Hàng ngàn SV bị buộc thôi học mỗi năm: Trường đại học và chuyên gia nói gì?

27/01/2023 06:43
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hàng nghìn SV bị buộc thôi học mỗi năm là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực, tuy nhiên, theo chuyên gia, đây không phải là con số hiếm gặp ở các nước.

Mỗi năm, có hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học do không đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường, đặc biệt là ở một số trường thuộc khối kỹ thuật.

Đào tạo đại học mới chỉ dừng lại ở hình thang

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho rằng, hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học hàng năm không phải là chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam. Rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới cũng có thực tế này.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phúc Chỉnh, nhiều sinh viên bị buộc thôi học ở các cơ sở giáo dục đại học không phải là chuyện hiếm gặp. Ảnh minh họa: TL

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phúc Chỉnh, nhiều sinh viên bị buộc thôi học ở các cơ sở giáo dục đại học không phải là chuyện hiếm gặp. Ảnh minh họa: TL

Cụ thể, theo thầy Chỉnh, nhiều sinh viên bị buộc thôi học ở các cơ sở giáo dục đại học do không đáp ứng được yêu cầu về điểm số và nội quy đào tạo. Trên thế giới, người ta gọi là kiểu đào tạo theo mô hình chóp cụt, nghĩa là đầu vào tương đối mở, tuy nhiên chất lượng đào tạo và đầu ra được quản lý rất chặt chẽ.

“Nếu việc tốt nghiệp dễ dàng thì đã không phải là đào tạo đại học. Cá nhân tôi cho rằng việc sinh viên các trường bị buộc thôi học là đang đảm bảo chất lượng; đạt chuẩn đào tạo, chuẩn đầu ra mới được ra trường, chứ không phải cứ học bao nhiêu là được tốt nghiệp bấy nhiêu. Chúng ta siết chặt việc đào tạo và quản lý sinh viên thì chất lượng giáo dục mới tốt được.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta, việc đào tạo mới chỉ dừng lại ở hình thang thôi. Do vậy, các trường cần mạnh tay hơn nữa trong việc quản lý chất lượng sinh viên để đảm bảo đầu ra chất lượng nhất”, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh.

Vậy làm sao để vừa hạn chế tối đa số lượng sinh viên tự nghỉ học và bị buộc thôi học hàng năm, đồng thời vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý sinh viên? Bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của cố vấn học tập trong môi trường giáo dục đại học.

Theo ông, ở một số cơ sở giáo dục, việc tuyển sinh đầu vào được tiến hành rất chặt chẽ thì việc buộc thôi học hàng trăm sinh viên mỗi năm cần xem xét lại. Với trường hợp sinh viên bị buộc thôi học do lười là hoàn toàn chính đáng, nhưng còn những trường hợp khác, liệu lỗi có hoàn toàn thuộc về sinh viên?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng các trường cần xem lại cách quản lý của đơn vị mình, trong đó, tăng cường hơn nữa vai trò của cố vấn học tập. Theo đó, cố vấn học tập cần sát sao trong việc quản lý, nhắc nhở và tư vấn sinh viên, quản lý việc đăng ký tín chỉ của sinh viên để đảm bảo theo kịp tiến độ học tập của nhà trường và bản thân sinh viên.

“Theo tôi biết, ở Thái Lan quy định trong quy chế đào tạo đại học, nếu cố vấn học tập kém trách nhiệm, để học sinh có những thiệt hại lớn như bị buộc thôi học thì sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí tước danh hiệu cố vấn học tập.

Ở Việt Nam cũng vậy, trong một số trường hợp, không thể chỉ đổ lý do cho sinh viên, mà về mặt người quản lý và giảng viên cũng phải chịu trách nhiệm”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Nhiều cơ hội cải thiện cho sinh viên

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có khoảng từ 5-6% sinh viên/khoá bị buộc thôi học. [1]

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Đứng về góc độ bảo đảm chất lượng, mức độ đào thải này phần nào đó nói lên sức cạnh tranh ngay trong quá trình học tập; rèn luyện người tốt nghiệp ở mức ngày càng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội”.

Ảnh minh họa: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh những hình thức kỷ luật nghiêm khắc theo quy chế đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng có thêm nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học.

Cụ thể, theo Phó giáo sư Bùi Hoài Thắng, quy chế hiện nay của trường đã cho phép chuyển ngành học (với một số ràng buộc nhất định), nên đối với các trường hợp không có lựa chọn ngành tuyển sinh phù hợp, có thể chuyển trong phạm vi trường hoặc trường khác thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn tuyển sinh trường đã và đang làm cụ thể hơn, cùng với các kênh truyền thông, báo đài, góp phần lớn vào việc định hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

Về tài chính, ngoài các kênh hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức khác, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có thêm chính sách học bổng tài trợ, nguồn tài chính cho mượn/vay không lãi suất từ sự đóng góp của thầy cô, cựu sinh viên. Đặc biệt còn có chương trình của cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ-Bách khoa hỗ trợ lãi suất vay học tập, với nguồn vốn ban đầu là 15 tỉ đồng.

“Đây là nguồn hỗ trợ rất tốt cho người học để yên tâm hơn về tài chính, tập trung học tập, đạt kết quả cao”, thầy Thắng nhấn mạnh.

Về môi trường học tập, trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, khu vực tự học... tạo môi trường để sinh viên học tốt nhất. Một số giảng viên còn kiêm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm/cố vấn học tập để hỗ trợ sinh viên, kịp thời động viên, khuyến khích sinh viên học tập. Ngoài ra, các chương trình của Đoàn Thanh niên-Hội Sinh viên như đôi bạn cùng tiến (Study buddy), chia sẻ/trao tặng sách, ôn tập, ... cũng góp phần rất lớn vào kết quả học tập của sinh viên.

Trong chiến lược quốc tế hoá của nhà trường, ngoài việc mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy một số học phần, còn chuẩn bị tuyển giảng viên cơ hữu là người nước ngoài để tạo động lực cho sinh viên học tập, có thêm cơ hội việc làm trong môi trường quốc tế. Việc khuyến khích sinh viên trao đổi với các trường trên thế giới (sinh viên ra nước ngoài, sinh viên nước ngoài đến trường) cũng là một công tác được chú trọng thời gian qua để tạo nét mới, tạo khí thế và động lực cho sinh viên học tập.

Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh khẳng định:

“Với các chính sách này, nhà trường đã tạo ra môi trường học tập, rèn luyện và hỗ trợ tốt cho sinh viên trong việc học tập, tốt nghiệp, sẵn sàng làm việc trong tương lai.

Trong thời gian sắp đến, các chính sách này vẫn tiếp tục được phát huy và điều chỉnh để phù hợp nhất với tình hình mới”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/hang-nghin-sinh-vien-bi-duoi-hoc-khong-phai-do-dai-hoc-la-binh-yen-ra-truong-2087814.html

Bắc Sơn