Năm 2023, ĐHSP Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập có gì đáng chú ý?

15/12/2022 13:38
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức chính thức trở thành kỳ thi tuyển sinh độc lập, các trường khác có thể làm căn cứ xét tuyển.

Kỳ thi tuyển sinh độc lập chính thức từ năm 2023

Sáng ngày 15/12/2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phương án tổ chức kỳ thi độc lập tuyển sinh độc lập”.

Năm 2022, công tác tuyển sinh đại học thực hiện theo Quy chế tuyển sinh mới với nhiều cải tiến về kỹ thuật. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Do vậy, việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng và triển khai đề án “Tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy” có tính cấp thiết cao, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyển sinh đại học trong cả nước.

Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thông tin cụ thể hơn về Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy từ năm 2023.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu. Ảnh: Ngân Chi
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu. Ảnh: Ngân Chi

Theo đó, đối tượng dự thi và phạm vi áp dụng: Thí sinh là học sinh lớp 12 trung học phổ thông hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có nguyện vọng: Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của các trường đại học có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển. Chứng nhận về kết quả thi có giá trị xét tuyển đại học trong cùng năm tuyển sinh.

Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học.

Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường trung học phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy.

Về thời gian, địa điểm, hình thức thi: Dự kiến tổ chức thi 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm, sau khi học sinh đã học xong Chương trình giáo dục phổ thông và trước khi học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh dự thi trực tiếp, làm bài trên giấy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng ký dự thi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dự kiến, năm 2025, rà soát, chỉnh sửa cấu trúc, ma trận đề thi và bổ sung câu hỏi thi phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt và nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Đồng thời, thực hiện biên soạn, thẩm định và bảo mật đề thi theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có phương thức xét tuyển thông qua kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, nhưng mới chỉ là phương thức của nội bộ nhà trường. Điểm mới của kỳ thi năm 2023, đây là kỳ thi đánh giá năng lực độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi này để đăng ký vào trường khác nếu trường đó có cơ chế chấp nhận kết quả của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Vị Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết thêm: “Hiện đã có Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm Huế cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển vào trường.

Mặc dù thách thức rất lớn và áp lực trong việc xây dựng các nguồn ngân hàng đề nhưng vì yếu tố minh bạch, vì trách nhiệm với xã hội, nên nhà trường sẽ công bố công khai đề thi và toàn bộ đáp án sau mỗi kỳ thi”.

Tiến sĩ Trần Bá Trình (Phòng Đào tạo) phát biểu tham luận về Tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực: Phương thức tuyển sinh mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022.

Tiến sĩ Trần Bá Trình (Phòng Đào tạo) phát biểu tham luận về Tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực: Phương thức tuyển sinh mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phát biểu tham luận về “Xây dựng ma trận và biên soạn đề thi môn Sinh học phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phát biểu tham luận về “Xây dựng ma trận và biên soạn đề thi môn Sinh học phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực”.

Có thể tổ chức nhiều đợt trong năm, tiến đến kỳ thi cụm

Ngay sau những tham luận của các báo cáo viên, đã diễn ra phần thảo luận về các vấn đề liên quan đến kỳ thi độc lập tuyển sinh đại học: Thuận lợi, khó khăn và khả năng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Theo các chuyên gia, Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có tính cấp thiết cao, giữ vai trò đặc biệt quan trọng của quy trình nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Thầy Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, mặc dù hai cơ sở đào tạo sư phạm ở hai “đầu cầu” Bắc - Nam có hình thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực khác nhau (thi viết trên giấy và thi trên máy tính), cách tiếp cận khác nhau nhưng cơ bản vẫn trùng khớp, nên chất lượng thí sinh thông qua kỳ thi vẫn tương đồng.

Thầy Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nên tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong một năm.

Thầy Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nên tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong một năm.

Tuy nhiên, theo đại diện Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, vì tính chất độc lập của kỳ thi đánh giá năng lực, nên có thể tính đến tổ chức 2 đợt trong năm, thay vì chỉ tổ chức 1 đợt vào khoảng tháng 4, tháng 5, tức là thêm một đợt vào khoảng cuối năm (tháng 11, tháng 12).

Như vậy, khối sư phạm hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả thi này làm phương thức xét tuyển thí sinh. Thậm chí, các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể thông qua đó đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của mỗi địa phương.

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng: “Không chỉ tổ chức 2 đợt, chúng ta có thể tổ chức từ 3 đợt thi trong năm để thí sinh thi chưa đỗ ở đợt thi này, sẽ có thêm cơ hội thi tiếp trong một đợt thi khác trong cùng năm học đó, tăng cơ hội trúng tuyển”.

Phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Tiến sĩ Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng cũng chia sẻ: “Kỳ thi độc lập đáp ứng yêu cầu xét tuyển cả trường nhưng các trường sư phạm cũng mong muốn cụm trường có một kỳ thi chung, ngân hàng đề thi có thể khảo sát trên mọi vùng miền.

Tiến sĩ Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, nên tiến đến kỳ thi độc lập của cụm trường đào tạo sư phạm.

Tiến sĩ Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, nên tiến đến kỳ thi độc lập của cụm trường đào tạo sư phạm.

Tức là nhóm ngành sư phạm tổ chức kỳ thi chung, sau đó bàn bạc, thống nhất một năm có thể tổ chức bao nhiêu đợt thi, phương thức tổ chức như thế nào..., nếu có kỳ thi chung của nhóm các trường, sẽ đỡ tốn kém cho phía các trường, tiết kiệm cho học sinh, thí sinh ở vùng miền nào có thể thi ngay tại vùng miền đó”.

Trong buổi tọa đàm, đại diện các trường đại học ngoài khối ngành sư phạm cũng chia sẻ ý kiến về kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, với đề thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ,liệu các khối ngành khác như báo chí - truyền thông, luật,... có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển hay không.

Đại diện Học viện Kỹ thuật Mật mã cũng thắc mắc: “Một số ngành kỹ thuật, đặc thù về năng lực kỹ thuật, liệu có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được không?

Đại diện Học viện Kỹ thuật Mật mã chia sẻ thắc mắc về đề thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đại diện Học viện Kỹ thuật Mật mã chia sẻ thắc mắc về đề thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bởi, năng lực mà các trường sư phạm cần là năng lực trình bày kiến thức của mình cho người khác, còn với các trường khối ngành kỹ thuật, năng lực quan trọng là năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Tức là, mục đích đánh giá của các trường trong quá trình tuyển sinh là không hoàn toàn trùng nhau...”.

Giải đáp thắc mắc này Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Trong đề thi của nhà trường, có phần tự luận, để đánh giá năng lực vận dụng cao và sáng tạo của thí sinh trong phân tích, đánh giá... Như vậy, với sinh viên sư phạm, không chỉ đòi hỏi việc có thể tư duy được, mà trình bày được tư duy đó để người khác có thể hiểu được trong phần tự luận. Khi đã khách quan hóa quá trình tư duy (trình bày cho người khác hiểu được), chứng tỏ quá trình tư duy bên trong rất tốt. Vậy nên, ở đây, theo tôi không có mâu thuẫn gì”.

Đại diện Trường Đại học Quy Nhơn dự tọa đàm trực tuyến.

Đại diện Trường Đại học Quy Nhơn dự tọa đàm trực tuyến.

Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường duy nhất công khai đề thi và đáp án.

Phần tự luận và trắc nghiệm trong đề thi đã đáp ứng được, thì sẽ đảm bảo chất lượng tuyển sinh. Không có mâu thuẫn trong việc tuyển sinh giữa trường đào tạo sư phạm và các trường đào tạo khối ngành khác. Bản chất, “có bột mới gột nên hồ, nên nếu không có nền tảng cốt lõi, không thể có năng lực...

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu kết luận.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu kết luận.

Như vậy để nói rằng, đây là một nền tảng chứ không phải tất cả, đây là một phương thức chứ không phải phương thức duy nhất. Tới đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như các trường đào tạo sư phạm đều sẽ có những phương thức tuyển sinh khác nhau.

Chính vì vậy, chúng ta vừa đa dạng hóa phương thức nhưng đa dạng hóa phương thức trên nền tảng và điều kiện của Việt Nam, trước hết tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, không làm xáo trộn hoạt động của xã hội. Đồng thời, biết được năng lực thực sự của thí sinh và tiếp tục đào tạo, rèn giũa cho các em trong tương lai”.

Kỳ thi tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực với tính chất là kỳ thi tuyển sinh riêng. Trường đã huy động 200 chuyên gia, giảng viên biên soạn 300 câu hỏi tự luận, 5.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Từ ngân hàng câu hỏi nguồn, biên soạn 9 đề thi chính thức và 9 đề thi dự bị. Riêng môn Tiếng Anh thi 2 ca khác nhau.

Tổ chức thi đánh giá năng lực cho hơn 2.300 thí sinh với trên 5.300 bài thi, 2 điểm thi, 93 phòng thi và 178 cán bộ tham gia coi thi, giám sát, phục vụ, y tế, công an, bảo vệ… Chất lượng đề thi và công tác coi thi được học sinh, phụ huynh, xã hội đánh giá tốt.

Ngân Chi