trẻ trong các đội sản xuất của hợp tác xã. Mỗi đội có một nhà trẻ, có xây dựng chế độ ăn, giáo dục, chăm sóc đầy đủ. Sau 6 tháng nghiên cứu và tập hợp tư liệu, ông viết báo cáo khoa học về “Chế độ sinh hoạt của trẻ em ở nhà trẻ Hợp tác xã Đại Phong”.

Cuối năm 1961, chàng sinh viên Kỳ Anh tốt nghiệp trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Ông và các bạn Trần Quỵ, Đào Thị Ngọc Diễn và Nguyễn Công Khanh được phân về giảng dạy ở Bộ môn Nhi của trường.

Bước ngoặt mới

Những tưởng sẽ mãi gắn bó với việc giảng dạy và nghiên cứu y học thì cuộc đời ông đã có một bước chuyển mới. Năm 1971, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương được thành lập với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Ủy ban phải tiến hành tổ chức xây dựng hệ thống nhà trẻ, giáo dục sức khỏe, truyền thông và vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Do bác sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh từng nghiên cứu về vấn đề trẻ em từ thời đại học, lại công tác ở Bộ môn Nhi nên được điều sang công tác ở Ủy ban.

Ngày 9/6/1972, ông chính thức chuyển công tác và được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình một trường trung cấp đào tạo cô nuôi trẻ cũng như chương trình đào tạo cho học viên. Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ: “Ở thời điểm đó, tôi đã quan niệm rằng không thể gọi những người trông trẻ là cô nuôi trẻ được, mà phải gọi là cô nuôi dạy trẻ. Bởi vì việc giáo dục cho trẻ em giai đoạn đầu đời là rất quan trọng. Dù thêm 1 chữ “dạy” thôi những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau”.

Sau gần 4 tháng chuẩn bị, tháng 10/1972, trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương được thành lập. Ông Kỳ Anh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (thời gian này chưa có Hiệu trưởng). Trường bằng tranh tre, nứa lá đã được dựng lên dưới chân dãy núi gần chùa Tây Phương, ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương đào tạo giáo sinh nuôi dạy trẻ gồm hai hệ. Đó là hệ thực hành sau khi tốt nghiệp sẽ làm cô nuôi dạy trẻ ở các nhà trẻ và hệ sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ làm giáo viên giảng dạy ở các trường sơ cấp, trung cấp nuôi dạy trẻ. Thời gian đào tạo là 3 năm. Tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1973, nhà trường về trực tiếp địa phương tuyển chọn học sinh còn những năm sau là thông qua hình thức thi tuyển.

Hai năm sau, trường chuyển về ở cơ sở mới tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hệ thống cơ sở vật chất của trường gồm các dãy nhà cấp bốn, nhưng đầy đủ các phòng học, ký túc xá cho khoảng 1200 học sinh cũng như nhà ở của cán bộ giáo viên.

Đầu những năm 80, trước sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường, ông Nguyễn Võ Kỳ Anh đã được giao nhiệm vụ cùng cán bộ Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương tìm địa điểm xây dựng trường học chính thức tại Hà Nội. Sau nhiều lần được Ủy ban nhân dân thành phố giới thiệu và trực tiếp đưa đi xem đất cuối cùng ông đã chọn vị trí ở khu Hoàng Quốc Việt để xây dựng trường. Sau này, khi hợp nhất với trường Sư phạm mẫu giáo Trung ương của Bộ Giáo dục, thành trường Cao đẳng sư phạm nhà trẻ - mẫu giáo Trung ương và hiện nay là trường Cao đẳng sư phạm Trung ương.

Hết lòng với sự nghiệp giáo dục mầm non

Năm 1988, Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em sáp nhập vào Bộ Giáo dục, khi đó ông Kỳ Anh được phân công làm Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và giáo dục trẻ em. Ông được giao nhiệm vụ hết sức khó khăn là phụ trách mảng giáo dục trẻ em ngoài nhà trường. Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết: “Trẻ em đến trường mẫu giáo lúc đó khoảng 50-60% và khoảng dưới 30 % trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ. Như vậy, trẻ chưa được đến nhà trẻ, mẫu giáo còn rất nhiều sẽ bị thiệt thòi nếu không có những giải pháp để chăm sóc giáo dục các cháu thuộc diện này”.

Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh trong chương trình của Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD), 2022 (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh trong chương trình của Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD), 2022 (Ảnh: NVCC)

Với tấm lòng yêu trẻ em, ông cùng 7 cán bộ nhân viên phải suy nghĩ xem làm gì với đối tượng này. Cuối cùng, ông nhận ra rằng: Giáo dục ngoài nhà trường trước hết phải nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc giáo dục con tại gia đình cho các bậc cha mẹ và tổ chức các loại hình nhóm trẻ gia đình để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đưa con đến nhà trường.

Từ đó ông đã đề xuất “Nghiên cứu về giáo dục cha mẹ” và “Xây dựng và phát triển nhóm trẻ gia đình”. Khi đề án được trình lên Bộ duyệt, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) rất ủng hộ và cấp kinh phí cho đề án để tiến hành đề tài “Nghiên cứu phong tục tập quán cha mẹ đối với việc chăm sóc nuôi dạy con” ở Thanh Hóa và đề tài “Triển khai xây dựng các nhóm trẻ gia đình”, tham gia các cuộc hội thảo, tham quan học tập tại các nước Ấn Độ, Thái Lan, Australia về vấn đề này.

Năm 1991, sau khi Bộ Giáo dục sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ông chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất.

Qua chuyến đi khảo sát ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông nhận thấy nhiều trường chưa có nhà vệ sinh cũng như nước uống cho học sinh. Ông đã lập Dự án “Xây dựng các công trình vệ sinh - nước sạch cho các trường tiểu học toàn quốc”. Dự án đã được cấp kinh phí để thực hiện.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh: “Tôi cùng chuyên gia bên Bộ Y tế nghiên cứu và thiết kế các nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn, rồi áp dụng cả nước”.

Bên cạnh đó, ông thường xuyên tổ chức các hội thi sư phạm, hội khỏe Phù Đổng giữa các trường với nhau về văn hóa văn nghệ, kỹ năng, thể dục thể thao. Nhờ đó, các em có thể phát huy năng khiếu bản thân trong quá trình học. Phong trào đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của học sinh sinh viên.

Cuối năm 2000, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh nghỉ hưu, nhưng ông vẫn đau đáu nỗi lòng vì sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Ông tiếp tục tham gia công tác ở Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam và Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Tháng 9/2011, Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD) được thành lập do Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh làm Viện trưởng. Nhờ đó, ông có thể tiếp tục đem công sức và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục sớm cho trẻ em trong những năm đầu đời nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Bước sang tuổi 85, nhưng sự nhiệt huyết và tình yêu của Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn chưa ngơi nghỉ. Ông vẫn tham gia nghiên cứu, viết sách và truyền kinh nghiệm về giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên và giáo dục sớm ở trẻ em cho giáo viên mầm non và các bậc cha mẹ.

Ngô Hiển