Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Tại Quảng Ninh, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ hơn 12,3% dân số trên địa bàn, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về quốc phòng – an ninh biên giới quốc gia (64 xã, thị trấn và 47 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo).
Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh tại đây.
Tháng 5/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Năm 2021, tỉnh phân bổ 200 tỷ đồng thực hiện chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục phân bổ 1.215 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, ngân sách tỉnh còn phân bổ kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, các đề án, nhiệm vụ của ngành giáo dục (238,624 tỷ đồng), kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế (130 tỷ đồng).
Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh minh hoạ: Trúc Linh) |
Các địa phương trong tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực, bố trí trên 365 tỷ đồng trong năm 2021, 2022 để thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương tích cực huy động những nguồn lực khác đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều mục tiêu mà Nghị quyết 06 đề ra bước đầu đã thu hái những thành quả nhất định.
Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 52,5 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2020.
Hiện nay, 177/177 đơn vị cấp xã và 13/13 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Phát triển tri thức vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 45.700 học sinh người dân tộc thiểu số theo học ở 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và gần 2.570 cán bộ, giáo viên, nhân viên người dân tộc thiểu số.
Các địa phương đồng bộ nhiều giải pháp giúp nâng cao tri thức cho người dân tộc thiểu số. (Ảnh minh hoạ: CTV) |
Để nhân lực vùng dân tộc thiểu số được phát triển toàn diện, nhất là về tri thức, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện nhiều chế độ đối với giáo viên và học sinh khu vực này.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bố trí cán bộ, giáo viên có đủ năng lực cho các trường.
Thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí trên 19 tỷ đồng để sửa chữa trường, lớp, mua sắm các trang thiết bị dạy học và sinh hoạt bán trú, nội trú cho học sinh các trường, từng bước nâng cao chất lượng học tập của học sinh tại các địa bàn vùng khó khăn.
Hiện 100% phòng học tạm ở các xã vùng khó khăn của tỉnh được thay thế bằng phòng học kiên cố; hệ thống thiết bị dạy học thông minh từng bước được đầu tư.
Cùng với đó là mở rộng các chính sách về hỗ trợ tiền ăn, học phí cho học sinh, phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ, giáo viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới…
Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số được các địa phương tăng cường thông qua hàng loạt các chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế…
Các lớp dạy nghề được tổ chức giúp mở ra cơ hội việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số. (Ảnh: CTV) |
Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cũng phối hợp với các ngành, địa phương mở nhiều lớp dạy nghề lao động nông thôn.
Trong đó hướng đến các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ năm 2016 đến nay có khoảng 144.500 lao động người dân tộc thiểu số được giải quyết việc làm (khoảng 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài).
Các hoạt động tư vấn, kết nối tìm kiếm việc làm được duy trì, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số.
Nhờ triển khai đồng bộ các công tác trên, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của tỉnh có bước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo. Thu nhập bình quân khu vực này đạt gần 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,36%.