Ngày 20/11, đọc Dự thảo Nghị định của Chính phủ và nhận định trên báo Đảng

20/11/2021 07:03
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải chăng hãy để cho mọi người đến tuổi nghỉ hưu cầm sổ hưu, sau đó cơ sở giáo dục đại học nào cần thì hợp đồng, mời các nhà giáo tham gia giảng dạy...

Cứ đến khoảng giữa tháng 11 hàng năm là lại thấy đầy ắp mặt báo chuyện kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, chuyện quà cáp cho thày cô, chuyện chế độ chính sách dành cho những người được mệnh danh là “Kỹ sư tâm hồn”,…

Riêng tháng 11 năm 2021 này lại thêm những bàn luận - dù rất văn chương song không kém phần nảy lửa - về chuyện Chính phủ công bố Dự thảo Nghị định liên quan đến việc kéo dài thời gian làm việc của nhóm giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có học hàm, học vị cao.

Gần như cả hai phía ủng hộ và phản bác việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ liên ngành đều thống nhất ở điểm họ là “vốn quý” (đôi khi còn được gọi là “nguyên khí”) của quốc gia và cần tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến (tạm gọi họ là “Nhóm quá tuổi”).

Sự khác nhau chủ yếu ở chỗ “Nhóm quá tuổi” sẽ tiếp tục làm việc với vị thế nào, viên chức trong biên chế hay lao động hợp đồng?

Ảnh minh họa: Tienphong.vn

Ảnh minh họa: Tienphong.vn

Có một điều hơi lạ là dự thảo nghị định của Chính phủ (do Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chắp bút?) chỉ đề cập đến việc kéo dài thời gian làm việc của “Nhóm quá tuổi” mà không đề cập đến số lượng không nhỏ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” hoặc “Nhà giáo ưu tú”.

Dự thảo Nghị định liên quan đến phía ban hành chính sách và phía thụ hưởng chính sách, vì vậy xin nói thẳng đôi điều, có thể là hơi khó nghe với một số người.

I. Phía ban hành chính sách:

Thứ nhất, liệu có chuyện “bên trọng bên khinh”?

Khoản 4, điều 169, Luật Lao động 2019 quy định:

“Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, viết: “Căn cứ quy định của Luật Lao động, Nghị định hướng dẫn Luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan” nên bắt buộc phải hiểu là có hai nhóm đối tượng có thể “nghỉ hưu ở tuổi cao hơn”, đó là “Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao” và “một số trường hợp đặc biệt”.

Vậy phải chăng “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” không thuộc về các “trường hợp đặc biệt”, không phải là vốn quý, không cần ưu ái cho đội ngũ này chỉ vì một số người trong đó học hàm, học vị không cao?

Và điều này liệu có đồng nghĩa với việc một số người làm chính sách ở nước ta coi học hàm, học vị quan trọng hơn danh hiệu vinh dự nhà nước phong tặng trong khi tiêu chuẩn để được phong tặng các danh hiệu này không chỉ bao gồm trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, uy tín trong giới học thuật mà còn cả uy tín xã hội, nhất là uy tín với các thế hệ học trò.

Thêm nữa, Luật Giáo dục quy định giáo viên phổ thông phải có trình độ cử nhân trở lên, hiện một số thày cô giáo có học vị tiến sĩ đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông, vì sao chưa thấy dự thảo nghị định nào để họ được kéo dài thời gian làm việc (bởi Dự thảo Nghị định chỉ đề cập đến “giảng viên” tức là người dạy bậc đại học và các cơ sở giáo dục đại học)?

Thứ hai, Nghị định sẽ luật hóa cơ chế “xin - cho”?

Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học khi quá tuổi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc là chuyện bình thường.

Vậy thì vì sao một chuyện vốn dĩ bình thường chỉ vì một bản Dự thảo Nghị định lại bỗng trở nên không bình thường, lại làm bùng nổ hàng loạt bài viết với quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau trên các diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng?

Một khi Dự thảo Nghị định trở thành Nghị định thì quyền quyết định (cho ai được kéo dài thời gian làm việc) được trao cho các cơ sở giáo dục đại học, điều này có đồng nghĩa với việc chính thức luật hóa cơ chế “xin - cho”.

Việc các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ phải viết đơn “xin” được tiếp tục làm việc đã được quy định tại mục c, khoản 3, điều 3, Dự thảo Nghị định, theo đó:

“Hồ sơ xin kéo dài thời gian làm việc do cơ sở giáo dục đại học quy định”.

Bao nhiêu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẽ không cảm thấy chạnh lòng khi phải viết đơn “xin kéo dài thời gian làm việc” nộp cho cơ sở giáo dục đại học mà mình đã gắn bó nhiều năm?

Bao nhiêu người vì một chữ “sĩ” mà sẽ từ chối viết đơn “xin” được tiếp tục làm việc bởi những người nắm quyền phê duyệt cho họ tiếp tục “cống hiến” chắc chắn thuộc thế hệ học trò mà các thày cô đã từng dạy dỗ.

Và liệu bộ “Hồ sơ xin kéo dài thời gian làm việc” mà “Nhóm cao tuổi” phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học liệu có đòi hỏi số lượng bài báo quốc tế hoặc công trình được đăng ký bản quyền?

Để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự kính trọng các nhà giáo cao tuổi có tâm và có tầm, nên chăng các cơ sở giáo dục đại học sẽ chủ động trao đổi trực tiếp với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về thời gian tiếp tục làm việc chứ không bắt họ phải trở thành người đi xin việc.

Cũng vì thế người viết cho rằng không thể đưa vào một văn bản quy phạm pháp luật điều khoản quy định các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cao tuổi phải viết đơn xin tiếp tục làm việc.

II. Phía thụ hưởng chính sách

Phải chăng toàn bộ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hiện nay đều là những người tài giỏi và đều xứng đáng để Chính phủ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về kéo dài thời gian làm việc cho họ?

Phải chăng nếu không được luật hóa, quyền tiếp tục làm việc của họ sẽ không được bảo đảm và đất nước sẽ bị thiệt hại vì họ không thể tiếp tục cống hiến?

Đánh giá thực trạng nhân tài của Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Vì sao người tài lại phải ra nước ngoài định cư?” viết:

“Một số em cũng đã về Việt Nam với mong muốn sống gần gia đình, đóng góp sức mình cho Tổ quốc, nhưng gần như sau một thời gian ngắn về nước, các em lại muốn ra đi. Đơn giản, vì chỗ dành cho người giỏi, người tài ở ta còn quá nhiều vấn đề bất cập”. [1]

Nhận định trên báo Đảng “Chỗ dành cho người giỏi, người tài ở ta còn quá nhiều vấn đề bất cập” phản ánh một thực tế là không gian học thuật và không gian giáo dục nước ta ngày nay rất ít chỗ dành cho người thực sự giỏi, thực sự tài.

Nếu ý kiến trên báo là đúng thì điều này cũng có nghĩa là số lượng người thực sự tài năng trong giới tinh hoa nước ta hiện nay không nhiều?

Và như vậy, có nên nhận định theo chiều hướng tiêu cực, rằng không phải tất cả những người mang danh giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ hiện đang làm việc đều là người tài, người giỏi?

Để làm rõ nhận định này, xin nêu vài ví dụ:

Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được báo chí “tôn vinh” là “Lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ”.

“Trong 2 năm 2015 và 2016 cho xuất lò 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ. Đã có những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ, cho dù nghĩ mãi cũng không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà”. (Laodong.vn - 07/08/2020)

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban biên tập chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gồm 12 thành viên, cả 12 người đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Nhờ các vị biên tập chương trình này mà ba môn tích hợp gồm Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật đã được công bố một cách hoành tráng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vội vã cho triển khai trong khi đội ngũ giáo viên tích hợp lại chưa được đào tạo chính quy, ngoại trừ việc bồi dưỡng cấp tốc một số kiến thức cơ bản.

Chương trình đã công bố và áp dụng tại các trường phổ thông nhưng đến nay cả người quản lý và người dạy đều chưa biết phải dạy, chấm điểm, đánh giá các môn tích hợp như thế nào!!!

Điều đáng nói là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chịu trách nhiệm biên tập chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gần như không hề lên tiếng hướng dẫn những người dạy các môn tích hợp phải thực hiện nhiệm vụ được giao thế nào.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 09 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thành viên các hội đồng này đều là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nhưng chất lượng công việc của một số hội đồng đã mang lại sự thất vọng cho toàn xã hội đến mức tháng 11/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải thay thế Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2021, liên quan đến chất lượng sách giáo khoa, một vị Đại biểu Quốc hội đã cho rằng: “Trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập. Trách nhiệm thứ hai thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ. Thứ ba, là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GDĐT khi sách giáo khoa có sạn". [2]

Một trong những cơ quan quan trọng nhất của nền học thuật nước nhà là Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Thành viên các hội đồng này chắc chắn chỉ có thể là các giáo sư, phó giáo sư. Vậy Hội đồng này hoạt động thế nào?

Báo Thanhnien.vn nêu câu hỏi:

“Xét giáo sư, phó giáo sư: Vì sao 'lọt lưới' nhiều ứng viên không đạt yêu cầu?”. [3]

Báo Tuoitre.vn viết:

“41 ứng viên GS, PGS bị loại đã 'lọt cửa hội đồng ra sao?”. [4]

Báo Nhandan.vn (cuối tuần) ngày 10/03/2018 viết:

“Chiều ngày 5-3, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước (CDGSNN) đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2017 đối với 1.131 ứng viên trên tổng số 1.226 hồ sơ phải rà soát lại theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề dư luận đặt ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho “sự cố” này, và điệp khúc “rút kinh nghiệm” sẽ được xử lý ra sao?”. [5]

Ngày 16/11/2021 tìm hiểu thông tin về cơ cấu tổ chức Hội đồng giáo sư (ngành và liên ngành) tại địa chỉ [6], thật ngỡ ngàng khi thông tin nhận được lại là từ ngày 12/03/2019 trong khi Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định thành lập 28 hội đồng ngành và liên ngành mới vào ngày 21/10/2021.

Ảnh chụp màn hình Cơ cấu tổ chức Hội đồng giáo sư nhà nước năm 2021

Ảnh chụp màn hình Cơ cấu tổ chức Hội đồng giáo sư nhà nước năm 2021

Với chất lượng đội ngũ gọi là “tinh hoa” như đã nêu trên, với nhận định trên báo Đảng “chỗ dành cho người giỏi, người tài ở ta còn quá nhiều vấn đề bất cập” liệu có cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để kéo dài thời gian làm việc cho đội ngũ này?

Phải chăng hãy để cho mọi người đến tuổi nghỉ hưu cầm sổ hưu, sau đó cơ sở giáo dục đại học nào cần thì hợp đồng, mời các nhà giáo tham gia giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Và phải chăng việc ban hành một Nghị định kéo dài thời gian làm việc cho “Nhóm cao tuổi” vào thời điểm này là không thích hợp?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/vi-sao-nguoi-tai-lai-phai-ra-nuoc-ngoai-dinh-cu-382183.html

[2] https://baophapluat.vn/media/van-de-san-sach-giao-khoa-tiep-tuc-lam-nong-nghi-truong-quoc-hoi-post6923.html

[3] https://thanhnien.vn/xet-giao-su-pho-giao-su-vi-sao-lot-luoi-nhieu-ung-vien-khong-dat-yeu-cau-post1007059.html

[4] https://tuoitre.vn/41-ung-vien-gs-pgs-bi-loai-da-lot-cua-hoi-dong-ra-sao-20180404080026616.htm

[5] https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi/rut-kinh-nghiem-the-nao-318339/

http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/co-cau-to-chuc_413

Xuân Dương