Vào thời điểm tháng 3/2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã gửi kiến nghị của cử tri tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần xem xét, quy định thống nhất sử dụng một bộ sách giáo khoa cho từng lớp học trong phạm vi cả nước. [1]
Tiếp đến, tại phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 5/7/2022, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng mỗi trường, mỗi quận, huyện lựa chọn 1 bộ sách gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. [2]
Liên quan đến việc đề xuất mỗi lớp học, cấp học dùng một bộ sách giáo khoa để tránh lãng phí hay cả nước thống nhất một bộ sách giáo khoa, người viết có đôi điều xin chia sẻ.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
Thứ nhất, đề xuất mỗi cấp học dùng một bộ sách giáo khoa để tránh lãng phí là đi ngược lại Nghị quyết của Quốc hội và các Thông tư của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Ngày 28/11/2014, Quốc hội ra Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. [3]
Nghị quyết có một số nội dung như sau: "Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo."
Cùng với đó, Điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định sách giáo khoa giáo dục phổ thông như sau: "Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật; Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo." [4]
Bên cạnh đó, ngày 30/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. [5]
Điều 2 quy định nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa: "Lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu sách giáo khoa; Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật."
Điều 3 quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa: "Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông."
Ngoài ra, ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. [6]
Điều 10 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: "Quyết định thành lập Hội đồng; hằng năm thành lập mới Hội đồng, đảm bảo có ít nhất 1/3 (một phần ba) số thành viên đã tham gia các Hội đồng những năm trước đó.
Căn cứ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa quy định tại Điều 3 của Thông tư này, quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật."
Thứ hai, đã từng có một số ý kiến cho rằng, năm nay đã chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản nào thì năm sau phải tiếp tục chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản đó nhằm giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy.
Tuy vậy, người viết nhận thấy, mỗi bộ sách giáo khoa đều có những ưu - khuyết điểm riêng, không bao giờ có chuyện hoàn hảo. Năm nay sách của nhà xuất bản này tốt nhưng năm sau có thể không, rất khó để chọn đồng nhất một bộ sách giáo khoa cho cả một cấp học.
Hơn nữa việc đề nghị mỗi cấp học thống nhất dùng một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học là trái với Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT quy định quy trình lựa chọn sách giáo khoa bắt đầu từ tổ chuyên môn, sau đó người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng. [7]
Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Điều này nhằm tránh tình trạng không có sách giáo khoa xã hội hóa đạt yêu cầu để phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Khoản kinh phí nhà nước dự kiến cho việc biên soạn sách là 16 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới). [8]
Tuy nhiên, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, được đại biểu Quốc hội thông qua ngày 19/6/2020, khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó.[9]
Như thế, theo Nghị quyết này, Giáo dục và Đào tạo không cần biên soạn sách khi công tác xã hội hóa sách giáo khoa được triển khai tốt, đảm bảo đủ sách đạt yêu cầu cho học sinh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/ban-doc/bo-gddt-len-tieng-ve-de-nghi-chi-su-dung-1-bo-sgk-chung-cho-ca-nuoc-885530.ldo
[2] https://vietnamnet.vn/ha-noi-de-nghi-dung-mot-bo-sach-giao-khoa-duy-nhat-cho-moi-cap-hoc-2036776.html
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx
[4] https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html
[5] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-01-2020-tt-bgddt-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-180213-d1.html
[6] https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1360
[7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-01-2020-TT-BGDDT-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-433598.aspx
[8] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx
[9] https://www.vietnamplus.vn/bo-giao-duc-se-khong-can-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa/647843.vnp
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.