Liên quan đến các giáo viên Quảng Trị đi dạy tại Lào khi về không được tuyển dụng đặc cách, ngày 16/8, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Hữu Anh – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết:
“Hiện tại, Quảng Trị đã có tờ trình chính thức gửi Bộ Nội vụ về việc xin đặc cách tuyển dụng 3 giáo viên đi làm nhiệm vụ ở Lào về.
Về phía tỉnh, chúng tôi rất mong muốn đặc cách cho các giáo viên này, nhưng vướng quy định liên quan. Vì vậy, phải xin ý kiến và chờ Bộ Nội vụ trả lời, hướng dẫn".
Ông Trần Hữu Anh giải thích thêm, các cô giáo đi làm nhiệm vụ giảng dạy ở Lào trước đó thuộc diện giáo viên hợp đồng. Việc cử đi làm nhiệm vụ dạy học, công tác tại Lào thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ở thời điểm đó, đối chiếu Nghị định 29/2012 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ký ngày 27/2/2014, theo đó, các giáo viên tình nguyện sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy 3 năm học tại Lào sẽ được ưu tiên tuyển dụng đặc cách khi có chỉ tiêu biên chế tại các địa phương.
Cô giáo Phan Thị Thuỳ Dung - một trong 3 giáo viên đi giảng dạy tại Lào trở về nhưng không được tuyển dụng đặc cách. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nhưng sau đó, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 (thay thế Quyết định số 10) nên các giáo viên này không thuộc đối tượng tuyển dụng đặc cách.
"Còn theo Nghị định 115/2020 ban hành ngày 25/9/2020 của Chính phủ thì các giáo viên này cũng không đủ điều kiện để tuyển dụng đặc cách.
Hiện nay, yêu cầu về thời gian phải là 5 năm công tác với trình độ đại học. Trường hợp này, các cô mới dạy được 2 năm, do dịch Covid- 19 nên họ phải ở nhà, không đủ thời gian đóng bảo hiểm", ông Trần Hữu Anh nói.
Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử các giáo viên đi giảng dạy tiếng Việt tại Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nói về phương án giúp đỡ các giáo viên này trong trường hợp họ không được đặc cách tuyển dụng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết:
“Nếu các giáo viên không được xét đặc cách, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tính đến phương án đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương mà 3 cô giáo đó có nguyện vọng về công tác tạo điều kiện để họ nộp hồ sơ thi tuyển khi có chỉ tiêu".
"Chúng tôi cũng rất trăn trở về các trường hợp này. Bởi nguyên nhân của việc họ chưa thể được xét đặc cách là các yếu tố khách quan.
Thứ nhất là vì điều kiện dịch bệnh khó khăn, họ không đi dạy được nên chưa hoàn thành thời gian công tác theo quy định.
Thứ hai là vì Nghị định mới thay thế Nghị định cũ đúng thời điểm họ đang thực hiện công tác và cả thời gian gián đoạn việc dạy học”, ông Trần Hữu Anh cho biết thêm.
Cũng trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các trường hợp giáo viên không được tuyển dụng đặc cách, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị các cấp, các ngành xem xét tuyển dụng đặc cách cho các giáo viên này (văn bản số 197 ngày 1/2/2021 và văn bản số 1752 ngày 26/8/2021 đề nghị Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyển đặc cách cho 3 giáo viên - PV).
“Sở cũng đã cố gắng hết sức để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên và hi vọng các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các cô giáo. Các cô cũng đã rất vất vả”, bà Lê Thị Hương nói.
Văn bản xác nhận các cô đã hoàn thành nhiệm vụ tại Lào của Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, việc các cô giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cử sang Lào giảng dạy dựa trên thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào).
Do vậy, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị căn cứ chỉ tiêu đề xuất của Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, thông báo về các địa phương để tuyển dụng giáo viên tình nguyện dạy học tại Lào. Môn dạy chủ yếu là tiếng Việt hai cấp tiểu học và trung học cơ sở, ngoài ra có Âm nhạc, Thể dục.
Tiêu chí tuyển chọn giáo viên là trẻ, nhiệt huyết, giao tiếp tốt, chưa vào biên chế ngành, ưu tiên tốt nghiệp loại giỏi.
Lương và thu nhập khác của giáo viên do Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet chi trả.
Cũng theo người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị tìm phương án tốt nhất cho các cô đỡ thiệt thòi.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị sẽ tham mưu phương án: các trường hợp giáo viên được cử sang Lào dạy học theo diện làm nhiệm vụ phải là những trường hợp đã tuyển dụng biên chế rồi mới cử đi.
Năm 2018, 3 giáo viên ở tỉnh Quảng Trị gồm: Phan Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1990, trú huyện Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Ý Nhi (Sinh năm 1990, trú huyện Hải Lăng), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (sinh năm 1996, trú huyện Vĩnh Linh) được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy.
Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet là đơn vị tiếp nhận, phân công các giáo viên đến dạy ở các trường học. Khi các giáo viên đang miệt mài trên bục giảng thì dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngày 18/3/2020, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đưa 3 giáo viên trở về Quảng Trị.
Theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018, đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô.
Tuy nhiên, từ đó đến nay 3 giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách.