Ngày 11/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023.
Theo đó, xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Lịch sử thành môn học "bắt buộc" khiến nhà trường và học sinh lúng túng. (Ảnh minh họa: P.M) |
Xây dựng, tư vấn kỹ nhóm các môn lựa chọn để thích ứng với Sử là môn bắt buộc
Trước ngày 12/7/2022, nhiều trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí minh đã thông báo cho học sinh vừa trúng tuyển vào 10 làm thủ tục nhập học.
Theo tìm hiểu của người viết, trước đó các trường đã xây dựng được một số tổ hợp môn phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Lãnh đạo đã phân công giáo viên tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh lựa tổ hợp môn khi làm thủ tục nhập học.
Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến 5 tổ hợp (trong số 108 tổ hợp) như sau:
Dự kiến tổ hợp môn của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh trước khi Lịch sử thành môn bắt buộc. (Ảnh: Hương Ly) |
Hay, một trường trung học phổ thông khác ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các tổ hợp như: môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn; Tiếng Anh; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.
Nhóm các môn lựa chọn: 1) Vật lí – Hoá học– Sinh học – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Tin học; 2) Vật lí – Hoá học– Sinh học –Địa lí – Tin học; 3) Vật lí – Hoá học– Sinh học – Lịch sử – Tin học; 4) Lịch sử – Địa lí – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Vật lí – Tin học; 5) Lịch sử – Địa lí – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Hóa học – Công nghệ (Trồng trọt).
Chuyên đề học tập: chọn 3 chuyên đề của những môn sẽ học (Toán và 2 môn khác).
Tuy nhiên, ngay sau khi Lịch sử chính thức là môn học bắt buộc, một số trường đã khẩn trương bố trí lịch tư vấn cho học sinh, phụ huynh trước khi nhận hồ sơ trúng tuyển nhập học.
Ngày 12/7/2022, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh ra thông báo: ngày 14/7 học sinh và phụ huynh học sinh dự buổi tư vấn (chọn tổ hợp môn) dưới sân trường; ngày 15/7 đăng kí hồ sơ nhập học và tổ hợp môn tự chọn bằng hình thức trực tuyến; ngày 18/7 nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh công bố kế hoạch nhận hồ sơ trúng tuyển. (Ảnh: Hương Ly) |
Bên cạnh các trường tổ chức các buổi tư vấn rất chi tiết học sinh, phụ huynh về việc lựa chọn, đăng ký tổ hợp môn tự chọn cũng có 1 số em học sinh lớp 10 ở quận Tân Phú cho biết, các em gặp lúng túng khi Lịch sử trở thành môn "bắt buộc". "Trước đó em chọn tổ hợp Lịch sử – Địa lí – Giáo dục kinh tế và pháp luật – Vật lí – Tin học nhưng nay em vẫn chưa quyết định, chờ thầy cô tư vấn thêm", học sinh N. chia sẻ.
1 tháng để điều chỉnh Chương trình Lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc
Thứ nhất, Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023 có nêu một trong các nội dung công việc là tổ chức Hội thảo xin ý kiến, tổ chức, các nhà khoa học, giáo viên về Chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học. Thời gian hoàn thành trước ngày 14/8/2022.
Rõ ràng, việc tổ chức hội thảo xin ý kiến, tổ chức, các nhà khoa học, giáo viên về Chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học khó có thể tiến hành một sớm một chiều. Quá trình tổ chức hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được đánh giá, tiếp thu ra sao khi song song với đó là các công việc chuyên môn cần rất chi tiết, cụ thể để địa phương, các trường triển khai cho kịp vào năm học mới.
Thứ hai, xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định Chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng, liệu ban soạn thảo, ban thẩm định có làm kịp tiến độ?
Việc thay đổi Chương trình được tiến hành ở cả 3 năm học, nếu làm không cẩn thận thì rất dễ xảy ra sai sót, bất cập mà hệ lụy là học sinh phải gánh chịu.
Thứ ba, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử cũng rất cập rập.
Bởi, tổ chức tập huấn phải qua hai công đoạn, cho giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Giáo viên phải có thời gian đọc sách giáo khoa, nghiên cứu nội dung bài học, trao đổi với đồng nghiệp, dạy thử, rút kinh nghiệm trong tổ chuyên môn thì mới có thể bắt đầu dạy Chương trình mới.
Thứ tư, theo tính toán của một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc quy định Lịch sử thành môn "bắt buộc" sẽ xuất hiện 81 tổ hợp môn (thay vì 108 tổ hợp môn như trước).
Sự thay đổi này ảnh hưởng đến nhiều thứ như: việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, kế hoạch giáo dục nhà trường, công tác tuyển sinh lớp 10, kế hoạch biên chế năm học (tính toán số tiết/giáo viên, phân công giáo viên).
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh một số ý kiến phụ huynh về việc con em họ không được chọn tổ hợp môn mong muốn, phần nào cho thấy nhà trường cũng đang gặp lúng túng.
Thứ năm, vì Lịch sử trở thành môn “bắt buộc” nên nhóm môn Khoa học xã hội còn lại 2 môn lựa chọn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Theo quy định, mỗi nhóm có ít nhất 1 môn lựa chọn nên có khả năng cao học sinh sẽ chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, bởi đây là môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông dễ đạt điểm cao, kiến thức thực tế, không phải học nhiều.
Minh chứng là, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân của cả nước năm 2021 cho thấy, có 534.123 thí sinh tham gia dự thi, trong đó điểm trung bình là 8,37 điểm, điểm trung vị là 8,5 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,25. Vậy số phận môn Địa lý sẽ ra sao?
Có thể nhận thấy, việc chuyển môn Lịch sử từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” phù hợp với nguyện vọng của đông đảo dư luận xã hội. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều lo lắng băn khoăn, trong đó nhà trường, học sinh, phụ huynh chờ đợi nhất là từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học theo hướng nào thì vẫn chưa rõ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.