Giáo viên ở Quảng Trị được cử đi Lào: Đổi "trăm cay đắng", nhận lại "đắng cay"

30/08/2022 06:47
TRẦN PHƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước thềm năm học mới, thấy đồng nghiệp cùng học trò ríu rít đến lớp, chúng em lại chạnh lòng. 2 năm thanh xuân và hi vọng phải chăng chỉ mang về số 0?

Không tuyển được do biên chế quá ngặt nghèo?

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, 3 giáo viên ở Quảng Trị đi giảng dạy Tiếng Việt tại nước bạn Lào về nước nhưng đến hiện tại chưa được tuyển đặc cách đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Cuộc họp ngày 21/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, phương án xử lý việc các giáo viên tình nguyện dạy 3 năm ở Lào trở về gặp vướng mắc, chưa được đặc cách tuyển dụng đã được đưa ra. Tại thời điểm cuộc họp diễn ra, còn 11 giáo viên chưa được xét tuyển đặc cách và 5 giáo viên còn lại chưa hoàn thành 3 năm giảng dạy tại Lào, trong đó có 3 giáo viên đi từ năm 2018 (khi Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019, gọi là Quyết định 31, chưa có hiệu lực), 2 giáo viên đi sau khi Quyết định 31 có hiệu lực.

Trả lời những câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến việc thực hiện các nội dung tại cuộc họp ngày 21/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, ông Vũ Thế Long - Phó trưởng phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết:

“Với 11 trường hợp cô giáo đã đi Lào trở về, hoàn thành thời gian dạy 3 năm, tại thời điểm cuộc họp ngày 21/7/2020 chưa được tuyển dụng đặc cách thì sau đó, tỉnh giao chỉ tiêu để tuyển bình thường chứ không phải tuyển đặc cách cho các cô. Tất cả các quy trình thông báo kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh là giao chỉ tiêu để các địa phương thực hiện tuyển dụng bình thường có thêm đối tượng tuyển dụng là những trường hợp đi Lào trở về".

"Trong thông báo không có nội dung nào về quy trình tuyển dụng đặc cách. 11 trường hợp giáo viên thời điểm đó chưa được tuyển dụng, sau đó không có trường hợp nào không qua thi mà tuyển dụng đặc cách cả", ông Vũ Thế Long nói.

Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử các giáo viên đi giảng dạy tiếng Việt tại Lào năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử các giáo viên đi giảng dạy tiếng Việt tại Lào năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn với 3 giáo viên đi Lào từ năm 2018, Sở Nội vụ tỉnh đã phân tích thì thấy hiện vẫn có rất nhiều vướng mắc:

Thứ nhất là thời gian các cô giảng dạy không đủ 3 năm theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND (gọi chung là Quyết định số 10).

Thứ hai là trong Quyết định số 10 có điều 36, quy định rõ rằng: Trong quá trình thực hiện, nếu Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến các nội dung của quy chế này thì áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Cho nên tỉnh Quảng Trị đang áp dụng hoàn toàn đúng quy định theo Quyết định số 10.

Nói thêm về 3 trường hợp giáo viên được cử đi Lào năm 2018, ông Long cho biết thêm:

“Đến nay, Sở Nội vụ tỉnh cũng đã có tờ trình gửi Bộ Nội vụ để xin ý kiến về tuyển dụng đặc cách. Vấn đề vướng nhất của tỉnh Quảng Trị hiện nay là chưa có chỉ tiêu để tuyển 3 cô giáo đi Lào trở về.

Năm 2020, tỉnh vẫn còn chỉ tiêu để tổ chức tuyển dụng. Tuy nhiên, đến năm nay chỉ tiêu biên chế bị cắt với tất cả các ngành, trong đó có ngành giáo dục. Hiện nay gần như toàn bộ hệ thống ở Quảng Trị không thể tuyển dụng được viên chức sự nghiệp giáo dục.

Đối chiếu với Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì biên chế giáo viên của tỉnh Quảng Trị đang thiếu.

Nhưng việc giao chỉ tiêu hàng năm thì lại thực hiện theo hướng tinh giản 10% biên chế (Thực hiện theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 -PV).

Cho nên giáo viên thiếu thì vẫn thiếu nhưng biên chế viên chức giáo viên lại chưa được giao. Không có cơ sở để tuyển thì không có cơ sở để trả lương".

"Với các cô giáo từ Lào trở về, chúng tôi đang gặp những điểm rất khó. Tỉnh Quảng Trị rất quan tâm đến trường hợp của các cô nên đã giải quyết được 11 trường hợp. Còn với 3 cô giáo trở về chưa được tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế hiện tại đang "quá căng". Có lẽ cần thời gian nữa, cân đối số lượng biên chế, có chỉ tiêu thì mới tổ chức tuyển dụng các cô vào ngành giáo dục được”, Phó trưởng phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ Quảng Trị giãi bày.

Đổi "trăm cay đắng”, nhận lại "đắng cay”

Tâm sự với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phan Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1990, trú thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, sau 4 năm theo học ở Trường Đại học sư phạm Huế, năm 2012, Dung ra trường, làm việc ở văn phòng Trường Trung học phổ thông Bến Quan theo dạng hợp đồng.

Khi biết Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 10, dù có 2 con nhỏ (một con 3 tuổi và một con mới 1,5 tuổi) nhưng Dung vẫn quyết tâm thuyết phục chồng ở nhà cố gắng nuôi con để mình đăng ký sang Lào dạy học, vừa giúp bà con Việt kiều vừa hi vọng khi trở về cả công việc, cả gia đình được ổn định hơn.

Sau khi đăng ký, cô Dung được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phê duyệt, cử sang Lào dạy học. Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet phân công cô dạy ở Trường Trung học Hữu nghị Việt - Lào, tỉnh Savannakhet.

"Thấy vợ để chồng, để con ở nhà sang tận Lào dạy học, nhiều người nói ra nói vào, có người còn mắng nhưng tôi vẫn quyết tâm, may mắn là tôi được chồng ủng hộ mới đi được", cô Dung nhớ lại.

Cô Phan Thị Thùy Dung cho biết, điều kiện sinh hoạt, dạy học ở nước bạn Lào rất khó khăn. Nhưng không khó khăn bằng việc nén lại nỗi nhớ gia đình, người thân để hoàn thành nhiệm vụ. Những tháng đầu không đêm nào Dung yên giấc, gối đẫm nước mắt vì nhớ chồng, thương con.

Cô giáo Phan Thị Thuỳ Dung (áo dài đỏ) bên các đồng nghiệp trong ngày khai giảng tại nước bạn Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Phan Thị Thuỳ Dung (áo dài đỏ) bên các đồng nghiệp trong ngày khai giảng tại nước bạn Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhưng nghĩ đến việc được giảng dạy cho học sinh, thực hiện nghĩa vụ hợp tác, góp phần thắt chặt tình cảm hai nước Việt - Lào nên Dung và các giáo viên động viên nhau nỗ lực, cố gắng vượt khó giảng dạy, bản thân các cô cũng được đánh giá cao trong công tác.

Khi các giáo viên đang miệt mài trên bục giảng thì dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Các cô trở về khi mới thực hiện giảng dạy 2 năm học, và thời gian còn lại bị gián đoạn việc dạy do dịch bệnh, nên chưa đủ 3 năm theo quy định.

Dù ngày 19/1/2021, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet có văn bản số 719, theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018, đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác quốc tế. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô. Thế nhưng, cho đến nay, 3 giáo viên kể trên vẫn chưa được tuyển đặc cách.

Sau khi trở về, con còn nhỏ, cuộc sống 2 vợ chồng bấp bênh, hi vọng được tuyển dụng đặc cách ngày càng xa vời, bản thân Dung phải tạm xa bục giảng để bươn trải nhiều nghề kiếm sống.

Dung tâm sự: "Trước thềm năm học mới, thấy các đồng nghiệp cùng học trò ríu rít cùng nhau đến lớp, chúng em lại chạnh lòng. Chúng em có khác nào đã: “vượt qua trăm nỗi cay đắng” từ rất nhiều miệng tiếng người đời, chấp nhận xa chồng, xa con với mong muốn thực hiện bao ước mơ hoài bão, để rồi trở về nhận “đắng cay" thế này sao?

Thế nhưng, Dung vẫn không ngừng hi vọng: “Em vẫn yêu bục giảng và vẫn hi vọng có một cái kết thực sự tốt với chúng em. Với những đồng nghiệp khác, họ cũng đã ổn định công việc, có cái kết tốt đẹp sau thời gian chờ đợi các chính sách giải quyết. Chúng em cũng không ngừng hi vọng về cái kết tốt đẹp cho bản thân mình”.

Tháng 8/2022, các cô giáo là: Phan Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1990, trú huyện Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Ý Nhi (sinh năm 1990, trú huyện Hải Lăng), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (sinh năm 1996, trú huyện Vĩnh Linh) được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy từ năm 2018 vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách theo Quyết định số 10.

Lý do là bởi: trong thời gian các cô làm nhiệm vụ giảng dạy tại Lào, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 (thay thế Quyết định số 10) nên các giáo viên này không thuộc đối tượng tuyển dụng đặc cách. [1]

Ngày 21/7/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp do ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì.

Tại cuộc họp ông Hưng khẳng định, cần đảm bảo quyền lợi, ứng xử công bằng, tạo thuận lợi cho 14 giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ 3 năm giảng dạy ở Lào nhưng chưa được tuyển dụng. [2]

Tài liệu tham khảo

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-vien-o-quang-tri-duoc-cu-di-lao-giang-day-quay-ve-nhan-cai-ket-dang-post228911.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/ket-thuc-co-hau-den-voi-cac-co-giao-quang-tri-day-tinh-nguyen-tai-lao-tro-ve-post210969.gd

TRẦN PHƯƠNG