Tại tọa đàm "Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng – thực trạng và giải pháp" do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Trong đó, các ý kiến tập trung vào việc làm thế nào để kết nối liên thông dữ liệu và giao xây dựng nền tảng cho nhà nước hay doanh nghiệp.
Chuyển đổi số trường đại học phải chấp nhận đau thương
Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ: “Cách đây hai tuần, khi đưa sinh viên xuống các doanh nghiệp để làm việc, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì chuyển đổi số trong trường đại học ở Việt Nam so với các doanh nghiệp gần như quá xa. Do vậy, nếu trường đại học còn đang trăn trở lựa chọn giữa chuyển đổi hay không chuyển đổi thì quả là sai lầm".
Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai nêu ý kiến. (Ảnh: Huệ Mai). |
“Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ tiên quyết của các trường đại học, cao đẳng. Thực tế, chúng ta cũng đang đi sau các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Nếu chúng ta không thay đổi thì trong một khoảng thời gian rất ngắn, tất cả các sản phẩm của chúng ta khi ra đưa ra ngoài sẽ không ai tiêu thụ.
Để chuyển đổi số, đầu tiên phải thay đổi là nhận thức, xuống thực tế tại các doanh nghiệp để xem những thay đổi như thế nào. Nếu lãnh đạo thay đổi, thì cấp dưới thay đổi. Hay nói cách khác, nếu thay đổi từ nhận thức của các nhà lãnh đạo, thì chuyển đổi số khó đến mấy cũng sẽ làm cho kỳ được. Điều đó thể hiện ở việc, chúng ta đưa các hệ thống phần mềm từ lãnh đạo, lãnh đạo sẽ chuyển xuống các cấp dưới như phòng, ban, sinh viên”, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn nói.
Cũng theo Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn, chuyển đổi số phải chấp nhận đau thương đó là một số trường sẽ không theo kịp, chấp nhận thay đổi những thứ cũ kỹ để đón nhận cái mới. Bởi, chuyển đổi số không bao giờ được chắp vá, nếu chắp vá sẽ không thành công.
Mỗi trường một kiểu sẽ thành thảm họa số
Tại tọa đàm, đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - ông Lê Trung Nghĩa chia sẻ, đa số trường đại học đang tập trung vào việc chuyển đổi các hoạt động, quy trình nghiệp vụ của giáo dục trên môi trường số dựa vào chính năng lực của trường.
"Chúng ta nên có, và nên cần đi theo hướng nâng cao “khung năng lực số” cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân thì mới có khả năng thực hiện mục tiêu của chương trình chuyển đổi số.
Chính phủ mong muốn xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Như vậy, muốn có Chính phủ số thì phải có tổ chức số, muốn có kinh tế số thì phải có doanh nghiệp số, muốn có xã hội số thì phải có công dân số. Để chuyển đổi số thành công trong giáo dục thì phải kết hợp năng lực số, văn hóa số và tính mở", ông Lê Trung Nghĩa nói.
Khi trường nào cũng muốn trở thành các nhà cung cấp dịch vụ thì sẽ không chuyển đổi số thành công. Do đó, phải có một đơn vị đứng đầu ở cấp Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới làm được.
Có thể thấy, những chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tác động lớn đến quá trình chuyển đổi số ở các trường đại học, cao đẳng vì mang tính chất định hướng, nhất là các nền tảng dùng chung chia sẻ sau này. Nếu Bộ có định hướng rõ nét và sớm thì các trường đại học, cao đẳng có thể tiến hành chuyển đổi số đúng hướng.
Tại tọa đàm, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chuyển đổi số tức là chuyển đổi trước rồi mới đến số. Tối ưu quy trình, tạo chia sẻ, kết nối mới là chuyển đổi số, nếu không sẽ chỉ dừng lại ở việc dùng công nghệ để hỗ trợ quy trình cũ.
Theo ông Tô Hồng Nam, có 6 nhóm giải pháp mục tiêu về chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, các trường đại học căn cứ để triển khai chuyển đổi số sao cho đồng điệu với nhau, đồng điệu với Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tránh tự chuyển đổi tạo sự rời rạc. Trong quá trình chuyển đổi số trường học sẽ có phân cấp cái nào thuộc Bộ làm, trường làm, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng làm để tạo tính đồng bộ.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ý kiến. (Ảnh: Huệ Mai). |
“Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương và đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các trường đại học, các trường sẽ kết nối phần mềm quản trị của trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học để có cơ sở dữ liệu thống nhất dùng chung cả nước. Bộ đã hành chuẩn dữ liệu, các trường căn cứ theo chuẩn để kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học”, ông Tô Hồng Nam nói.
Theo đó, ông Tô Hồng Nam đưa ra một số lưu ý cho các trường trong quá trình triển khai:
Thứ nhất: Trong chiến lược phát triển, các trường đưa nội dung chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để triển khai. Phân công 1 lãnh đạo của trường làm Trưởng ban, tốt nhất là người đứng đầu để tạo tính quyết liệt bởi không quyết liệt thì không làm được.
Thứ hai, sử dụng 1 mật khẩu chung.
Thứ ba, đào tạo, hướng dẫn cho người sử dụng các nền tảng. Bởi, nếu hệ thống kỹ thuật tốt, nhưng người dùng không biết sử dụng thì sẽ lãng phí, kém hiệu quả.
Thứ tư, định hướng chung sẽ là học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, tăng học tập trên môi trường mạng, giảm thời gian học trên lớp để tận dụng tối đa ưu điểm của công nghệ thông tin, các nền tảng học trực tuyến mà Bộ đang xây dựng.
Thứ năm, mã định danh của sinh viên trên hệ thống học tập và định danh trên hệ thống quản trị phải là một.
Thứ sáu, Bộ, các trường và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng phối hợp với nhau để tạo sức mạnh cộng hưởng trong chuyển đổi số trường học.
Xây dựng nền tảng, liên thông dữ liệu với cơ quan chủ quản còn bất cập
Tại đầu cầu trực tuyến Trường Đại học Hồng Đức, Chủ tịch Hội đồng trường - Tiến sĩ Lê Viết Báu có chia sẻ: “Qua quá trình bước đầu chuyển đổi số, rất nhiều trường đại học sử dụng phần mềm khác nhau, mỗi phần mềm lại có nhiều modul và chủ yếu là mua nền tảng nên không nắm bắt được hết nhu cầu của trường.
Việc mua nền tảng có sẵn vừa tốn kém, vừa nhiều thay đổi nên sẽ rất khó khăn cho các trường. Còn nếu tự xây dựng thì cần nguồn lực con người, thời gian sẽ kéo dài.
Các mô hình chuyển đổi số trường học hiện nay có điểm tương đồng, vậy thay vì các trường đều đầu tư vào một hệ thống, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề án về xây dựng bộ phần mềm trong chuyển đổi số trường đại học, rồi chia sẻ cho các trường dùng chung. Trong phần mềm đó sẽ có cơ sở dữ liệu kết nối giữa các trường với Bộ để tiến hành báo cáo. Còn những phần riêng sẽ cho các trường tự triển khai như các thông tin nội bộ để các trường thực hiện quản trị điều hành hoạt động của trường. Nếu Bộ làm được thì sẽ tạo hệ thống đồng bộ cho các trường đại học, giảm chi phí vì đầu tư phần mềm rất tốn kém”,
Liên quan đến chia sẻ của Tiến sĩ Lê Viết Báu, theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch công bố một số nền tảng quốc gia cho chuyển đổi số ở một số lĩnh vực. Vấn đề ai sẽ là đơn vị làm nền tảng đó thì cần lưu ý thêm. Việc có nên giao cho nhà nước hay doanh nghiệp làm nền tảng còn phải nghiên cứu.
Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lê Trung Nghĩa cho rằng, nếu giao việc xây dựng nền tảng cho một doanh nghiệp thì nên yêu cầu khi bàn giao phải cung cấp 1 mã nguồn mà tất cả mọi người đều nhìn thấy trên internet. Bởi, nếu không, các trường sẽ phụ thuộc vào một doanh nghiệp.
Không có một nền tảng cụ thể nào phù hợp cho tất cả các trường
Trong tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, các trường có tham luận báo cáo tại tọa đàm đã làm được rất nhiều trong quá trình chuyển đổi số trường học. Tuy nhiên, đi vào cụ thể từng trường, nhiều trường còn quá bận bịu cho những vấn đề mang tính chất đời thường như làm sao tuyển sinh được nhiều, chạy theo truyền thông mà không tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của trường.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu ý kiến. (Ảnh: Huệ Mai). |
“Nếu không cảnh giác khi chuyển đổi số trường học thì sẽ tạo các khối rời rạc, không gắn kết trong hoạt động. Những dữ liệu chung với nhà nước thì nên kết nối mạnh mẽ, còn những đặc thù riêng từng trường thì phải tôn trọng. Bởi, mỗi trường đại học có một văn hóa, màu sắc riêng nên không có một nền tảng công nghệ cụ thể nào phù hợp cho tất cả các trường, mà chỉ có những phần dùng chung chia sẻ được.
Hay nói cách khác, khi trường đại học tự chủ, chúng ta không nên hy vọng có một sản phẩm của chuyển đổi số dùng chung cho tất cả các trường mà chỉ có sự hỗ trợ xây dựng trên cơ sở quyền quyết định của trường. Nhờ đó, tránh được tình trạng cả nước biến thành một trường đại học”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Cuối tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, chuyển đổi số là quá trình lâu dài, đòi hỏi quyết tâm, kiên trì và tư duy đột phá, sức mạnh tổng hợp nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Bài học về tổ chức bộ máy, tận dụng sức mạnh hợp tác trong mạng lưới giáo dục đại học phục vụ trong quá trình chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thay mặt chủ tọa phát biểu. (Ảnh: Huệ Mai). |
“Những ý kiến chỉ đạo, định hướng kế hoạch quan trọng từ đại diện các đơn vị thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo, từng bước hiện thực hóa chuyển đổi số trong mỗi cơ sở giáo dục đại học bằng màu sắc, văn hóa, mục tiêu, đặc điểm rất riêng.
Tất cả các ý kiến thảo luận trong tọa đàm sẽ được tổng hợp và gửi đến thành viên Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường để xem xét, gửi đề xuất kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ.