Vừa qua, tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đã giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. (Ảnh minh họa: Ngọc Ánh) |
Cụ thể, nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số học sinh, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỉ đồng, hàng năm bổ sung khoảng 20%.
Nếu Chính phủ cho phép thì sẽ thực hiện chính sách này từ năm sau và các năm tiếp theo.
Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong tình hình đời sống của nhiều gia đình còn khó khăn, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một hướng đi đúng, có ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, để đề xuất này đi vào thực tiễn, quản lý được một cách hiệu quả là vấn đề lớn và không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Phải quản lý như thế nào để những học sinh hoàn cảnh khó khăn có thể thuận lợi nhất mượn được sách giáo khoa phục vụ học tập. Còn nếu làm không tốt thì sẽ không mang được sách đến với đối tượng thực sự cần, có khi học sinh nhà nghèo không mượn được sách mà những người có điều kiện cuộc sống tốt, khá giả lại lợi dụng chính sách này để không phải chi tiền mua sách.
Phải xem xét đối tượng học sinh nào được mượn sách, có quy định chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng, tạo điều kiện cho học sinh nghèo đều được tiếp cận sách giáo khoa.
Mỗi chính sách cần đi kèm những quy định rất cụ thể, cần có một khảo sát thực tế từ các địa phương để xem học sinh nào không đủ điều kiện mua sách và thực sự có nhu cầu mượn sách.
Phải làm rõ con số học sinh nghèo cần mượn sách là bao nhiêu thì việc thực hiện mới đảm bảo hiệu quả, công bằng, tránh lãng phí.
Thêm một vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm là việc quản lý chi tiêu, sử dụng ngân sách. Dùng ngân sách nhà nước để thực hiện một chính sách mà không quản lý được sẽ dẫn tới vấn đề tham ô, tiêu cực. Đây chính là một vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
3.500 tỷ đồng là một số tiền lớn, chính vì vậy càng phải thực hiện công khai, rõ ràng, từ tổ chức in ấn, phát hành sách, đơn vị đấu thầu,... Nếu không quản lý chặt chẽ, chi tiết, tổ chức đấu thầu không rõ ràng thì nguy cơ tiêu cực, tham nhũng lại xuất hiện.
“Chúng ta chưa thể quên vấn đề tham nhũng nhức nhối từ vụ Việt Á, ngay trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, phải gồng mình lên để chống chọi với dịch bệnh mà vẫn có nhiều người tham ô, tư lợi cá nhân.
Vì vậy, dù một chính sách nhân văn nhưng quan trọng là cách thức thực hiện để không xảy ra những vụ “Việt Á” trong giáo dục.
Thực hiện được chính sách này cũng là một bài toán khó, triển khai như thế nào thì cũng phải kèm theo những biện pháp chống tham nhũng. Còn nếu để xảy ra tham ô, lãng phí, chúng ta sẽ mất tiền, mất cán bộ và mất cả lòng tin của nhân dân”, ông Nguyễn Bá Thuyền trăn trở.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trích ngân sách mua sách giáo khoa cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn là một chính sách tốt. Nhưng điều quan trọng là phải xác định đúng đối tượng có nhu cầu mượn sách, dành sách cho số học sinh gia đình nghèo, không đủ điều kiện tài chính để mua.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tuy nhiên, khi chúng ta đang thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi trường học, mỗi địa phương có sự lựa chọn riêng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xác định mua những bộ sách giáo khoa nào để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu, tránh xảy ra tình trạng thừa, lãng phí hoặc sách không được dùng đến.
Vậy cần phải giải quyết các vấn đề như: những đối tượng nào được mượn sách? Mua bộ sách nào? Mua như thế nào? Cơ chế thực hiện ra sao? Trong quá trình triển khai thực hiện phải thực sự công khai, minh bạch ở từng địa phương.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, cần có thống kê cụ thể, ở địa phương này có bao nhiêu học sinh hoàn cảnh khó khăn, cần chi số tiền bao nhiêu, mua bộ sách nào,....
Việc mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo để các em có sách học tập là vô cùng cần thiết, nhưng cũng cần có một cơ chế thực hiện đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, công khai, tránh tình trạng xảy ra tiêu cực hay lãng phí.