Quyết định bổ sung biên chế của Bộ Chính trị giúp khai thông thực hiện NĐ 116

09/08/2022 06:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc bổ sung biên chế giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương thực hiện quyết liệt hơn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. 

Đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.

Trước đó, ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Nhiều trường sư phạm còn khó khăn khi thực hiện Nghị định 116

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: hiện nay, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất nhiều cơ sở giáo dục thiếu giáo viên.

Ngay cả thời điểm trước khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ cũng đã diễn ra.

Không thể để tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, các quy định cũng phải bắt kịp tình hình giáo dục thực tế của các địa phương, các đơn vị.

Tiến sĩ Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC

Quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị là một tín hiệu đáng mừng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng khuyến khích, động viên sinh viên có học lực tốt vào học tập tại các trường sư phạm để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Tiến sĩ Lê Viết Báu cũng cho rằng, bổ sung biên chế giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương thực hiện quyết liệt hơn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

"Hiện nay đâu đó vẫn còn có quan điểm, không muốn cấp ngân sách để chi trả cho việc đặt hàng đào tạo giáo viên vì nghĩ rằng, sinh viên tốt nghiệp sư phạm hàng năm vẫn đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, dẫn tới nhiều trường sư phạm trong hệ thống gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Nghị định 116", Tiến sĩ Lê Viết Báu nói.

Trong lúc nhiều trường đại học đang trong lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, vậy các trường sư phạm lấy nguồn nào để chi trả cho giáo viên, duy trì và phát triển công tác đào tạo?

“Tôi cho rằng, cần phải có những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ Chính phủ đến các bộ, ban, ngành, các địa phương, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, địa phương cần phải đặt hàng đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm.

Năm học 2021 – 2022, tỉnh Thanh Hoá đã tích cực trong việc triển khai Nghị định 116, số lượng đặt hàng đào tạo giáo viên mà tỉnh giao cho Trường Đại học Hồng Đức là gần 1200 chỉ tiêu.

Thanh Hoá cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt chế độ chính sách cho sinh viên sư phạm, cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên theo Nghị định 116, đó là một sự khuyến khích rất tốt đối với sinh viên", thầy Báu thông tin.

Bổ sung biên chế sẽ “khai thông” việc thực hiện Nghị định 116

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, Quyết định của Bộ Chính trị và văn bản đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Quyết định này góp phần giải quyết vấn đề về đội ngũ cho quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì đội ngũ giáo viên là yếu tố mang tính quyết định đến thành công của chương trình mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. (Ảnh: Trường Đại học Quy Nhơn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. (Ảnh: Trường Đại học Quy Nhơn)

Bàn về việc thực hiện Nghị định 116, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ cho rằng điểm nghẽn hiện nay chính là biên chế giáo viên đang không đồng bộ với định mức. Vừa qua, khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Nghị định 116, các địa phương lại bị khống chế bởi số lượng biên chế nên chỉ tiêu sư phạm đã bị giảm rất nhiều.

Ví dụ như tỉnh Gia Lai, Kon Tum,… là những địa phương đang thiếu giáo viên, nhưng khi tổng hợp số lượng từ địa phương lên thì chỉ tiêu lại giảm. Năm nay, Trường Đại học Quy Nhơn giảm đến 500 chỉ tiêu, có ngành chỉ có 5 – 10 chỉ tiêu, vấn đề nằm ở số lượng biên chế giáo viên.

Năm học 2021 - 2022, Trường Đại học Quy Nhơn cũng nhận được số lượng đặt hàng rất ít từ các địa phương, chủ yếu là Bộ giao chỉ tiêu cho trường.

Địa phương đặt hàng thì phải dựa trên cơ sở chỉ tiêu biên chế. Rõ ràng thống kê là thiếu giáo viên nhưng đặt hàng lại rất ít, đây là mâu thuẫn đang tồn tại.

Ngay trong năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu khẩn trương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên. Bộ Nội vụ cần khẩn trương giao số lượng biên chế của từng địa phương, trên cơ sở đó các địa phương đặt hàng cho các cơ sở đào tạo giáo viên.

Sinh viên sư phạm được miễn học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt và thêm cơ chế ra trường có việc làm thì chắc chắn chất lượng đầu vào sẽ cao, tương lai sẽ có đội ngũ giáo viên chất lượng để phục vụ sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Cũng phải sớm đảm bảo đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình mới, biên chế theo từng năm phải có con số cụ thể. Giao số lượng biên chế cho năm học này nhưng cũng phải tính toán những năm tiếp theo để việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 có lộ trình cụ thể.

Đây là năm thứ hai chúng ta thực hiện Nghị định 116, nhưng việc này phụ thuộc vào quyết định đặt hàng của các địa phương. Ngoài đặt hàng của địa phương, trường sư phạm đào tạo để đảm bảo các nhu cầu khác, như đào tạo đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục ngoài công lập,...tính toán dôi dư vì sẽ có những sinh viên học xong chưa làm việc ngay mà học tập nâng cao.

Có biên chế là một tín hiệu tích cực, kịp thời nhưng cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết bài toán nhân lực.

“Có thể nói, biên chế giáo viên chính là “nút thắt” đối với việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, tuy nhiên, muốn gỡ "nút thắt" này cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến Bộ Nội vụ cũng như ở các địa phương.

Xác định số lượng, nhu cầu đào tạo giáo viên là việc hoàn toàn có thể thực hiện. Các ngành kinh tế, kỹ thuật đào tạo theo thị trường thì khó xác định nhu cầu nhưng trong ngành giáo dục, dựa vào số biên chế, số giáo viên nghỉ hưu, số lượng học sinh,... là có thể dự báo được.

Tôi tin rằng quyết định bổ sung biên chế sẽ khai thông việc thực hiện Nghị định 116. Triển khai thành công Nghị định 116 sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực ngành sư phạm trong tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ khẳng định.

Phạm Minh