SGK mới có mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất HS nhưng công cụ kiểm tra là gì

23/04/2022 06:38
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua tiết dạy thực nghiệm, tôi vẫn có thể đánh giá học sinh thông qua hoạt động nhóm, qua thảo luận, qua năng lực thuyết trình, qua sản phẩm của các em thực hiện.

“Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Mức độ tích hợp được thể hiện ở ba cấp độ: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí); tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.

Vừa qua, tôi được chọn để dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 8, có thể nói đặc thù của phân môn Lịch sử là những sự kiện đó. Sau hai tiết dạy thực nghiệm và quá trình soạn bài, tôi thấy những nội dung kiến thức đó được cấu trúc lại giúp thuận tiện hơn cho quá trình dạy và học.

Nội dung được biên tập ngắn gọn, phân bổ hợp lý rất dễ tiếp cận đối với cả giáo viên và học sinh. Ví dụ: Trước kia nội dung diễn biến được trình bày dàn trải, nhưng hiện nay bằng cách hệ thống thông qua sơ đồ đã giúp học sinh hứng thú hơn với bài học, cũng dễ dàng nhớ được kiến thức hơn là phải đọc rất nhiều chữ”, cô Nguyễn Thị Hưởng - Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Hưởng - Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Hưởng - Giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Hưởng cho biết: “Ngoài bản sách giáo khoa mẫu của học sinh, tôi còn được nhận bản sách hướng dẫn cho giáo viên được trình bày như sách thật, cuốn sách này về sau sẽ thành nền tảng rất quan trọng để các thầy cô soạn giáo án. Mỗi nội dung được trình bày với định hướng phương pháp giảng dạy thuận lợi cho giáo viên.

Trong quá trình soạn giáo án, tôi đều dựa trên bản mẫu, tuy nhiên cũng không phải dập khuôn y nguyên bởi theo hướng dẫn, giáo viên được quyền dựa trên nội dung đó nhưng thay đổi để làm sao thật sáng tạo.

Ngoài ra, tôi nhận thấy có rất nhiều đổi mới trong hệ thống câu hỏi vừa mang tính chất nhận biết vừa mang tính thực tế nhằm gợi trí tưởng tượng và sáng tạo của học sinh, qua đó phát triển năng lực. Có thể nói hệ thống câu hỏi rất hay, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào sách giáo khoa để trả lời.

Trước đây, giáo viên thường hướng dẫn học sinh dựa vào sách giáo khoa để tóm tắt diễn biến. Nhưng sách giáo khoa chương trình mới thì các em sẽ “đóng vai” là một nhân vật lịch sử để kể lại diễn biến đó. Như vậy, với cách đặt câu hỏi để tiếp cận nội dung sẽ tạo hứng thú cho học sinh.

Bên cạnh đó, cuốn sách giáo khoa mới còn có thêm mục tư liệu để cả học sinh và giáo viên thông qua nguồn tư liệu đó để khai thác nội dung bài học, mà không cần phải tra cứu bên ngoài mất nhiều thời gian như trước kia. Ví dụ: Trong bài Cách mạng tư sản Pháp, nguồn tư liệu trong sách giáo khoa đưa ra “em có biết bản tuyên ngôn độc lập, bản tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp là gì?”. Với câu hỏi này, học sinh và giáo viên có thể xem ngay ở mục tư liệu phía bên dưới với những thông tin tóm tắt cơ bản của những sự kiện đó, mà không cần phải tìm thông tin bên ngoài”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh trong tiết dạy thực nghiệm. Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh trong tiết dạy thực nghiệm. Ảnh: NVCC.

Đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh qua quá trình dạy

Cô Hưởng nói: “Trong chương trình sách hiện hành hay sách mới cũng đều có những mục tiêu để đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Qua hai tiết dạy thực nghiệm, tôi có thể đánh giá học sinh thông qua hoạt động nhóm, qua thảo luận, qua sản phẩm của các em thực hiện, qua năng lực thuyết trình,…tức là đánh giá vẫn diễn ra bình thường, chứ hoàn toàn không phải là bỏ đánh giá trong chương trình mới.

Có thể hiểu đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh là thông qua quá trình bài dạy của giáo viên, thầy cô sẽ tự linh hoạt thay đổi cách kiểm tra đánh giá sao cho sát thực nhất bởi không phải học sinh nào cũng có năng lực như nhau. Tôi nghĩ dù ở chương trình nào thì giáo viên vẫn là người chủ động đưa ra cách đánh giá, chứ không có một “thang điểm” chung rõ ràng, trừ những bài kiểm tra định kì và cuối kì.

Với môn Lịch sử, qua tiết học tôi phát hiện và đánh giá được những học sinh có năng lực học tập, có kĩ năng trình bày. Theo tôi, năng lực học sinh phải trải qua quá trình dài, chứ không thể đánh giá qua một buổi học”.

Cô Hưởng chia sẻ: “Sau khi dạy thực nghiệm phân môn Lịch sử lớp 8, mặc dù là dạy liền hai tiết liền nhau nhưng cả cô và trò đều cảm thấy rất thoải mái, lượng kiến thức của học sinh tiếp cận nắm bắt được và cả phần bài tập cũng rất nhẹ nhàng.Tôi thấy cách triển khai sách giáo khoa mới khá phù hợp với học sinh và các thầy cô giáo.

Trong quá trình soạn bài giảng, căn cứ vào hướng dẫn của sách giáo viên, có một số câu hỏi mà theo tôi có thể hơi quá sức với học sinh, đọc thôi đã thấy khó vì đây thuộc câu hỏi nâng cao mà nếu học sinh chỉ dựa vào sách giáo khoa cũng khó có thể trả lời. Với những câu hỏi đó tôi đã tự sáng tạo, tiết chế lại thành câu hỏi dễ hơn để học sinh dễ dàng tiếp cận mà không làm thay đổi nội dung, có thể hiểu là thay đổi cách hỏi để làm rõ nghĩa hơn.

Hoặc có những câu hỏi ở cuối bài, cuối mỗi mục tôi chuyển sang mục bài tập và vận dụng của học sinh ở cuối tiết học sao cho hợp lý hơn mà vẫn đảm bảo học sinh tiếp thu được kiến thức.

Như vậy, với mỗi nội dung trong bài giảng, giáo viên cần chủ động nghiên cứu trước thật kĩ, và tùy từng cách dạy của mỗi giáo viên, tùy từng đối tượng học sinh để có hướng tiếp cận kiến thức khác nhau, làm sao cho phù hợp mà không thay đổi nội dung cơ bản.

Với cách hướng dẫn dạy sách giáo khoa mới, việc tiếp cận kiến thức khá nhẹ nhàng không gây áp lực cho học sinh, dễ học dễ nhớ. Thông qua những bài học sẽ giúp phát triển được năng lực, phẩm chất của học sinh”.

Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh đã trao đổi trực tiếp cùng nhà xuất bản, góp ý bản thảo, đánh giá ưu nhược điểm, đề xuất ngay sau tiết dạy thực nghiệm. Ảnh: NVCC.
Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh đã trao đổi trực tiếp cùng nhà xuất bản, góp ý bản thảo, đánh giá ưu nhược điểm, đề xuất ngay sau tiết dạy thực nghiệm. Ảnh: NVCC.

Góp ý, rút kinh nghiệm ngay sau tiết dạy thực nghiệm

Là người trực tiếp dự tiết dạy thực nghiệm, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết thêm một số thông tin về việc dạy thực nghiệm sách giáo khoa chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo thầy Cường: "Trường chúng tôi được lựa chọn để dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 6, 7 và hiện nay là lớp 8.

Nhà trường thực hiện quy trình rất khách quan nhằm tăng hiệu quả của công tác dạy thực nghiệm. Ban giám hiệu nhà trường phân công các thầy cô giáo dạy từng bài cụ thể, lên lịch giảng dạy để giáo viên trong tổ nhóm chuyên môn và các thầy chủ biên, tác giả cùng dự giờ. Các thầy cô tiếp nhận bản mẫu sách giáo khoa của học sinh, sách cho giáo viên và thực hiện soạn bài độc lập, thực hiện các tiết dạy theo kế hoạch.

Sau khi dự giờ các tiết dạy thực nghiệm, nhà trường cùng nhà xuất bản tổ chức trao đổi góp ý bản thảo, đánh giá ưu nhược điểm, đề xuất. Từ sự quy định của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sự cụ thể hóa của sách giáo khoa, các thầy cô giáo trực tiếp dạy thực nghiệm, các thầy cô giáo dự giờ đã có những góp ý về bản mẫu các bài dạy thực nghiệm rất tâm huyết, trách nhiệm.

Từ những góp ý đó, các thầy chủ biên, tác giả có những trao đổi lại nhằm hoàn thiện bản thảo theo hướng đáp ứng các yêu cầu của sách giáo khoa và phù hợp với thực tế triển khai tại các nhà trường. Qua dự những tiết dạy thực nghiệm chúng tôi đánh giá rất cao sự đổi mới về cách tiếp cận bài học theo hướng tăng hoạt động nhằm hình thành những năng lực, phẩm chất, kiến thức, kỹ năng của của học sinh. Đặc biệt trong đó việc thực hiện độc lập, khách quan, phản biện nghiêm túc của các thầy cô giáo giảng dạy và dự giờ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình hoàn thiện bản thảo của các nhóm tác giả".

Tùng Dương