Liệu phụ huynh và học sinh có mặn mà với tủ sách giáo khoa dùng chung?

26/06/2022 06:50
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngân sách nhà nước phải tiêu tốn đáng kể để trang bị sách cho các trường học trong khi nhiều trường vẫn đủ khả năng huy động nguồn sách từ phụ huynh học sinh.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Câu chuyện từ thực tế

Phương án tủ sách giáo khoa dùng chung mà Bộ Giáo dục đề xuất cũng xuất phát từ việc Bộ muốn giảm gánh nặng tài chính cho gia đình học sinh trong việc mua sách giáo khoa.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường học đã có tủ sách giáo khoa dùng chung từ nhiều năm rồi.

Thế nhưng, do việc thay đổi sách xoành xoạch nên tủ sách dùng chung đã bị “khai tử”. Bên cạnh đó, không phải phụ huynh nào cũng muốn cho con học lại sách cũ. Đặc biệt là ở các thành phố, các khu vực đô thị, các gia đình có 1 đến 2 con, liệu họ có nỡ để con phải dùng lại sách cũ?

Giảng dạy trong ngành giáo dục gần 30 năm, những ngôi trường mà người viết đã từng công tác đều có một thư viện sách giáo khoa dùng chung.

Hằng năm, nhiều trường học nơi địa phương đều phát động quyên góp sách giáo khoa cũ. Mỗi năm có 2 lần ủng hộ là vào cuối học kỳ I (gom sách tập 1) và cuối năm (sách học kỳ II).

Nhờ thế, có trường học quê tôi trong thư viện lên đến hàng ngàn bộ sách giáo khoa cũ. Cứ cuối năm học, trường tôi lúc đó đều cho học sinh đăng ký mượn sách cho năm học tiếp theo.

Hào hứng nhất chỉ có một vài phụ huynh khó khăn. Những phụ huynh khác thường không mặn mà với việc mượn sách giáo khoa cũ cho lắm. Không ít người nói thẳng với tôi, bộ sách có vài trăm ngàn đồng em mua được cho con em học, để con học sách cũ thấy tội quá.

Phụ huynh và học sinh không mặn mà với tủ sách dùng chung của trường. (Ảnh tác giả)

Phụ huynh và học sinh không mặn mà với tủ sách dùng chung của trường. (Ảnh tác giả)

Có những năm, thầy hiệu trưởng thấy thư viện quá nhiều sách giáo khoa cũ nhưng các lớp đăng ký mượn lại rất ít. Thầy đã cho lấy hết sách giáo khoa trong thư viện chia đều cho các lớp trong khối.

Năm ấy, lớp tôi nhận được gần 30 bộ sách. Thế là, tôi mang lên lớp phát cho các em và động viên sách vẫn còn mới đem về học cho gia đình đỡ tốn một khoản tiền mua. Thế mà mấy ngày sau, cũng có nhiều phụ huynh mang sách đến trả.

Thay đổi sách giáo khoa khó khăn cho việc xây dựng tủ sách dùng chung

Bộ Giáo dục cũng đã lắng nghe, cũng đã thấu hiểu nên đã nêu đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần của Bộ Giáo dục, nhằm giảm phần nào gánh nặng về sách giáo khoa cho học sinh, đặc biệt là các gia đình khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, từ thực tế trên, người viết cho rằng sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần vẫn chưa là giải pháp tối ưu nhất.

Ngân sách nhà nước phải tiêu tốn một lượng đáng kể để trang bị sách cho các trường học trong khi các trường vẫn đủ khả năng huy động nguồn sách từ phụ huynh học sinh.

Giống như trường học của tôi cách đây ít năm đã huy động được hàng ngàn bộ sách giáo khoa cung cấp cho nhu cầu của học sinh toàn trường.

Thời gian gần đây, các tủ sách dùng chung của các trường trống rỗng không phải vì nhà trường không thể huy động. Nguyên nhân chủ yếu là việc cứ thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch nên nhiều bộ sách giáo khoa dù còn mới đã phải đến hàng đồng nát.

Khoảng 10 năm trở lại đây, sách giáo khoa cũ thay bằng sách giáo khoa VNEN, rồi lại thay bằng bộ sách Cánh Diều, có nơi tiếp tục đổi sang sách Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức…

Nếu như Bộ hỗ trợ cho địa phương A. bộ sách Chân trời sáng tạo nhưng vài năm sau địa phương ấy lại đổi sang học sách Kết nối tri thức sẽ thế nào đây? Không lẽ, lại bỏ hết sách cũ và lại tiếp tục xây dựng tủ sách mới?

Giải pháp để sách giáo khoa không còn là gánh nặng

Dưới góc nhìn của một nhà giáo, người viết cho rằng cần làm rõ các quy định, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo liên quan đến đổi mới việc dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh. Cần làm rõ về việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mới là giải pháp hay, hữu ích đối với ngành giáo dục, đối với cả phụ huynh học sinh.

Thứ nhất, địa phương cần dành một khoản ngân sách hằng năm để các trường học mua thêm một số bộ sách giáo khoa dành cho các học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ hai, khuyến khích các nhà trường tiếp tục huy động sự ủng hộ sách cũ từ học sinh để xây dựng một tủ sách dùng chung cho ai có nhu cầu sẽ đến mượn.

Thứ ba, giá sách tăng cao gây nên nỗi bức xúc cho phụ huynh phần lớn là do một số trường học nhập nhèm trong việc bán sách giáo khoa kèm vở bài tập.

Bởi thế, Bộ Giáo dục cần cấm triệt để việc bán sách giáo khoa kèm vở bài tập như một số trường học hiện nay đang làm. Cần có biện pháp mạnh như việc cách chức hiệu trưởng nếu nơi đó để xảy ra tình trạng nhập nhèm trong việc bán sách giáo khoa giá cao.

Thứ tư, cần có quy định tuổi thọ của bộ sách (khi đã chọn) để tránh tình trạng cứ học vài năm lại thay đổi sách một lần.

Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp, người viết tin rằng giá sách giáo khoa sẽ không còn gánh nặng đối với nhiều phụ huynh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-de-xuat-su-dung-ngan-sach-mua-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-muon-post1471001.html

Phan Tuyết