Bộ GD cần sớm cụ thể hóa quy định, giám sát CTLKQT để tránh "vàng thau lẫn lộn"

09/01/2023 06:34
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, tới đây, Bộ GD cần cụ thể hóa quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GD; triển khai đồng bộ thanh kiểm tra, giám sát.

Mặc dù học phí có thể lên đến cả tỷ đồng, nhưng kết quả điểm trúng tuyển đầu vào chương trình liên kết quốc tế thấp hơn chương trình đào tạo hệ đại trà ở trình độ đại học cùng ngành, cùng trường; thậm chí có trường không yêu cầu trình độ ngoại ngữ tại thời điểm nhập học... đang đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết này.

Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng một số trường hạ chuẩn, nới lỏng tuyển sinh đối với chương trình liên kết quốc tế như vậy, một phần do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quản lý chưa thực sự chặt chẽ.

Có trường thậm chí không yêu cầu trình độ ngoại ngữ tại thời điểm nhập học. Ảnh chụp màn hình.

Có trường thậm chí không yêu cầu trình độ ngoại ngữ tại thời điểm nhập học. Ảnh chụp màn hình.

Để đóng góp ý kiến nhằm đưa hợp tác quốc tế trong giáo dục đi đúng hướng và hiệu quả, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này.

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, qua theo dõi về hoạt động của chương trình liên kết quốc tế trong thời gian qua, bà có đánh giá như thế nào về hiệu quả thực tiễn của chương trình này, trong khi có một số cơ sở giáo dục vẫn còn tình trạng hạ chuẩn, nới lỏng tuyển sinh?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, cần có một cái nhìn tổng thể khi đánh giá về hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo nói chung, trong đó có giáo dục đại học. Có thể nói, hợp tác quốc tế về giáo dục là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hoá; trên thực tế, nhiều trường đại học ở Việt Nam rất tích cực, chủ động trong hoạt động hợp tác quốc tế qua liên kết đào tạo, hợp tác trao đổi sinh viên - giảng viên, hợp tác trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu...

Rõ ràng, nhờ đó người học có nhiều cơ hội mới, có bằng cấp quốc tế với chi phí thấp hơn du học, có việc làm tốt hơn; còn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam cũng nâng cao chất lượng, ngày càng đổi mới, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều bất cập trong hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục đại học. Thậm chí có giai đoạn, việc thực hiện liên kết đào tạo đại học và sau đại học với nước ngoài tồn tại nhiều bất cập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình liên kết quốc tế. Ảnh: Mộc Trà.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình liên kết quốc tế. Ảnh: Mộc Trà.

Việc cấp phép các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của một số trường không dựa trên năng lực của đơn vị đào tạo, dẫn tới quy mô đào tạo vượt quá năng lực. Vấn đề hạ chuẩn, nới lỏng tiêu chí để tuyển sinh, cho sinh viên “nợ” chuẩn đầu vào tiếng Anh và tổ chức dạy tiếng Anh… như đã phản ánh qua báo chí trong thời gian vừa rồi, là một thực tế đang diễn ra ở một số cơ sở giáo dục đại học. Thực tế ấy đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người học; và đương nhiên cũng giảm uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.

Nhưng phải nói thêm là thực tiễn đang dần thay đổi. Nếu như năm 2017, ở các trường đại học trên toàn quốc có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới; thì năm học 2020-2021, theo Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thực hiện.

Tức là chúng ta đang hướng dần tới xu hướng lựa chọn chất lượng, tinh hơn. Các cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm nhiều hơn tới việc lựa chọn đối tác uy tín, chủ yếu đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore... Đây thực sự là sự chuyển hướng tích cực.

Phóng viên: Bên cạnh đó, bà có trăn trở thêm điều gì đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện các chương trình liên kết quốc tế hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, liên kết đào tạo với quốc tế là yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra; theo đó, thị trường giáo dục đại học Việt Nam có cơ hội mở cửa, có sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức giáo dục, các trường đại học nước ngoài. Nhu cầu về hợp tác đào tạo quốc tế tăng lên về quy mô, nhưng cũng sẽ ngày càng phức tạp, đa dạng về phương thức.

Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải có sự chủ động, tư duy một cách đầy đủ về liên kết đào tạo, về chương trình, về đội ngũ và các yếu tố bảo đảm khác; không chỉ quan tâm tới doanh thu, mà cần chú trọng nhiều hơn tới vấn đề chất lượng, thương hiệu.

Một thực tiễn nữa đang đặt ra là trong việc lựa chọn đối tác nước ngoài, dường như lợi thế thuộc về các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao; cơ sở nào có uy tín trong đào tạo, thì có vị thế tốt hơn trong việc ký kết và duy trì sự hợp tác với các đối tác uy tín nước ngoài.

Ngược lại, đối với những cơ sở giáo dục chất lượng hạn chế, vị thế thấp, rõ ràng sẽ gặp nhiều bất lợi, thiệt thòi. Chính vì vậy, bài học đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học này là cần quan tâm tới vấn đề hợp tác quốc tế, nhưng không phải bằng mọi giá; càng không nên dễ dàng chấp nhận hợp tác với bất kỳ đối tác nào, có như vậy mới tránh được sai phạm đáng tiếc trong liên kết đào tạo, tuyển sinh, cấp văn bằng, chứng chỉ không được công nhận như đã nói ở trên.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo gốc phải được công nhận ở nước cung cấp; sau đó, phải được vượt qua quá trình kiểm định ở Việt Nam hoặc hoặc cơ quan kiểm định quốc tế.

Nếu các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ khi mở và vận hành các chương trình liên kết, đặc biệt là các quy trình đảm bảo chất lượng, thì các chương trình này sẽ mang lại những tác động tích cực cho sinh viên, giảng viên và cơ sở đào tạo.

Mặt khác, nếu xem giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ thì một sản phẩm đào tạo có chất lượng phải được xem xét dựa trên 2 tiêu chí: Là sản phẩm được cung cấp bởi một cơ sở giáo dục đại học có uy tín được tính bằng sự xếp hạng hoặc được công nhận bởi các cơ quan quản lý giáo dục của nước sở tại; và ngành học của cơ sở đào tạo đó phải được công nhận bởi một tổ chức nghề nghiệp độc lập hay được công nhận về chất lượng của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sở tại.

Đây cũng là hai điều kiện được nêu trong Nghị định số 86/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng, rất cần được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, tuân thủ để có sự lựa chọn hợp lý trong quá trình hợp tác.

Thu hút tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế. Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Thu hút tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế. Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Vậy, để hạn chế tình trạng trên, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào? Đặc biệt, trong thời gian tới, cần có biện pháp cụ thể ra sao để thực hiện vai trò quản lý tốt hơn, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Để hợp tác quốc tế trong giáo dục đúng hướng và hiệu quả, rõ ràng là cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ, mà trước hết là của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, để tạo điều kiện và trao thêm cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục, đặc biệt là công nhận văn bằng, tín chỉ với các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới, thí điểm một số mô hình giáo dục của một số nước có nền giáo dục tiên tiến, liên kết đào tạo với nước ngoài.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần quan tâm tham mưu, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục.

Những năm qua, Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã cung cấp căn cứ pháp lý rõ ràng về quy trình đảm bảo và kiểm định chất lượng liên kết đào tạo.

Và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ban hành Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT quy định về hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến trong liên kết đào tạo là một bước đi nhanh nhạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạo điều kiện để các trường đại học trong nước thúc đẩy xây dựng các chương trình quốc tế và liên kết với các hình thức linh hoạt, vừa để tiếp nhận du học sinh Việt Nam về học tập trong nước, vừa để đáp ứng nhu cầu “du học tại chỗ” ngày càng tăng.

Những năm tới, để tạo thuận lợi cho các trường trong hoạt động hợp tác đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cụ thể hóa các quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; chẳng hạn như ban hành thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài; hoặc hướng dẫn cụ thể về đầu vào, về giảng viên phía Việt Nam, quy chế về tuyển sinh và đào tạo trong lĩnh vực đào tạo quốc tế…

Đồng thời, triển khai đồng bộ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát làm sao phát hiện dấu hiệu chưa đúng để điều chỉnh; nghiêm khắc xử lý các dấu hiệu vi phạm để tránh ảnh hưởng tới bức tranh chung của chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Mộc Trà