SV khó khăn chưa đóng học phí: Đừng vì thế mà vội cảnh báo học vụ, buộc thôi học

09/01/2023 06:52
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chương trình đào tạo là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên chán nản, nghỉ học thường xuyên, điểm thấp khiến nhiều trường phải buộc thôi học.

Sau mỗi năm học, các trường đại học thường đưa ra cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học với những sinh viên có kết quả học tập kém, thậm chí có cơ sở đào tạo danh sách sinh viên bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học lên đến con số hàng trăm, hàng nghìn.

Trước sự việc này, không ít người cho rằng, đây là lời cảnh báo cần thiết đối với những sinh viên thiếu cố gắng trong học tập, rèn luyện, qua đó giúp các em phấn đấu nhiều hơn, cũng như thể hiện sự nghiêm túc, chặt chẽ trong quy định đào tạo để đảm bảo chất lượng của các trường đại học.

Bàn về lý do tại sao sinh viên bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, trường cũng có xảy ra tình trạng sinh viên bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học. Trong đó, có những em do tâm lý chán nản dẫn tới không hứng thú học tập, bỏ học thường xuyên trong khi chương trình năm nhất đại học lại có quá nhiều môn đại cương, có phần khô cứng.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Nhìn nhận được những khó khăn đó, 5 năm trở lại đây, trường đã xây dựng chương trình học theo hướng mang tính ứng dụng nên việc sinh viên bỏ học do chương trình học đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại rất ít.

“Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình học linh hoạt trong cơ cấu như xen kẽ các môn cơ sở ngành, chuyên ngành với các môn đại cương ngay từ năm nhất.

Những môn cơ sở ngành và đại cương sẽ được các trưởng khoa sắp xếp một cách dung hòa để sinh viên vừa được học lý thuyết, vừa được học thực hành cùng trong một kỳ học nên sẽ không dẫn đến tâm lý chán nản.

Ví dụ như: môn Triết học là môn bắt buộc phải học năm nhất sẽ được sắp xếp đan xen với môn cơ sở ngành như môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Trong môn học này, các em sẽ có những bài tập thực tế như đi tìm hiểu về hát bội, hát chèo,... rồi về thuyết trình lại trước lớp.

Như vậy, vừa mở rộng được thêm nhiều kiến thức, vừa tăng sự hứng thú trong học tập cho sinh viên. Bởi, mục tiêu của trường là sinh viên sau khi học xong ra trường sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc”, cô Thủy nói.

Bên cạnh đó, cô Thủy cũng cho biết, nếu sinh viên của trường có phản ánh về giảng viên nào dạy học không tốt thì trường cũng đều xem xét và kiểm tra, đánh giá lại giảng viên đó, nếu đúng sẽ có những hình thức khắc phục hợp lý, ví dụ như trường hợp phản ánh là giảng viên thỉnh giảng thì trường sẽ không mời giảng viên đó đến thỉnh giảng nữa.

Mặt khác, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ buộc thôi học của trường những năm gần đây không nhiều bởi cố vấn học tập của mỗi lớp đều được trường quán triệt rất chặt chẽ, khi nhận thấy có trường hợp sinh viên nào gặp vấn đề vướng mắc, thì cố vấn học tập cũng sẽ ngay lập tức trao đổi với các em để tìm cách giải quyết vấn đề.

Trường cũng có những sinh viên khó khăn, chưa đáp ứng được về thời gian đóng học phí quy định, nhưng không vì thế mà cảnh báo học vụ luôn hay buộc thôi học các bạn, thay vào đó, trường đã có những biện pháp linh động như cho các em được đóng 2 lần với điều kiện trước đó phải làm đơn có ý kiến xác nhận từ phía phụ huynh, địa phương,...

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ Võ Văn Lý, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Đồng Nai cho hay, năm học vừa qua, trường cũng có cảnh báo học vụ khoảng vài trăm sinh viên nhưng bị buộc thôi học chỉ rơi vào khoảng 10 em.

Sinh viên bị cảnh báo học vụ thường là xếp theo các diện lần 1, lần 2 để các em lấy đó là sự răn đe để phấn đấu, điều chỉnh lại công tác học tập của mình tốt hơn trong những kỳ học sau. Còn số em bị buộc thôi học rơi vào 2 lý do chính như là điểm thấp hoặc tự động bỏ học.

“Theo đánh giá, các em bị buộc thôi học do điểm thấp của trường là những trường hợp gần như không đi học chứ ít sinh viên đi học đều đặn mà bị điểm thấp.

Bên cạnh đó, số em tự ý bỏ học thường là những bạn muốn thi lại các trường tốp đầu ở thành phố lớn hoặc chuyển nhà, đi du học,... Vào năm nhất, năm hai các em hay chểnh mảng, nhiều em khi quyết định thi lại trường đại học khác thì bỏ học luôn nên trường buộc phải xóa tên”, thầy Lý cho biết.

Để hạn chế được tình trạng nhiều sinh viên bị cảnh báo học vụ cũng như bị buộc thôi học, thầy Lý cho rằng, ngay từ đầu, các trường cần có hướng dẫn cho sinh viên về phương pháp học đại học làm sao cho phù hợp và các em phải chủ động lập kế hoạch học tập để đáp ứng được chương trình học.

Bởi khác với chương trình học ở bậc phổ thông, chương trình của bậc đại học đòi hỏi các em phải chủ động nhiều hơn trong công tác học tập, giảng viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn.

Hơn nữa, cách học phổ thông cũng khác với đại học, lượng kiến thức đại học cũng lớn hơn rất nhiều nên có em bị bỡ ngỡ khi mới vào năm nhất do chưa quen cũng như không có kế hoạch học tập phù hợp.

Cũng theo Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Đồng Nai, nếu các trường đại học cho buộc thôi học số lượng lớn sinh viên như vài trăm người mỗi năm sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu chỉ tiêu của nhà trường, kế hoạch giảng dạy, số lượng tiết dạy của giảng viên.

Không những vậy, vấn đề này còn gây ra khó khăn trong công tác dự báo tuyển sinh cho trường cho những năm học sau.

Khánh An