Ngày 20/11 nghĩ về nghề giáo

14/11/2022 06:32
PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian dần trôi qua, hằng năm cứ đến gần ngày 20/11, hoa hai bên đường trước cổng trường đầy ắp, nhưng mà lòng thì cứ ngổn ngang, cảm xúc vui, buồn.

1. Là học sinh ở miền quê, thời tiểu học chúng tôi không có ti vi, đài, báo để xem và nghe như bây giờ. Chỉ có đi học và lao động phụ giúp gia đình. Đa phần phụ huynh quần quật với công việc đồng áng, nên cũng không mấy ai biết đến ngày 20/11. Hằng năm, đến tháng 11, các trường phát động làm báo tường. Nào là thơ, văn, hò, vè thi nhau “sáng tác”. Tuy vụng về nhưng rất dễ thương. Lễ kỉ niệm cũng giản đơn, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” là câu đã nghe quen thuộc. Bấy giờ, chúng tôi tuyệt đối tin nghề giáo là “nghề cao quý nhất”. Bởi vì từ trẻ nhỏ đến người già, ai nấy cũng kính trọng thầy cô từ lời nói đến cử chỉ.

Ngày 20/11 với nhiều thầy cô có khi chỉ đơn giản là những bông hoa đồng hoang dại mà học trò và phụ huynh mang đến - mà giá trị không có gì sánh được. Ảnh: TTXVN

Ngày 20/11 với nhiều thầy cô có khi chỉ đơn giản là những bông hoa đồng hoang dại mà học trò và phụ huynh mang đến - mà giá trị không có gì sánh được. Ảnh: TTXVN

2. Những năm tháng học phổ thông, chúng tôi đã hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của ngày 20/11 và cũng phân biệt được ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo với ngày Nhà giáo Việt Nam. Thời kì đó, kinh tế còn khó khăn, sau khi tốt nghiệp phổ thông cũng không nhiều học sinh chọn thi vào đại học. Quan sát các khoá trước, các anh chị học khá, giỏi đa phần vẫn chọn trở thành giáo viên. Và nghề giáo lúc bấy giờ vẫn “cao quý” trong suy nghĩ của số đông.

3. Lứa chúng tôi tốt nghiệp phổ thông cũng có rất nhiều bạn lựa chọn đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm. Thời đó, dù còn là sinh viên, nhưng đã chọn học sư phạm thì cũng được bạn bè, người thân quan tâm chúc mừng nhân ngày nhà giáo. Các trường sư phạm “mặc định” ngày 20/11 là ngày truyền thống và hằng năm tổ chức kỉ niệm long trọng.

4. Tôi về công tác tại trường đại học sư phạm thời điểm còn đúng 2 tháng là đến ngày 20/11. Năm đầu tiên trong nghề, tôi cảm nhận được không khí trang trọng, ấm áp và cảm thấy yêu quý nghề giáo vô cùng. Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi không ngừng học hỏi để thực hiện tốt sứ mệnh của một giảng viên. Thời đó mọi thứ còn nhiều khó khăn và thách thức với giảng viên trẻ, nhưng tôi không cảm thấy nản chí với nghề dạy học, mà nghĩ rằng càng khó khăn thì phải càng cố gắng.

5. Thời gian dần trôi qua, hằng năm cứ đến gần ngày 20/11, hoa hai bên đường trước cổng trường đầy ắp, nhưng mà lòng thì cứ ngổn ngang, cảm xúc vui, buồn. Mỗi năm đi qua, lại cảm thấy ngành giáo dục càng nhiều áp lực. Nhiều vấn đề mới nảy sinh và nhiều việc mới cần phải làm. Xã hội nghĩ về nghề giáo cũng ngày càng khác biệt. Có người đề nghị xem xét lại truyền thống tôn sư trọng đạovà cũng có người nhận xét ngày 20/11 ngày nay nhiều hoa, quà mà nhạt nhẽo.

6. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19, tôi nhận được những chia sẻ đầy cảm xúc của một số thầy, cô giáo. Họ bày tỏ khát khao muốn được đi dạy trực tiếp và được gặp học trò. Có người mong được cảm nhận không khí của ngày nhà giáo như lúc mới vào nghề. Một nhà giáo có tuổi, tâm sự: chưa bao giờ thấy giáo dục rơi vào cảnh lạ lùng như vậy. Thầy giảng trước cái màn hình, bên kia chẳng biết có những ai và cảm nhận được điều gì”. Một hôm, bỗng dưng nhận thấy sự hớn hở trong cách chia sẻ dù dịch vẫn chưa dứt, thầy bảo: “sau đợt dịch này có khi giáo dục sẽ phục hưng”. Tôi gạn hỏi, thầy trả lời rằng: “khá lâu mới thấy thầy và trò khát khao được dạy và học". Thầy chia sẻ “chỉ cần có dạy thật và học thật thì giáo dục sẽ tốt thôi. Biết đâu COVID-19 lại giúp cho xã hội nhìn nhận được giá trị thật, để sống thật. Có sống thật thì mới có dạy thật, học thật. Tất cả cùng xây thì mới thành, chứ mỗi ngành giáo dục thì chẳng thể nào gánh nổi”.

7. Năm 2022, toàn ngành giáo dục rạo rực hướng về kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện thiếu giáo viên, giáo viên bỏ nghề vì thu nhập thấp; thầy hiệu trưởng bêu tên học sinh chưa đóng tiền trước toàn trường- phụ huynh mang dao đến tìm thầy trừng phạt... Khi nhiều chuyện không hay xảy ra trong xã hội, thì cũng là lúc người ta đua nhau “kể tội” ngành giáo dục. Cũng đúng thôi. Tất cả cái hay, cái tốt phần nhiều do giáo dục; cả những gì chưa chuẩn mực, ứng xử không phù hợp xét cho cùng cũng từ giáo dục mà ra. Tuy nhiên, gốc rễ những lỗi ấy là từ đâu?

Có lẽ để “dạy thật” và “học thật” còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề, mà phạm vi không chỉ trong ngành giáo dục. Khi mà ngoài cổng trường, mọi thứ vẫn ngổn ngang. Khi mà giá trị vật chất vẫn là “thước đo”. Khi mà quyền và tiền chi phối các quan niệm xã hội. Khi mà cả những chốn linh thiêng cũng tổ chức các sự kiện vì mục tiêu kiếm tiền. Khi những show diễn, những event hoành tráng với những hình ảnh lố lăng, phản cảm vẫn nhắm thẳng vào giới trẻ để lôi kéo… Vậy liệu rằng giáo dục trong nhà trường có đủ sức để thắng được những thứ đó không?

8. Ai cũng mong cho xã hội an bình, quốc gia phát triển, gia đình hạnh phúc,… và dĩ nhiên để điều đó hiện thực hoá, chỉ có thể dựa vào một nền giáo dục tốt và một nền văn hoá chuẩn mực. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi được cả xã hội cùng tham gia kiến tạo, và trên tất cả phải cần xuất phát từ ý chí chính trị cũng như ý chí đó phải được luật hoá.

9. Dẫu biết rằng những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đang có xu hướng tăng lên, nhưng qua kinh nghiệm sống, làm việc, quan sát và tìm hiểu trong nghề mấy chục năm nay, tôi đã chứng kiến không ít những thầy cô vẫn âm thầm cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giáo dục. Họ thực sự đã dấn thân, vì lẽ sống mà họ đã chọn, không một lời kêu ca, phàn nàn. Tình yêu nghề và thương trò của họ là vô biên. Khó ai có thể hiểu hết những nhọc nhằn mà họ đã trải qua. Nhưng họ cũng không "cô đơn" như người ta tưởng. Ngày 20/11 với họ có khi chỉ đơn giản là những bông hoa đồng hoang dại mà học trò và phụ huynh mang đến - mà giá trị không có gì sánh được.

10. Ngày 20/11 giờ đây nên giữ lại những giá trị chân thật và cần phải cự tuyệt với “xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định”. Nếu ứng xử đúng với ngày nhà giáo, sẽ chạm được tới những trái tim và từ đó sẽ góp phần đổi thay giáo dục theo hướng tích cực. Đừng để những món quà xa xỉ, những lẵng hoa vô cảm, những bài diễn văn sáo rỗng và những câu chúc mừng được lập trình… làm nhạt nhoà những ý nghĩa cao xa.

PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng