Nguyên nhân chính dẫn đến viên chức giáo viên nghỉ việc, gồm: chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. Cần giải quyết đồng thời các nguyên nhân này thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất giáo viên nghỉ việc.
Cần sớm thực hiện cải cách tiền lương
Về hành lang pháp lí, cần sớm thực hiện cải cách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - trong đó có giáo viên.
Ngày 9/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 7-2022 của Quốc hội. Nêu ý kiến thảo luận tại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng "dịch bệnh đã lắng xuống rồi thì phải tập trung cải cách tiền lương" để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. [1]
Người viết hoàn toàn tán thành với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, bởi từ 01/7/2020, tại Nghị quyết 86/2019/QH14, Quốc hội đã “chốt” tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019, Quốc hội cũng đã dự kiến tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020, nhưng bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tiếp đến, tại Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã quyết định không tăng lương cơ sở trong năm 2020 và 2021 để đảm bảo kinh phí cho phòng chống dịch Covid-19. [2]
Bàn về việc tăng lương, ngày 9/8/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm 2021, 2022, dự toán ngân sách Nhà nước chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang. [3]
Hơn nữa, về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, về mặt bằng lương viên chức giáo dục cao hơn, nhưng do yếu tố đặc thù, hoạt động nghề nghiệp bằng trí óc, yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục là quốc sách hàng đầu… nên mức lương với ngành này còn bất cập. [4]
Như thế, việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức - trong đó có giáo viên, năm 2022 vẫn chưa thực hiện được. Hi vọng qua năm 2023, việc tăng lương sẽ được áp dụng theo Nghị quyết số 86/2019/QH14.
Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Một thông tin khác có liên quan đến phụ cấp cho giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố cho biết trong chính sách mới thay thế Nghị quyết 54, Thành phố tiếp tục theo đuổi đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. [5]
Cùng với việc tăng lương, các cấp có thẩm quyền cũng cần xem xét nâng phụ cấp cho giáo viên. Một tín hiệu đáng mừng là, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét nâng phụ cấp giáo viên nói chung, trong đó ưu tiên giáo viên mầm non. [4]
Về góc độ chuyên môn, tôi xin đề xuất ngành giáo dục cần khảo sát, thống kê và công bố kết quả cho xã hội biết về bản chất lao động của giáo viên - lao động đặc thù so với các ngành nghề khác.
Nói về nghề giáo, nhiều người cho rằng đây là công việc khá nhẹ nhàng vì thầy cô chỉ dạy theo số tiết quy định - khoảng 4 buổi là xong nhiệm vụ (đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông), rồi được nghỉ 2 tháng hè, nghỉ lễ, Tết theo Bộ luật Lao động.
Tuy vậy, hàng loạt hoạt động của giáo viên bên cạnh việc dạy học như soạn giáo án, ra đề kiểm tra, chấm bài, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, làm công tác chủ nhiệm - quản lí học sinh, phối hợp với phụ huynh học sinh... thì chưa được quan tâm thấu đáo.
Nếu quy đổi thời gian giảng dạy và các công việc khác có liên quan, tôi cho rằng giáo viên các cấp học đang làm việc 8 giờ/ngày (kể cả hơn đối với giáo viên mầm non, tiểu học), không hề ít hơn cán bộ, công chức, viên chức các lĩnh vực khác.
Có thể nhận thấy, đây là cơ sở vững chắc để ngành giáo dục, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Nội vụ tính toán mức chi trả tiền lương viên chức giáo viên sao cho phù hợp.
Phải tổ chức thi tuyển hiệu trưởng một cách khách quan
Cơ hội thăng tiến và áp lực công việc cũng là hai nguyên nhân khiến nhiều viên chức giáo viên nghỉ việc. Cần tổ chức thi tuyển hiệu trưởng một cách khách quan, công bằng và số hóa hồ sơ sổ sách thì sẽ giảm bớt những áp lực không cần thiết cho thầy cô.
Thực tế, hiện nay chỉ một vài địa phương đã thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Bởi, công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo còn liên quan đến nhiều tổ chức, ban ngành và thông qua một quy trình nhất định.
Cá nhân người viết nhận thấy, việc thi tuyển hiệu trưởng sẽ mang lại hiệu quả cao nếu được tổ chức công khai, minh bạch và làm đến nơi đến chốn.
Cùng với đó, việc thi tuyển hiệu trưởng cũng sẽ triệt tiêu được vây cánh trong trường, tránh tình trạng người thiếu tâm thiếu tầm thì được làm lãnh đạo còn người tài giỏi,tâm huyết lại mất cơ hội được cống hiến và thăng tiến.
Hiện nay, một vị trí hiệu trưởng được quy hoạch nhiều người cùng một lúc, vậy nên có nhiều băn khoăn, nghi ngại trong việc bổ nhiệm người đứng đầu nhà trường.
Bên cạnh đó, khi tổ chức tuyển dụng chức danh lãnh đạo thì sẽ có nhiều người tham gia, giúp trường học chọn được những hiệu trưởng có tài, có tâm, tạo sự đột phá cho đơn vị nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
Sau khi viên chức trúng tuyển, được bổ nhiệm hiệu trưởng, nếu lãnh đạo nào không giúp nhà trường phát triển, không đem lại sự hạnh phúc cho giáo viên, học sinh hoặc mắc những sai phạm khác, chẳng hạn liên quan đến tài chính thì giáo viên, nhân viên có quyền không tín nhiệm, họ sẽ bị bãi nhiệm, kể cả phải bị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, muốn tạo sự đột phá cho ngành giáo dục thì yếu tố tiên quyết phải có lãnh đạo giỏi, và con đường tốt nhất đó là thông qua thi tuyển chức danh.
Ngoài ra, lãnh đạo cần đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ sổ sách giúp giáo viên giảm bớt áp lực. Căn cứ là, ngày 18/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, trong đó có ghi rõ:
"Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định; từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hiện hành theo lộ trình phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên;
Cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và giáo viên".
Bài viết "Số hóa ngành giáo dục - lợi mọi bề" ngày 2/9/2019 trên Báo Giáo dục và Thời đại cho biết:
"Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác sổ sách, hồ sơ như sổ liên lạc điện tử, giáo án điện tử, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ chủ nhiệm… giúp giáo viên giảm bớt công việc không tên.
Xa hơn, số hóa ngành giáo dục được kỳ vọng sẽ triệt tiêu tiêu cực trong học tập, thi cử, đồng thời giúp phụ huynh theo dõi, đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục trẻ". [6]
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/dich-benh-lang-xuong-roi-thi-phai-tap-trung-cai-cach-tien-luong-20220809175348904.htm
[2] https://ebh.vn/tin-tuc/ke-hoach-dieu-chinh-muc-luong-co-so-nam-2022
[3] https://plo.vn/bo-truong-noi-vu-tra-loi-ve-viec-tang-luong-cho-cong-chuc-can-bo-y-te-nha-giao-post693007.html
[4] https://vietnamnet.vn/bo-truong-noi-vu-hua-de-xuat-nang-phu-cap-cho-giao-vien-818570.html
[5] https://vnexpress.net/song-ngam-nghi-viec-nha-nuoc-4494981.html
[6] https://giaoducthoidai.vn/so-hoa-nganh-giao-duc-loi-moi-be-post383582.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.