Rốt ráo triển khai Nghị quyết 35 sẽ tạo ra nhiều chuyển biến trong giáo dục NCL

28/07/2022 07:12
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần thay đổi suy nghĩ và tâm lý của nhiều người là công tác ở các trường công lập sẽ được nhà nước đảm bảo mọi mặt về chế độ chính sách.

Phát triển giáo dục ngoài công lập đã sớm hình thành cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước. Chỉ 2 năm sau Đại hội VI (năm 1986), Trung tâm đại học Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long), được thành lập theo Quyết định số 1687/KHTV ngày 15/12/1988 của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, đây là trường đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam.

Từ đó đến nay, Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa ngành giáo dục. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 đã nêu: “Nhà nước quy định cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công tác đào tạo và đào tạo lại. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ phát triển giáo dục - đào tạo Việt Nam”.

Năm 1998, Luật Giáo dục ra đời và công nhận các loại hình cơ sở giáo dục, bao gồm: công lập, bán công, dân lập và tư thục.

Những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa giáo dục được Trung ương đẩy mạnh hơn như trong Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) chia sẻ: “Hơn 30 năm qua, giáo dục ngoài công lập có sự phát triển ở tất cả các cấp học từ mầm non cho đến đại học. Nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước đã vận động nhân dân tham gia vào sự nghiệp giáo dục chung của đất nước. Từ đó góp phần nâng cao tỉ lệ học sinh được đến trường, giảm áp lực cho giáo dục công lập”.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền (ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền (ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, việc xã hội hóa cũng cần có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt là bậc đại học với các ngành khoa học cơ bản. Bởi các ngành khoa học cơ bản phát triển mới thúc đẩy các ngành khoa học khác tiến theo. Nhưng nghịch lý hiện nay là các ngành khoa học cơ bản ít được sinh viên lựa chọn.

Theo Giáo sư Lê Kim Truyền, giáo dục bậc đại học nên phân tầng theo hai hướng. Thứ nhất là giáo dục chất lượng cao ở các ngành khoa học cơ bản cần có sự chọn lọc sinh viên một cách kỹ lưỡng với sự đầu tư của nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về học phí, chế độ học bổng, cơ hội việc làm... Những sinh viên xuất sắc của các lớp chất lượng cao này khi ra trường sẽ được giữ lại, trở thành đội ngũ khoa học nòng cốt trong các ngành của trường hoặc viện nghiên cứu.

Thứ hai là giáo dục theo khung chuẩn với các kiến thức cơ bản để sinh viên khi ra trường có thể làm việc được ngay, phục vụ nhu cầu xã hội. Đối với hướng này nên khuyến khích sự đầu tư từ các nguồn lực trong xã hội. Như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho xã hội vừa thu hút đông đảo người học.

Trong 3 năm qua kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP đặt mục tiêu cho giáo dục đại học ngoài công lập phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở đạt 30% và sinh viên theo học đạt 22,5%. Tuy nhiên, từ đó đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID nên đến nay việc mở rộng quy mô chưa được đẩy mạnh dẫn tới ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra khi đã đi được nửa chặng đường.

Để tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đại học ngoài công lập, Giáo sư Lê Kim Truyền đưa ra một vài kiến nghị.

Trước tiên, Chính phủ cần khuyến khích sự quan tâm và đầu tư từ phía các tập đoàn lớn có tiềm lực kinh tế. Khi các tập đoàn tham gia đào tạo sẽ góp phần đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho chính đơn vị đó, và góp phần đảm bảo nhân lực có chất lượng cho ngành, lĩnh vực mà xã hội, đất nước cần. Bên cạnh đó là cách quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ chế chính sách của Chính phủ.

Việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư dài hạn nên các tập đoàn có ưu thế về tiềm lực kinh tế sẽ đủ sức xây dựng những ngôi trường đầy đủ cơ sở vật chất cũng như mời các chuyên gia giỏi ở trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy.

Đến nay, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đã đầu tư vào hệ thống giáo dục trong đó có giáo dục đại học. Nhiều trường đại học ngoài công lập đã hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo sinh viên theo học, tạo được uy tín không chỉ ở trong nước và cả quốc tế.

Trong điều kiện đất nước đang hội nhập với quốc tế ngày càng rộng mở thì những chủ trương của Nghị quyết 35/NQ-CP được Giáo sư Truyền hi vọng sẽ vừa tạo ra nhiều chuyển biến trong giáo dục ngoài công lập, nhất là đối với bậc đại học.

Thứ hai, Chính phủ nên có các chính sách đảm bảo sự công bằng trong giáo dục công và tư. Hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách phúc lợi xã hội giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Ví dụ như việc thực hiện các chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí cho sinh viên giữa các trường công và tư cũng khác nhau. Khi các trường tư có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi sẽ thu hút người học, giảm tải cho hệ thống công lập.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện hành lang pháp lý cho đội ngũ giảng viên tham gia giáo dục ngoài công lập an tâm phát triển. Thay đổi suy nghĩ và tâm lý của nhiều người là công tác ở các trường công lập sẽ được nhà nước đảm bảo mọi mặt về chế độ chính sách.

Cuối cùng là cần có sự thống nhất từ Trung ương tới các địa phương trong việc đưa Nghị quyết từ văn bản đi vào thực tế. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, chung tay của xã hội và các cấp chính quyền. Cần thay đổi tư duy bao cấp đã lỗi thời để người dân hiểu hơn về vấn đề xã hội hóa là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, từ đó mới không ngừng huy động được nguồn lực to lớn của toàn dân. Hoàn thành được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra như trong Nghị quyết 35/NQ-CP nói riêng và những mục tiêu cao hơn về xã hội hóa giáo dục trong giai đoạn sau này.

Ngô Hiển