Quảng Ninh: Nhiều giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất ATGT ở cổng trường

13/09/2022 06:38
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khu vực cổng trường của nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trở thành điểm “nóng” ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã đặt công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.

Trong đó, ngành chú trọng giảm tình trạng ùn tắc, ổn định lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực cổng trường, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm học sinh đến trường và tan học.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đã thực hiện ký cam kết, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Chủ động kẻ vạch phân làn các khu vực xung quanh cổng trường và phối hợp với Đoàn thanh niên, lực lượng công an điều tiết giao thông, tạo thuận tiện cho phụ huynh đưa, đón học sinh, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, các trường cũng sáng tạo nhiều mô hình đảm bảo an toàn giao thông tại cổng trường phù hợp điều kiện như: Đội tuyên truyền an toàn giao thông trong các lớp học; cổng trường xanh - sạch - đẹp và an toàn giao thông; dịch vụ xe đưa, đón học sinh.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên thực tế tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường học vẫn thường xuyên diễn ra.

Song song với tốc độ đô thị hoá, số trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng tăng kéo theo số phương tiện giao thông ngày càng đông đúc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Nhiều trường hiện nằm “lọt thỏm” trong khu dân cư, khu đô thị hay mặt đường nơi có lưu lượng giao thông cao, nhiều hộ gia đình lấn chiếm mở quán bán hàng tại cổng trường.

Cùng với đó, một bộ phận người dân còn hạn chế về ý thức khi tham gia giao thông dẫn đến tình trạng ùn tắc tại cổng trường học vào giờ cao điểm.

Trường Tiểu học Yên Thanh (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) nằm trên trục đường giao giữa hai quốc lộ. (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Tiểu học Yên Thanh (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) nằm trên trục đường giao giữa hai quốc lộ. (Ảnh: Phạm Linh)

Năm học 2022 – 2023, Trường Tiểu học Yên Thanh (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) có 1.096 học sinh.

Với số lượng học sinh trên cùng với vị trí của trường về mặt đảm bảo an toàn giao thông cũng có bất lợi - nằm ở đường giao giữa 2 đường quốc lộ có mật độ xe lưu thông lớn - và theo khảo sát có 94% phụ huynh đưa đón con đi học bằng phương tiện xe máy, ô tô (còn lại phụ huynh sử dụng xe đạp hoặc đi bộ) nên khu vực cổng trường rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thanh cho biết: “Nhiều năm nay, trường phối hợp với lực lượng xung kích của địa phương gồm có công an phường Yên Thanh, các tổ dân quân tự vệ cùng với đội thanh niên tình nguyện phân lịch trực cả sáng và chiều.

Trong một buổi chiều có khoảng 5, 6 thành viên của lực lượng xung kích và thanh niên tình nguyện trực để hướng dẫn phụ huynh, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông khu vực cổng trường. Bên cạnh đó, để giảm áp lực giao thông, nhà trường phân ca đón mỗi khối cách nhau 5 phút.

Đặc biệt, đối với những phụ huynh có 2 con học ở hai khối khác nhau tại trường. Ví dụ nếu có một con học lớp 1 thì 4h10 đã tan nhưng còn một con học lớp 5 phải đến 4h30 mới tan. Nếu phụ huynh nán lại chờ ca 4h30 sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc.

Theo đó, nhà trường đã xây dựng lịch cứ đến 4h10 là hết giờ học, nhưng khối tan muộn sẽ thu dọn đồ dùng, làm vệ sinh xung quanh lớp. 4h10, giáo viên chủ nhiệm khối lớp tan sớm (ví dụ như lớp 1) sẽ bàn giao những bạn học sinh có anh, chị cùng học ở trường về với lớp lớn để phụ huynh chỉ đến đón vào một khung giờ, tránh việc ở lại chờ đợi, gây ùn tắc giao thông và lộn xộn trong đưa, đón.

Ngay tại cổng, nhà trường đã niêm yết nội quy ra vào trường trong đó nêu rõ việc ưu tiên học sinh lớp bé có anh chị học cùng trường sẽ được bàn giao sang lớp lớn để tạo điều kiện cho phụ huynh đi đón 1 khung giờ”.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Thanh xếp hàng di chuyển ra khu vực cổng trường khi tan học. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh Trường Tiểu học Yên Thanh xếp hàng di chuyển ra khu vực cổng trường khi tan học. (Ảnh: Phạm Linh)

Đặc biệt, Trường Mầm non Trưng Vương (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) nằm ngay sát quốc lộ 18A, trạm y tế và nút giao nhà thờ Trưng Vương với mật độ phương tiện lớn lưu thông cả ngày.

Thêm vào đó, do đoạn đường này có dải phân cách mềm nên phụ huynh thường có thói quen sang đường ngay chứ không di chuyển xuống điểm quay đầu xe ở vị trí ngã ba Sông Khoai.

Theo đó, mỗi tầm cao điểm đầu giờ sáng và cuối buổi chiều thường xuyên xảy ra tình trạng phụ huynh không tuân thủ sang đường tại nơi quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Còn tại Trường Tiểu học Phương Đông B (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), ngay khu vực cổng trường có đường ray tàu hoả cắt ngang.

Mặc dù thời gian gần đây không có chuyến tàu chạy qua nhưng để đảm bảo an toàn giao thông, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền về quy định khi đưa đón con đến trường.

Nhà trường bố trí phụ huynh xếp hàng tại khu vực hai bên cổng trường chứ không di chuyển vào trong sân để tránh ùn tắc giao thông.

Trước cổng Trường Tiểu học Phương Đông B có đường ray tàu hoả chạy ngang qua. (Ảnh: Phạm Linh)

Trước cổng Trường Tiểu học Phương Đông B có đường ray tàu hoả chạy ngang qua. (Ảnh: Phạm Linh)

Không riêng tại thành phố Uông Bí, nhiều điểm trường ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cũng trở thành điểm “nóng” ùn tắc giao thông vào khung giờ cao điểm.

Tại Trường Mầm non Bạch Đằng (thành phố Hạ Long), trường có vị trí nằm tại khu vực ngã ba giao cắt của 2 tuyến phố Lê Quý Đôn và Long Tiên, đường nhỏ hẹp, hạn chế khu vực đỗ xe ô tô, xe máy đặc biệt vào thời điểm phụ huynh đưa đón con.

Nhiều phụ huynh đỗ ô tô, xe máy dọc hai bên vỉa hè khiến lòng đường càng bị thu hẹp; cùng với lượng học sinh lớn, phụ huynh đông, phương tiện đổ dồn từ nhiều phía, rất dễ xảy ra va chạm giao thông.

Mật độ giao thông cao cùng với việc phụ huynh đỗ xe khiến lòng đường bị thu hẹp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Văn Lang, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: CTV)

Mật độ giao thông cao cùng với việc phụ huynh đỗ xe khiến lòng đường bị thu hẹp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Văn Lang, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: CTV)

Ùn tắc giao thông cũng xảy ra tại khu vực ngã ba gần cổng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Văn Lang (thành phố Hạ Long).

Dù đã có nhiều biện pháp như tuyên truyền luật giao thông, cử đội thanh niên xung kích hướng dẫn và có lực lượng công an hỗ trợ điều tiết giao thông nhưng tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.

Mặc dù các trường học đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp và nhiều điểm trường đã triển khai giúp giảm tình trạng ùn tắc tuy nhiên để khắc phục triệt để tình trạng này còn cần có sự chung tay của phụ huynh học sinh.

Phạm Linh