Giáo dục ngoài công lập tại Hà Nội chuyển biến thế nào?
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, nhiều địa phương đã triển khai huy động các nguồn lực xã hội hóa và mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Vậy, kết quả triển khai “xã hội hóa” trong giai đoạn này tại Thủ đô Hà Nội như thế nào?
Theo báo cáo số 445/BC-CTK ngày 25/9/2019 của Cục Thống kê thành phố Hà Nội về “Tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2019”: Năm học 2019-2020, trên địa bàn thành phố dự kiến có 2.746 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 60.391 nhóm lớp và hơn 2 triệu học sinh, tăng 34 trường (27 trường công lập và 7 trường tư thục) so với năm học trước, tăng 1.969 nhóm lớp và tăng 40.431 học sinh.
Chia ra: Công lập có 2.212 trường (trong đó, có 2 trường công lập tự chủ), 46.392 nhóm lớp và hơn 1,7 triệu học sinh; ngoài công lập có 534 trường, gần 14 nghìn nhóm lớp và 280,9 nghìn học sinh.
Học sinh trường ngoài công lập trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Hệ thống giáo dục Ban Mai). |
Như vậy, theo đó, có thể thấy, số liệu này của năm học 2018-2019 như sau: Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.712 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, với 58.422 nhóm lớp. Trong đó, công lập có 2.185 trường và ngoài công lập có 527 trường. Tỉ lệ trường ngoài công lập giai đoạn này chiếm 19,43%.
Theo báo cáo số 330/BC-CTK ngày 27/6/2022 của Cục thống kê thành phố Hà Nội về “Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022”: Năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 70,2 nghìn lớp; 2.207 nghìn học sinh; 138,1 nghìn giáo viên; 72,8 nghìn phòng học (tăng 51 trường, 6.239 lớp và 67,2 nghìn học sinh so với năm học trước).
Trong đó:
Công lập có 2.237 trường; 48,1 nghìn lớp; 1.833 nghìn học sinh; 91,2 nghìn giáo viên; 47,1 nghìn phòng học (tăng 30 trường; 1.062 lớp và 24,2 nghìn học sinh);
Tư thục có 550 trường; 20,6 nghìn lớp; 321,3 nghìn học sinh; 42,3 nghìn giáo viên; 24,4 nghìn phòng học (tăng 21 trường, 4.787 lớp và 32,8 nghìn học sinh); 33 trường có yếu tố nước ngoài với 345 lớp, 7.381 học sinh, 887 giáo viên và 361 phòng học.
Tổng số các trường tư thục và có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội là 583 trường, chiếm tỉ lệ 20,56%.
Như vậy, kể từ năm học 2018-2019 đến tháng 6/2022 thì tỉ lệ trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 1,13%.
Khan hiếm quỹ đất - nỗi lo của “quận lõi”
Tìm hiểu về hiệu quả triển khai thực hiện xã hội hóa trên địa bàn một số quận nội thành, phóng viên ghi nhận một số kết quả.
Theo số liệu của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội), từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, số trường và nhóm lớp ngoài công lập có chiều hướng giảm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) đánh giá về những thuận lợi, khó khăn cụ thể trong thực tiễn triển khai xã hội hóa giáo dục trên địa bàn.
Ông Lê Đức Thuận cho biết: “Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư khi xin cấp giấy phép thành lập trường tư thục. Thực hiên theo đúng Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động thực hiện chương trình dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cam kết đã công bố; thực hiện kiểm tra, đánh giá và kiểm định dựa trên kết quả đầu ra.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình còn tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý các trường tư thục được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tham gia các chuyên đề cũng như các tiết thực tập sư phạm cùng với các trường công lập thuộc quận. Khuyến khích giáo viên và học sinh các trường ngoài công lập tham gia các hội thi, sân chơi dành cho giáo viên và học sinh...
Các trường ngoài công lập có nhiều điều kiện thu hút được giáo viên giỏi tham gia giảng dạy, tạo điều kiện thúc đẩy, nâng cao chất lượng chuyên môn; có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức và cung cấp dịch vụ phù hợp nhu cầu và điều kiện của người dân, góp phần mở rộng quy mô và điêu kiện học tập, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh và định hướng học tập trong tương lai”.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình Lê Đức Thuận (ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cũng chỉ ra một số khó khăn: “Quận Ba Đình là một trong bốn “quận lõi” của Hà Nội nên quỹ đất rất hạn hẹp, đất dành cho giáo dục càng hạn chế, nên việc các nhà đầu tư muốn thành lập trường tư thục ở quận Ba Đình là một việc rất khó.
Hơn nữa, tỉ lệ dân số ở quận Ba Đình không tăng, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học ngày một giảm, 100% các trường công lập trên địa bàn quận đã được đầu tư cải tạo, xây mới, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên giỏi nghiệp vụ, nhiệt huyết với nghề. Chính vì vậy, việc thu hút đầu tư thành lập các trường ngoài công lập trên địa bàn quận Ba Đình còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 bùng phát tuy không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ nhưng lại khiến số lượng trường, nhóm trẻ mầm non tư thục cũng giảm, nhiều giáo viên mầm non đã phải chuyển đổi công việc”.
Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đề nghị các cấp chính quyền rà soát lại quỹ đất trên thành phố nói chung và trên địa bàn quận Ba Đình nói riêng để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục.
Các khu đô thị nên dành quỹ đất cho giáo dục
Số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho thấy: Năm học 2019-2020, có 128 trường học, trong đó, có 91 trường công lập và 37 trường ngoài công lập (tỉ lệ trường ngoài công lập chiếm 28,9%). Năm học 2019-2020, tổng số học sinh thuộc khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ngoài công lập là 95.615 học sinh.
Cụ thể các cấp học: Cấp mầm non có 70 trường (44 công lập, 26 tư thục với 889 nhóm lớp, 26.340 học sinh). Cấp tiểu học có 36 trường (28 công lập, 8 tư thục với 1.003 lóp, 46.472 học sinh). Cấp trung học cơ sở có 22 trường (19 công lập, 3 tư thục với 558 lớp, 22.803 học sinh).
Năm học 2021-2022, trên địa bàn quận Hà Đông có 137 trường, trong đó, có 97 trường công lập và 40 trường ngoài công lập (tỉ lệ trường ngoài công lập chiếm 29,2%). Năm 2022, tổng số học sinh ngoài thuộc khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ngoài công lập là 115.000 học sinh.
Cụ thể: Mầm non có 73 trường (46 công lập, 27 tư thục), 919 nhóm lớp, 26.399 học sinh. Tiểu học có 37 trường (31 công lập, 6 tư thục), 1.204 lớp và 54.385 học sinh. Trung học cơ sở có 22 trường (20 công lập, 2 tư thục) với 744 lớp và 29.298 học sinh. Ngoài ra, có 5 trường tư thục liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ, Hà Đông đã đạt được những kết quả tích cực.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng,Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông). |
Số trường tư thục đang chiếm gần 1/3 hệ thống trường lớp. Số học sinh thuộc khối ngoài công lập ở bậc phổ thông đang chiếm khoảng 15% và riêng với mầm non đang chiếm 35%. Những con số trên đã cho thấy, công tác xã hội hóa đang được triển khai rất tốt trên địa bàn quận, đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ...
Trong những năm qua, Hà Đông cũng tạo mọi điều kiện cho các trường ngoài công lập, cả về ưu tiên quỹ đất, lập đề án, hướng dẫn, tư vấn thành lập trường và hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập. Đối với quận Hà Đông, cũng đã tích cực triển khai tốt tinh thần Nghị quyết số 35.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đặc biệt, trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, kinh tế của đất nước đang rơi vào khó khăn, dẫn đến việc đầu tư cũng gặp nhiều trở ngại; đồng thời, có những dự án, chương trình, hoạt động dự kiến nhưng không thể thực hiện hoặc bị chậm tiến độ... Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn để phát triển giáo dục”.
“Trong những năm qua, các quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận cũng đang cạn dần, một số dự án thì có quỹ đất để làm trường nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân tại khu vực đó. Chưa kể, một số nơi đã có quỹ đất nhưng chưa huy động được kinh phí để đầu tư xây dựng. Hoặc một số khu đô thị chỉ xây chung cư mà chưa dành quỹ đất để xây trường, đầu tư cho giáo dục. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất mong, bất cứ khu dự án nào khi quy hoạch, cũng đều phải có quỹ đất dành cho giáo dục” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông bày tỏ.
Trước đó, vào ngày 12/7/2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3075/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể như sau: Đối với giáo dục mầm non: Toàn thành phố cần cải tạo và xây mới 724 trường mầm non giai đoạn 2011 - 2030 (công lập 500 trường, ngoài công lập 224 trường, trong đó giai đoạn 2011-2020 là 402 trường (công lập 300 trường, ngoài công lập 102 trường); giai đoạn 2021-2030 là 322 trường (công lập 200 trường, ngoài công lập 122 trường).
Đối với giáo dục tiểu học: Toàn thành phố cải tạo và xây mới 108 trường trung học cơ sở giai đoạn 2011-2030 trong đó: giai đoạn 2011-2020 là 50 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 15 trường); giai đoạn 2020-2030 là 58 trường (công lập 35 trường, ngoài công lập 23 trường).
Đối với giáo dục trung học phổ thông: Giai đoạn 2011-2030, toàn Thành phố cải tạo và xây dựng 112 trường trung học phổ thông. Trong đó: giai đoạn 2011-2020 là 50 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 30 trường), giai đoạn 2021-2030 là 62 trường (công lập 20 trường, ngoài công lập 42 trường).
Đối với giáo dục chuyên nghiệp: Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 29 trường trung cấp chuyên nghiệp hiện có, cụ thể: giai đoạn 2011-2020: 14 trường (công lập 5 trường, ngoài công lập 9 trường); giai đoạn 2021-2030: 15 trường (công lập 3 trường, ngoài công lập 12 trường).