Với ChatGPT, Bộ GD sẽ nghiên cứu hành lang pháp lý đảm bảo đạo đức học thuật

13/02/2023 15:08
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Về mặt quản lý nhà nước, cần có công cụ, chính sách gì, Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo, tạo hành lang pháp lý đảm bảo đạo đức học thuật”.

Chiều ngày 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Tọa đàm có sự sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng một số nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, sự ra đời của những công nghệ mới, công cụ mới đều giúp cho công việc của chúng ta trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.

Trong thời kỳ Covid-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu.

Trước kia, ngành giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, có câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ,nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Cuối cùng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều giúp cho, không chỉ ngành giáo dục, mà đặc biệt ngành giáo dục có những bước tiến lớn.

Với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, chắc chắn trong chúng ta đây ai cũng có trải nghiệm ở mức độ khác nhau, nhất định, và đều có tâm lý hào hứng với công cụ này.

Để nhìn rõ bản chất về nó, đứng từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ, và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung; cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này. Tọa đàm hôm nay để chúng ta từng bước làm rõ những vấn đề này.

Chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Và đặc biệt quan trọng đây là vai trò cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học, và ngày càng hướng tới quá trình dạy và học, hướng tới người học nhiều hơn là người dạy.

ChatGPT sẽ giúp thông minh hóa và cá thể hóa quá trình học tập

Chia sẻ bên lề tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trước đây, chúng ta đã có nhiều học liệu trên không gian mạng nhưng với sự xuất hiện của ChatGPT, đây là lần đầu chúng ta được chứng kiến, tài liệu đó không phải được cung cấp ở dạng thô mà là dạng thông tin, kiến thức đã được chắt lọc, tổng hợp, phân tích,... Điều này sẽ giúp ích nhiều cho người học và người thầy.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Người học mất ít thời gian hơn trong việc tìm kiếm nguồn tri thức chứ không đơn thuần chỉ là tìm kiếm thông tin, người thầy qua đó sử dụng những công cụ này như những trợ lý của mình để xây dựng bài giảng, để có hướng tiếp cận tốt hơn với người học.

Như vậy, quá trình dạy và học sẽ diễn ra hiệu quả hơn, nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng hơn.

Trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng sẽ giúp thông minh hóa và cá thể hóa quá trình học tập.

"Trước kia, một người thầy giảng dạy cho một vài chục học sinh, ngoài ra có hướng dẫn riêng cho từng học sinh, sinh viên, nhưng khi có công cụ này, người học có thể sử dụng nó như một gia sư riêng, một người thầy riêng cho người học.

Tất nhiên, công cụ này có thể không sát sao như một người thầy, nhưng cung cấp được cho người học nhiều kiến thức toàn diện từ những lĩnh vực khác nhau. Quan trọng nhất là người học có thể học hỏi bất cứ lúc nào, trong bất cứ lĩnh vực nào", Thứ trưởng cho hay.

Bàn về những thách thức với người thầy trước sự xuất hiện của ChatGPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong lịch sử đã có xuất hiện của nhiều công nghệ mới hay sự ra đời của công nghệ dạy học trực tuyến, người thầy phải làm sao để tận dụng được tốt những công cụ này.

Khi có những công cụ giúp mình thực hiện những nhiệm vụ bình thường mất nhiều thời gian, người thầy có thể tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn, để làm sao nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh đến việc điều chỉnh hoạt động kiểm tra đánh giá người học.

“Chúng ta phải nói quá trình dạy học trước, rồi đến kiểm tra, đánh giá. Việc học là quan trọng, kiểm tra đánh giá cũng để phục vụ việc học chứ không phải là quá trình riêng biệt.

Lợi ích của ChatGPT mang lại là tăng năng suất, chất lượng quá trình dạy và học. Kiểm tra đánh giá sẽ phải thay đổi điều chỉnh, có nhiều cách để thay đổi, thời gian tới, các chuyên gia giáo dục sẽ đưa ra nhiều giải pháp trong hoạt động kiểm tra, đánh giá người học.

Và hiện nay chúng ta đã đổi mới phương pháp dạy và học, hướng tới phát triển năng lực người học, nên kiểm tra đánh giá sẽ tập trung vào năng lực người học thay vì kiểm tra kiến thức, đó cũng là cách chúng ta đã tiến hành”, Thứ trưởng khẳng định.

Về vấn đề đảm bảo đạo đức học thuật, chống đạo văn trước sự hiện diện của ChatGPT, Thứ trưởng khẳng định, các trường đại học chắc chắn sẽ có những quy định, quy chế cụ thể.

Về mặt vĩ mô, về quản lý nhà nước, cần có công cụ gì, cần có chính sách gì, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu thấu đáo để tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo vấn đề đạo đức học thuật.

Và kể cả khi chưa có hành lang pháp lý đó thì các trường đại học, các trường phổ thông cũng có thể xây dựng những quy định, quy chế riêng để hạn chế những tác động tiêu cực.

Phạm Minh