Căn cứ Quyết định số 2453/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Kế hoạch số 3285/KH-SGD&ĐT ngày 02/12/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình về việc giúp đỡ các xã Mường Chiềng, Giáp Đắt huyện Đà Bắc giai đoạn 2021-2025;
Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch giúp đỡ các xã Mường Chiềng, Giáp Đắt huyện Đà Bắc năm 2023 với nhiều hoạt động cụ thể.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc, cấp ủy, chính quyền các xã Mường Chiềng, Giáp Đắt thực hiện các giải pháp cụ thể như:
Về kinh tế - xã hội
Trực tiếp làm việc, tìm hiểu, nắm tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự và tâm tư nguyện vọng của người dân trên địa bàn các xã. Từ đó tổ chức các hoạt động giúp đỡ nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn các xã.
"Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, trang bị tài liệu cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn các xã về pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình… nhằm giảm tỷ lệ số hộ gia đình vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng sinh con thứ 3… tại các hộ dân trên địa bàn, góp phần tăng tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa…
Cán bộ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Pà Cò (Mai Châu) tới từng gia đình tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn cho trẻ vị thành niên. (Ảnh: Thu Thủy) |
Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động y tế trong các đơn vị trường học, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập và rèn luyện", Sở Giáo dục nêu.
Bên cạnh đó là giúp đỡ các xã xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục theo các tiêu chí về nông thôn mới và chỉ đạo các nhà trường đổi mới quản lý, các hoạt động dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo.
Nâng cao hoạt động giáo dục
Trang bị tài liệu, hướng dẫn thực hiện chương trình, tập huấn, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với văn hóa và điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ em, học sinh.
Tiếp tục thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 và Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025”. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức các đợt dự giờ, tư vấn, giúp đỡ giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học của các nhà trường.
Tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; đa dạng các hình thức tư vấn, hướng nghiệp, gắn nội dung giáo dục hướng nghiệp với thực tiễn địa phương. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động nhằm định hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nâng cao hoạt động của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đà Bắc, các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn; đa dạng hóa các hình thức học tập, mở rộng việc dạy học văn hóa kết hợp với dạy nghề và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục khởi nghiệp tại cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Tiếp tục tham mưu huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ các chương trình, dự án để hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch.
Thăm hỏi, tặng quà
Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong nhân dân; cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Tiếp tục xây dựng và sử dụng hiệu quả “Tủ sách pháp luật”, phối hợp xây dựng các thư viện nhà trường và tổ chức hoạt động có hiệu quả. Vận động quyên góp kinh phí, sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho các em học sinh.
Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… tổ chức thăm hỏi, tặng quà, ủng hộ cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó… nhằm động viên khích lệ tinh thần cán bộ, nhân dân trong xã tạo không khí vui tươi, phấn khởi hăng say lao động sản xuất.
Tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, an ninh, quốc phòng trên các xã và các hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường sự hiểu biết, tạo thêm tình cảm gắn bó, củng cố niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước.
Sở Giáo dục cho hay, 2 tổ công tác được phân công sẽ giúp đỡ tiến hành làm việc, khảo sát cụ thể tại xã; xây dựng kế hoạch giúp đỡ năm 2023 để tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả 6 tháng (trước ngày 10/6) và báo cáo kết quả năm (trước ngày 10/11) về Văn phòng Sở tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ban Dân tộc theo quy định.