Đại diện trường ĐH nêu hàng loạt lý do khiến nhiều SV bị buộc thôi học

07/01/2023 06:39
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc các trường đại học cho thôi học hàng trăm, hàng nghìn sinh viên có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.

Vừa qua, quyết định buộc thôi học 37 sinh viên chính quy và cảnh báo học vụ đối với 89 sinh viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2021-2022 đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các trường đại học và dư luận.

Phía lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cũng từng chia sẻ, trung bình mỗi năm có 700 - 800 sinh viên bị buộc thôi học do không đảm bảo được yêu cầu của nhà trường, ngoài ra, có đến 40% số người học phải trả nợ môn đến năm thứ 6 mới ra trường được.

Chia sẻ quan điểm về tình trạng mỗi năm đều có lượng lớn sinh viên bị các trường buộc thôi học, Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng:

“Hiện nay, rất nhiều học sinh và cả phụ huynh cứ nghĩ rằng vào được đại học thì sẽ thành công, nên cứ vào được trường đại học càng lớn càng danh giá, nhưng họ không biết rằng, đại học là một hành trình khó khăn, người học phải thực sự rất nỗ lực và vượt qua những cám dỗ trên giảng đường để tập trung rèn luyện tri thức, kỹ năng và bản lĩnh thì mới hoàn thành chương trình đào tạo và có giá trị khi gia nhập thị trường lao động”.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn trong giờ học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn trong giờ học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Theo thầy Tư, thực tế việc nhiều sinh viên bị cho thôi học là câu chuyện rất bình thường hiện nay, đó là quá trình chọn lọc để cho ra thị trường những nhân sự đáp ứng tốt nhu cầu lao động của xã hội hiện nay. Vậy nên, người học cũng cần phải hiểu rõ rằng, vào đại học là một chuyện khó, nhưng ra khỏi trường đại học hiện nay càng khó hơn nhiều.

Cũng theo thầy Tư, việc nhiều sinh viên bị buộc thôi học không chỉ ảnh hưởng đến trực tiếp người học mà còn khiến các trường rất khó khăn.

Khi các sinh viên bị buộc thôi học sẽ ngốn rất nhiều “tài nguyên trí tuệ” của các trường, cũng như các hoạt động đầu tư và trang bị cho sinh viên khi vào học nhưng không thể giúp người học đi hết hành trình đại học, làm ảnh hưởng đến độ chênh giữa đầu vào và đầu ra.

Không những vậy, việc này còn khiến người học mất thời gian, công sức và tiền của khi đặt những lựa chọn nghề nghiệp tương lai chưa phù hợp, làm kéo dài thời gian hoàn thành chương trình học, có thể mất cơ hội nghề nghiệp tốt trong guồng quay của xã hội hiện đại.

Để khắc phục tình trạng này cho các trường đại học ở Việt Nam, thầy Tư cho rằng:

Thứ nhất, các trường trung học phổ thông nên tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh để bên cạnh việc được nghe thì các em nên được thấy, được thực nghiệm những nghề nghiệp mà các em dự kiến lựa chọn sau khi hoàn thành bậc học của mình.

Thứ hai, phụ huynh, học sinh cần ý thức rõ, phải chọn ngành học, bậc học đúng năng lực, sở trường và nỗ lực không ngừng vì mục tiêu nghề nghiệp mình chọn vì không có sự lựa chọn nào là tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất.

Phụ huynh cũng nên hiểu rằng không nên ép hay giúp con chọn trường, chọn ngành để học theo ý mình mà hãy để con trẻ được quyền tự lựa chọn theo năng lực, và hãy là người bạn đồng hành thông minh cùng con khi chọn nghề.

Thứ ba, các trường đại học, cao đẳng cũng cần tăng cường các chương trình định hướng ngành học rõ ràng, chi tiết, để làm sao cho người học thấy được mặt trái của từng ngành học bên cạnh sự hào nhoáng bề ngoài.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng còn cần cho người học thấy rõ được lộ trình đào tạo, những khó khăn các em cần trải qua với mỗi ngành học, bậc học để có thể hình dung thật rõ và có giải pháp xây dựng lộ trình học tập phù hợp với chính mình.

Cũng theo Thạc sĩ Cao Quảng Tư, hiện Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng có tình trạng sinh viên bị cảnh cáo học vụ, cũng có em không thể hoàn thành chương trình đào tạo, nhưng tỷ lệ này không cao.

“Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn là môi trường quốc tế, do vậy, chúng tôi luôn cố gắng có giải pháp phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và sinh viên.

Trường luôn có những cảnh báo, nhắc nhở rất sớm khi sinh viên có dấu hiệu có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập, chứ không phải vi phạm rồi mới xử lý. Việc thông tin kịp thời giữa 3 bên là nhà trường - gia đình và sinh viên đã giúp chúng tôi hạn chế rất lớn tình trạng sinh viên bị buộc thôi học”, thầy Tư nói.

Cũng bình luận về thực trạng trên, thầy Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho hay, thông thường các em bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học là do vi phạm các quy định của nhà trường, đối với Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ thì thực trạng trên xảy ra do một số lý do như sau:

Trường hợp các bạn sinh viên năm cuối đến hạn ra trường nhưng còn thiếu chứng chỉ đầu ra ngoại ngữ, trường cũng tạo điều kiện để các bạn có thêm thời gian ôn luyện và thi đạt chứng chỉ này.

Tuy nhiên, có một số bạn lại quyết định đi làm luôn chứ không nộp chứng chỉ đầu ra ngoại ngữ nữa nên trường đã buộc phải thôi học số lượng sinh viên đó. Trong 2 năm gần đây số lượng các bạn bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học vì lý do này nhờ các biện pháp khắc phục của trường nên đã giảm được đáng kể.

Các bạn sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong buổi hỗ trợ nhập học đầu khóa (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Các bạn sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong buổi hỗ trợ nhập học đầu khóa (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Bên cạnh đó, đa số trường hợp các bạn sinh viên năm nhất của trường bị cảnh báo học vụ do có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm năm đầu khi các em xảy ra tình trạng như vậy, trường cũng vận động, giúp đỡ các em làm hồ sơ xin gia hạn và hỗ trợ vay vốn học tập từ phía ngân hàng hay các quỹ khuyến học từ các tổ chức xã hội.

Đặc biệt, đối với những em có năng lực học tập tốt thì trường cũng tạo các quỹ học bổng hàng năm hoặc kêu gọi học bổng từ phía các doanh nghiệp cho các em được đảm bảo đủ điều kiện tham gia học.

Mặt khác, theo thầy Hiếu, việc buộc thôi học cũng có thể do nhiều em khi lên đại học vì học xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình nên đã bị chạy theo cám dỗ từ các tệ nạn xã hội như các tổ chức tín dụng đen hay đa cấp,... khiến các em bị thiếu tập trung vào học tập, điểm thấp, nghỉ học nhiều.

Thầy Hiếu cho rằng, việc các trường cho thôi học một số lượng lớn sinh viên mỗi năm như vậy có thể để tránh ảnh hưởng đến quy mô tuyển sinh của những năm tiếp theo do nhiều trường hợp cảnh báo học vụ bị kéo dài.

Tuy nhiên, vấn đề này đã gây ra ảnh hưởng lớn về người học, gia đình và quan trọng hơn là nguồn nhân lực cho xã hội. Do vậy, để hạn chế được tình trạng trên, thầy Hiếu cũng mong muốn:

Về phía nhà trường, cần phải thực hiện công tác sinh hoạt đầu khóa cho sinh viên kỹ lưỡng, nghiêm túc như các quy định về học tập, học vụ, trách nhiệm của sinh viên; phải mời các chuyên gia từ phía ban ngành liên quan báo cáo thực tế, trao đổi về những tệ nạn xã hội cũng như cách giải quyết để sinh viên nắm được.

Về phía cố vấn học tập, cần phải tạo kết nối chặt chẽ với người học, khi sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1 cần phải có kế hoạch khắc phục cũng như đưa ra những lời khuyên, chia sẻ hỗ trợ cho các em.

Như Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ mỗi tháng đều tổ chức buổi họp cố vấn học tập vào thứ 4 của tuần bốn hàng tháng để cùng nhau đưa ra những khó khăn, thuận lợi, những vấn đề nào chưa giải quyết được để đưa ra phương hướng kịp thời cho sinh viên.

Về phía người học, cần hiểu rằng bản thân đã là những công dân đủ 18 tuổi, phải có trách nhiệm với bản thân, nắm được những việc nào nên làm và không nên làm, không được để các tệ nạn xã hội “dụ dỗ” làm ảnh hưởng đến việc học tập, tương lai.

Khánh An