Bộ GD đề nghị Quốc hội cho phép tuyển dụng GV tốt nghiệp cao đẳng kèm điều kiện

17/10/2022 15:32
Lam An/tổng hợp (quochoi.vn; Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo; Truyền hình Quốc hội Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng GV tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Sáng ngày 17/10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Buổi làm việc có nội dung về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng công tác năm 2023 và việc sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hoàn thành kế hoạch năm học đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong giai đoạn năm học 2021 – 2022, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cùng với cả nước, toàn ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới các hoạt động của ngành, củng cố và duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo; phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo không bị “đứt gãy”.

Khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Trên cơ sở đó, các địa phương đã chủ động, linh hoạt, tổ chức cho học sinh đi học trở lại, theo phương châm khu vực nào kiểm soát được dịch sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên các cấp đi học trở lại trong tháng 2/2022.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, với việc triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2021 - 2022 theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thời gian qua, toàn ngành giáo dục đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình như: xây dựng giải pháp tổng thể về dạy học trực tuyến đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả theo hướng tích hợp, kết hợp đồng bộ các chức năng phục vụ tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến; phát triển bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến để hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng.

Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến như: phần mềm, học liệu, trang thiết bị đầu cuối; tập huấn và sẵn sàng tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến; cung cấp nguồn học liệu điện tử hỗ trợ tổ chức dạy học trực tuyến nhằm kịp thời hỗ trợ địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống, chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học trực tuyến.

Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý, điều hành. Số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý. Từ đó, ứng dụng có hiệu quả trong quản lý giáo dục đồng bộ trên phạm vi toàn quốc về: quản lý thừa, thiếu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bước đầu số hóa thông tin phục vụ quản lý sức khỏe học sinh; theo dõi tiến độ tiêm vắc-xin cho học sinh và các báo cáo thông tin khác phục vụ quản lý điều hành của ngành Giáo dục (như phân bổ máy tính trong Chương trình Sóng và Máy tính cho em;...).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện kết nối thành công Cơ sở dữ liệu Quốc gia ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia Quốc gia về dân cư. Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ và Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (trong đó cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến xét tuyển cho thí sinh) với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định.

Đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng, sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn những hỗ trợ, chia sẻ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội với ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn của ngành vừa ứng phó với dịch COVID-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và duy trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Trong đó, những chủ trương, quyết sách lớn của ngành trong giai đoạn khó khăn đều nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ phía Ủy ban.

Nhấn mạnh một số việc ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện trong giai đoạn khó khăn vừa qua như triển khai bình thường, đúng lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh không bình thường; đổi mới với mục tiêu lớn nhưng điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn; đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo hướng tăng cường công khai, công bằng,…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn, với những vấn đề dư luận cử tri còn băn khoăn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đặt câu hỏi để Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ hội giải trình, làm rõ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề cập tới một số việc quan trọng khác ngành Giáo dục cần sự hỗ trợ và đề xuất từ phía Ủy ban như: đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20%; các địa phương thực hiện tốt phân cấp trách nhiệm, ráo riết trong việc chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học; chuẩn bị các bước đầu tiên trong quy trình xây dựng Luật Nhà giáo…

Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục...

Trong năm học này, biên chế cho ngành Giáo dục đã được bổ sung thêm... Tuy nhiên trước đây, nhiều giáo viên tốt nghiệp cao đẳng trong khi quy định nâng chuẩn hiện nay đòi hỏi tốt nghiệp đại học, khiến cho địa phương dù có chỉ tiêu cũng khó tìm nguồn tuyển. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Qua thảo luận, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cho rằng Báo cáo của Bộ cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và đề cương đề nghị của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; phản ánh khá cụ thể về tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục và đề xuất, kiến nghị.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho cả giai đoạn 2021-2025; đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực đại dịch COVID-19. Nhìn chung, kế hoạch năm học 2021-2022 được triển khai phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Toàn ngành Giáo dục đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, linh hoạt, chủ động trong thực hiện các giải pháp nhằm nhanh chóng chuyển đổi trạng thái hoạt động phù hợp với tình hình của dịch bệnh, mở cửa trường học kịp thời, bảo đảm các hoạt động giáo dục diễn ra liên tục, an toàn và chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

Qua nghiên cứu báo cáo và theo dõi, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Bộ. Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực được chú trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt kết quả tích cực; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở giữ được ổn định; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao….

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ ra, việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế. Một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện vẫn chưa bảo đảm chất lượng, gây khó khăn cho giáo viên trong triển khai thực hiện. Việc triển khai quy định, hướng dẫn dạy và học trong bối cảnh COVID-19 còn mang tính ứng phó.

Việc củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh khi đi học trực tiếp trở lại có một số lúng túng, gây áp lực cho các trường trong bố trí giờ dạy, kinh phí chi trả cho giáo viên. Mạng lưới trường lớp, gồm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là thiếu giáo viên ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018... Tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau đại dịch COVID-19 diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là ở đội ngũ giáo viên mầm non…

Nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo trong thời gian sớm nhất

Qua nghiên cứu báo cáo và theo dõi thực tế, thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao việc xây dựng thể chế, hoàn thiện văn bản pháp luật cũng như nỗ lực chuyển đổi số của ngành giáo dục. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị thực hành học tập, việc dạy 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khi thiếu cả lớp và giáo viên.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022- 2023, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo trong thời gian sớm nhất; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh nhằm xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính.

Đồng thời, tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận với giáo dục và đào tạo của người dân; chuẩn bị thực hiện tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và xây dựng phương án thi tốt nghiệp đến năm 2025 và giai đoạn sau đó; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; đánh giá kết quả của Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó có giáo viên tiếng dạy tiếng dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng đến chuyển đổi số, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực đại dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những đơn vị có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, thực hiện chuyển đổi số từ sớm và có những thay đổi mạnh mẽ, chú trọng cải cách hành chính…

Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; bảo đảm tính đồng bộ với các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành, qua đó huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thích ứng với bối cảnh, yêu cầu của giai đoạn mới. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Lam An/tổng hợp (quochoi.vn; Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo; Truyền hình Quốc hội Việt Nam)