Lịch sử thành môn "bắt buộc" khiến các trường phải xây dựng tổ hợp lại từ đầu

16/07/2022 06:53
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, việc điều chỉnh, thiết kế chương trình môn Lịch sử từ 70 tiết xuống 52 tiết trong vòng 1 tháng có phần hơi vội vàng.

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023. Sau thông tin Bộ điều chỉnh chương trình môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông chỉ còn 52 tiết/năm học, nhiều trường nhanh chóng điều chỉnh, sắp xếp lại các tổ hợp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thái Bình) cho biết: "Theo thông tin mới nhất, môn Lịch sử sẽ giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp. Phần chủ đề môn Lịch sử với thời lượng đã thiết kế là 70 tiết/năm học sẽ được chuyển thành phần bắt buộc và điều chỉnh còn 52 tiết/năm học.

Với những điều chỉnh trên, việc dùng sách giáo khoa Lịch sử đã được in và phát hành để giảng dạy là rất khó. Ở thời điểm gấp rút như hiện nay, nếu biên soạn tài liệu mới thì đòi hỏi các nhà biên soạn phải thật tập trung, đầu tư tâm huyết, trí tuệ để cho ra một cuốn tài liệu phù hợp với tất cả đối tượng học sinh".

Cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thái Bình) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thái Bình) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Huệ cho rằng, việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, với 52 tiết/năm học cũng không có gì quá khó khăn với các trường trung học phổ thông bởi đa phần nhà trường đều sẵn nguồn nhân lực, đủ để đáp ứng.

Tuy nhiên, cái khó của các trường là phải xây dựng lại tổ hợp môn học đã từng công bố trước đó, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học mới.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, việc thay đổi một số nội dung môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông cũng sẽ tác động trực tiếp tới việc sắp xếp các tổ hợp môn học.

Cụ thể, nhà trường phải xây dựng tổ hợp 4 môn học lựa chọn thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu. Như vậy, trường sẽ phải giảm một số môn khi xây dựng tổ hợp.

"Đối với môn bị giảm số tiết, trường đã lên phương án phân công các giáo viên dạy môn học đó kiêm nhiệm thêm một số công việc khác như quản lý vườn trường, quản lý các phòng thực hành thí nghiệm, phòng chức năng để đảm bảo đủ định mức. Việc sắp xếp công tác kiêm nhiệm sẽ dựa trên năng lực của từng giáo viên", cô Huệ nói.

Bên cạnh đó, cô Huệ cũng cho rằng, sắp tới, các thầy cô dạy Lịch sử cũng phải đối mặt với thách thức rất lớn khi môn học này trở thành môn bắt buộc. Theo đó, giáo viên phải sáng tạo và tâm huyết hơn, thay đổi phương pháp dạy học để học sinh thực sự yêu thích Lịch sử.

"Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi phương pháp dạy học, cách kiểm tra, đánh giá đối với môn học này cũng cần có sự đổi mới theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh", cô Huệ nêu quan điểm.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trường Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ, việc điều chỉnh, thiết kế chương trình từ 70 tiết xuống 52 tiết trong vòng 1 tháng có phần hơi vội vàng.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). (Ảnh: Đỗ Thơm)

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). (Ảnh: Đỗ Thơm)

"Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có lộ trình để các Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường chuẩn bị chu đáo thì tốt hơn. Tuy nhiên, nếu ra quyết định thực hiện ngay trong năm nay, chỉ sửa đổi trong một tháng và phải thay sách giáo khoa thì có lẽ những người làm sách cần hết sức thận trọng và cẩn thận. Không nên làm sách mang tính chất chữa cháy, đó là điều tối kỵ đối với giáo dục đặc biệt là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo tôi, để có sự chuẩn bị tốt hơn, Bộ hoàn toàn có thể lùi lịch tổ chức chương trình mới sang năm học 2023-2024".

Cũng trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Huân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quế Võ số 2 (Bắc Ninh) cho rằng: "Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi quyết định điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc 52/70 tiết khiến nhiều trường bị động.

Hiện, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ các hướng dẫn chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể triển khai thực tế tại trường".

Thầy Nguyễn Văn Huân cũng nêu quan điểm, việc điều chỉnh chương trình đối với môn Lịch sử không nhất thiết phải biên soạn lại sách giáo khoa.

"Theo tôi, sách giáo khoa Lịch sử được phát hành vừa rồi vẫn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp biên soạn một tài liệu mới, phù hợp hơn đó cũng là tín hiệu đáng mừng", thầy Huân nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Công (Thái Nguyên) cho hay: "Tôi hoàn toàn đồng ý với kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thời gian qua, nhà trường đã xây dựng xong các tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10, trường cũng đã tập trung các em khối 10 để phổ biến về việc phân lớp và chọn tổ hợp. Chương trình điều chỉnh, chúng tôi sẽ phải xây dựng lại tổ hợp môn học để tiếp tục tư vấn cho học sinh. Tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể về việc dạy môn Lịch sử để các trường kịp triển khai trong năm học 2022-2023".

Hoài Ân