Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Bộ Nội vụ có văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị trả lời về việc giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cụ thể, trong văn bản của Bộ Nội vụ nêu: “Đối với các trường hợp giáo viên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử tham gia giảng dạy nghĩa vụ tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhưng chưa được tuyển dụng viên chức do có thay đổi về chính sách của tỉnh Quảng Trị, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương có phương án giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động”.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Thế Long - Phó trưởng phòng công chức, viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị về phương án giải quyết cho các giáo viên đi Lào vẫn chưa được tuyển dụng sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.
Ông Vũ Thế Long cho biết: “Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là Quảng Trị chưa có biên chế để tuyển. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ họp với các huyện để bàn cụ thể.
Sở cũng đang trong quá trình làm việc với Bộ Nội vụ về vấn đề biên chế cho ngành giáo dục. Biên chế ngành giáo dục hiện nay cũng phải thực hiện nhiệm vụ tinh giản 10%”.
Khi được hỏi nếu có chỉ tiêu biên chế, các cô giáo có được tuyển dụng đặc cách hay không, ông Vũ Thế Long cho rằng: “Các cô không được tuyển dụng đặc cách mà sẽ tham gia tuyển dụng như bình thường”.
Cô giáo Thùy Dung (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu) cùng các đồng nghiệp trên đất nước bạn Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trước câu hỏi: liệu rằng việc tuyển dụng như vậy có công bằng với các giáo viên đi Lào năm 2018 hay không, vì có những thầy cô đi trước đó đã được tuyển dụng theo hướng được tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi nhất (ví như thi chỉ cần đạt 50 điểm trở lên là được tuyển dụng – PV). Về việc này, ông Long cho biết thêm:
“Các cô sẽ vẫn thi tuyển dụng, còn quy định cụ thể thế nào thì Sở Nội vụ sẽ trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương, trên tinh thần tổ chức thi tuyển sẽ đúng theo các quy định về tuyển dụng biên chế”.
Trước đây theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là Quyết định số 10) đi giảng dạy 3 năm là các cô đã được tuyển dụng đặc cách.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 31 để thay thế Quyết định số 10. Sau này có thêm Nghị định 115/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Chiếu theo các nghị định, quyết định trên, 3 cô giáo không thuộc đối tượng được tuyển đặc cách, mà phải thi tuyển bình thường.
“Tại Quyết định số 10 quy định, đi giảng dạy 3 năm trở về sẽ được tuyển dụng đặc cách. Nhưng thực tế các cô đi giảng dạy mới được 2 năm. Nếu các văn bản, quy định liên quan có điều khoản: trong trường hợp đặc biệt, việc tuyển dụng do các cấp có thẩm quyền quy định xem xét thì các cô có thể được tuyển dụng đặc cách. Nhưng rất tiếc là trong các văn bản lại không có quy định như vậy”, ông Long phân trần.
Ông Vũ Thế Long cho biết thêm: “Về sự việc của 3 cô giáo đi Lào năm 2018, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến trường hợp của các cô và sẽ tìm mọi cách để tạo điều kiện cho các cô tham gia tuyển dụng.
Với tình hình của các cô hiện nay thì quá trình tuyển dụng không còn đặt nặng theo Quyết định số 10 hay không nữa mà là phải chờ có chỉ tiêu biên chế theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Quyết định 72, Quảng Trị sẽ được bổ sung 258 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục. Khi triển khai thì cơ hội tuyển dụng các cô mới có điều kiện thực hiện.
Quảng Trị cũng rất quan tâm đến các cô giáo nên đã có văn bản xin Bộ Nội vụ cho đặc cách. Tuy nhiên, văn bản của Bộ Nội vụ không nêu cụ thể là các cô có được đặc cách hay không mà chỉ nêu địa phương thực hiện các quy định về tuyển dụng. Đây là hướng dẫn mở của Bộ Nội vụ cho Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị”.
Từ câu chuyện của các cô giáo đi Lào, ông Long cũng chia sẻ thêm, sắp tới Sở Nội vụ sẽ cùng các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng giải pháp căn cơ và lâu dài đối với các giáo viên đi làm nhiệm vụ tại Lào, tránh những trường hợp tương tự.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng trao đổi với ông Trần Hữu Anh – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị về ý kiến của Bộ Nội vụ thì được cho biết:
“Bộ đã cho ý kiến như vậy thì địa phương cũng sẽ tính đến các phương án sao cho có lợi cho các cô. Thời gian tới Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương sẽ cùng thống nhất những phương án cụ thể”.
Cũng chia sẻ với phóng viên sau khi có văn bản của Bộ Nội vụ, cô giáo Phan Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1990, trú thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), một trong 3 giáo viên đi Lào năm 2018 bày tỏ:
“Tôi cũng đã đọc được văn bản của Bộ Nội vụ, đồng thời, vừa qua cũng nghe nói Trung ương bổ sung nhiều chỉ tiêu biên chế giáo dục cho cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị.
Thực lòng mà nói, trong lòng chúng tôi cũng mừng và có hi vọng. Bởi lẽ, trong nhiều chỉ tiêu bổ sung cho ngành giáo dục Quảng Trị, không lẽ không có một chỉ tiêu nào cho những người đã đi Lào làm nhiệm vụ như chúng tôi?
Chúng tôi cũng hi vọng, lãnh đạo các cấp, các ngành sẽ thấu hiểu được những vất vả của những cô giáo Việt trên đất Lào ngày ấy.
Khi sang Lào chúng tôi làm giáo viên, lúc trở về Việt Nam chúng tôi chưa biết làm gì.
Đó là chưa kể, khi sang Lào chúng tôi ngoài quyết định cử đi, không có bất kỳ giấy tờ nào khác. Hợp đồng không, bảo hiểm cũng không. Bây giờ không biết chế độ của chúng tôi sẽ được giải quyết như thế nào.
Đến ngày khai giảng, nhìn bạn bè trong tà áo dài đến trường cùng học sinh, lòng chúng tôi càng thấy lẻ loi hơn. Cứ nghĩ đến sự kì vọng của gia đình, bao nhiêu năm ba mẹ vất vả nuôi ăn học, hai năm xa con thơ, xa gia đình mà đi, thật sự trong lòng nhiều suy nghĩ ngổn ngang lắm.
Thế nhưng, chúng tôi vẫn động viên nhau, vẫn hi vọng có một cái kết đẹp như chính lý do chúng tôi bắt đầu.
Để những năm tháng chúng tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy trên nước bạn sẽ có kết quả trọn vẹn”.
Năm 2018, 3 giáo viên ở tỉnh Quảng Trị gồm: Phan Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1990, trú huyện Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Ý Nhi (Sinh năm 1990, trú huyện Hải Lăng), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (sinh năm 1996, trú huyện Vĩnh Linh) được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy.
Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet là đơn vị tiếp nhận, phân công các giáo viên đến dạy ở các trường học. Khi các giáo viên đang miệt mài trên bục giảng thì dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngày 18/3/2020, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đưa 3 giáo viên trở về Quảng Trị.
Theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018, đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô.
Tuy nhiên, từ đó đến nay 3 giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách.