Bắt đầu từ năm học 2021-2022, Bộ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và năm học 2022-2023 triển khai cuốn chiếu đến lớp 7, lớp 10 nên giáo viên và học sinh đang bắt đầu làm quen với mục tiêu, phương pháp và định hướng của chương trình mới.
Hàng loạt thay đổi bắt buộc giáo viên và học sinh phải làm quen nên về cơ bản cả thầy và trò đều rất áp lực, nhất là học sinh gần như phải thực hiện các nhiệm vụ học tập trước khi học bài mới theo hướng dẫn của 5512/BGDĐT-GDTrH.
Đối với môn Ngữ văn với rất nhiều thay đổi khi các bài học được bố trí theo các chủ đề nhằm trang bị cho học sinh các kĩ năng đọc, thực hành, viết, nói và nghe.
Phần văn học sử không còn; lý luận văn học cũng đã bỏ; phần tìm hiểu tác giả, xuất xứ tác phẩm văn học không còn được xem trọng; lý thuyết tiếng Việt cũng chỉ đề cập tri thức (khái niệm) ở đầu chủ đề và yêu cầu học sinh thực hành ngay bài tập.
Bên cạnh đó, ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” khiến cho thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học, cũng như trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Dịch vụ đề kiểm tra Ngữ văn đang nở rộ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Liệu có vội vàng khi yêu cầu không lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu đề Ngữ văn?
Khi thực hiện chương trình 2018 ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cùng với thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến cho nhiều giáo viên lúng túng.
Hàng loạt dịch vụ được ra đời nhằm hỗ trợ giáo viên giảng dạy các môn học của chương trình mới, trong đó có môn Ngữ văn. Nhiều tác giả sách giáo khoa cũng viết sách kế hoạch bài dạy (giáo án) để bán ra thị trường. Trên các trang mạng xã hội, hàng chục nhóm giáo viên được lập ra chỉ nhằm mục đích duy nhất là bán giáo án cho giáo viên.
Kế hoạch bài dạy (giáo án) dài, nặng khiến giáo viên không có thời gian làm hay nói đúng hơn là nhiều giáo viên không có khả năng để soạn giáo án này. Bởi lẽ, nó hình thức là một phần, một phần không kém phần quan trọng nữa là môn học có nhiều tác phẩm văn học mới mà không dễ gì tất cả giáo viên đều cảm được để soạn ra giáo án cho riêng mình.
Vì thế, có không ít giáo viên phải mua giáo án, mua tài liệu hỗ trợ cho giảng dạy- đó là một thực tế không thể phủ nhận được. Việc đọc một tác phẩm văn học mà hiểu được nội dung, nghệ thuật, thể loại, phương thức biểu đạt, các tuyến nhân vật đến chia ra các hoạt động dạy học là cả một chặng đường dài. Đó là những giáo viên dạy Ngữ văn- những người có ít nhất là 4 năm đại học học chuyên ngành Ngữ văn, nhiều thầy cô đã dạy Văn nhiều năm, có người mấy chục năm trời còn cảm thấy khó khi tiếp cận một số tác phẩm mới.
Thế nhưng, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” như một mệnh lệnh, không tập huấn, không hướng dẫn chi tiết cho giáo viên thì có khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Một bộ phận không nhỏ giáo viên Ngữ văn hiện nay không có khả năng tự ra được một đề Ngữ văn hoàn chỉnh cho đúng lớp mình dạy- kể cả đề theo cấu trúc cũ chứ chưa nói là đề theo cấu trúc mới hiện nay.
Nhiều đề Ngữ văn hiện nay là được nhân bản, hoặc chỉnh sửa từ các bộ đề trong sách tài liệu hoặc những đề trôi nổi trên mạng internet rồi chỉnh sửa thành đề của mình.
Một số giáo viên xin đề của trường khác, địa phương khác để nộp cho nhà trường khi được phân công ra đề kiểm tra định kỳ còn chưa xóa hết tên trường bạn trên đề kiểm tra.
Ngay cả đề của chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo ra nhiều khi cũng còn vô vàn những sai sót, cũng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mà họ là những người phụ trách môn học, đứng ra tập huấn cho giáo viên.
Vì thế, việc yêu cầu học sinh phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 có thể phân tích một bài thơ, một truyện ngắn ngoài sách giáo khoa có phần khiên cưỡng vì các em hoàn toàn bị động khi tiếp cận với đề, với tác phẩm văn học hoàn toàn xa lạ.
Sẽ có học sinh thẩm thấu, cảm nhận được nhưng sẽ rất ít, đa phần học sinh sẽ không làm được bài- nếu áp dụng đúng tinh thần của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.
Bởi vì, ngay cả khi ra những tác phẩm trong sách giáo khoa đã học đi, ôn lại nhiều lần mà khi học sinh làm bài còn bỏ trắng thì việc lấy ngữ liệu mới là một thách thức không nhỏ đối với học sinh phổ thông và ngay cả với giáo viên phổ thông đang dạy Ngữ văn.
Bộ nên có lộ trình và hướng dẫn chi tiết
Chúng tôi cho rằng việc Bộ chủ trương “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” là đúng, phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Ban phát triển chương trình đã đề ra.
Bởi lẽ, đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì “chương trình” mới là pháp lệnh; sách giáo khoa chỉ là “tư liệu” mà thôi. Việc hiện nay ngành giáo dục đang có tới 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã nói rõ điều này.
Sách giáo khoa nào cũng được, vì mục tiêu cần đạt đã thể hiện rõ ở chương trình môn Ngữ văn nhưng không phải giáo viên nào cũng đã đọc hết chương trình môn học Ngữ văn và có sự nghiền ngẫm thấu đáo.
Chính vì thế, để thực hiện đánh giá, kiểm tra môn Ngữ văn ở các trường phổ thông theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH cần phải có một lộ trình và làm dần dần chứ không thể thay đổi một lúc được.
Đề Ngữ văn hiện nay có 2 phần là “đọc hiểu” và “viết” mà cả 2 phần đều không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa nhưng lấy từ đâu thì Bộ không nói, không hướng dẫn gì thêm.
Trong phần tập huấn đề Ngữ văn kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận mà Bộ tập huấn cho các địa phương thì có đề minh họa nhưng sau khi báo chí lên tiếng thì Vụ Giáo dục Trung học khẳng định: “Không có văn bản nào hướng dẫn hoặc chỉ đạo việc bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn…
[…]Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT”. [1]
Đề minh họa thì Bộ chưa công bố, tập huấn cho giáo viên thì dưới cơ sở cũng chưa thấy. Vì thế, có trường giáo viên làm được và có trường giáo viên làm chưa được, mạnh ai nấy làm và tất nhiên sẽ có sai sót, hạn chế.
Nếu như Vụ Giáo dục Trung học không có kế hoạch tập huấn; không có hướng dẫn cụ thể về việc lấy ngữ liệu như thế nào; không thống nhất hình thức ra đề kiểm tra Ngữ văn; không có đề minh họa thì rất khó trong chỉ đạo, điều hành.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.