Sở GD Phú Thọ ngăn chặn tình trạng “nạn” làm đẹp học bạ bằng cách nào?

09/03/2023 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc Tổ chuyên môn ra đề kiểm tra học kỳ chung cho toàn trường cũng nhằm hạn chế tình trạng giáo viên bộ môn nâng đỡ, làm đẹp học bạ cho học sinh.

Kiểm tra học kỳ được ví như một kỳ thi “sát hạch”, đánh giá quá trình học tập của học sinh, chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề kiểm tra học kỳ chung, hay nhà trường tự chủ ra đề thì đều hướng tới mục tiêu đánh giá đúng, xếp loại chuẩn năng lực học trò.

Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, việc tổ chuyên môn của các trường ra đề kiểm tra học kỳ chung cho toàn trường cũng nhằm hạn chế tình trạng giáo viên bộ môn nâng đỡ, làm đẹp học bạ cho học sinh.

Buổi sinh hoạt của học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê. (Ảnh: facebook nhà trường).

Buổi sinh hoạt của học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê. (Ảnh: facebook nhà trường).

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Kim Chung – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, việc kiểm tra kết quả học tập cuối kỳ, giữa kỳ của học sinh hiện do các trường tự chủ xây dựng và đánh giá trên cơ sở bám sát văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Còn Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức thi, ra đề chung kỳ thi khảo sát chất lượng cho lớp 12.

Lý giải việc Sở không ra đề kiểm tra cuối, giữa kỳ chung áp dụng cho các trường, vị này cho biết, do thực tế mỗi trường có nhiều đối tượng học sinh với trình độ, vùng miền khác nhau. Đối với khối 12, trong các năm học gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường chỉ đạo quán triệt việc ôn thi tốt nghiệp trên cơ sở phân tích điểm khảo sát chất lượng học sinh với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 2 lần/năm học thi khảo sát tất cả các môn đối với học sinh khối 12 với hình thức như thi tốt nghiệp trung học phổ thông gồm: yêu cầu xếp số báo danh, phòng thi, coi thi...

Liên quan đến "chiến lược" ngăn chặn “nạn” làm đẹp học bạ, ông Chung cho biết, nếu trường nào để xảy ra tình trạng chênh lệch giữa điểm kiểm tra với điểm tốt nghiệp trung học phổ thông thì Sở sẽ có phương án đánh giá việc chấm điểm học sinh của trường. “Việc này, lãnh đạo Sở đã họp, quán triệt chỉ đạo đến hiệu trưởng trường trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh ngay từ đầu năm học” – ông Chung chia sẻ.

Cũng theo ông Chung, để kiểm tra cuối, giữa kỳ đạt hiệu quả khách quan thì không phải giáo viên dạy lớp nào, môn nào cũng vừa ra đề, vừa chấm điểm cho lớp, môn đó, mà hiện các trường trung học phổ thông có tổ chuyên môn làm nhiệm vụ ra đề chung. Điều này góp phần đảm bảo tính khách quan trong quá trình chấm điểm học sinh, tránh nguy cơ giáo viên nể nang, làm đẹp học bạ.

Trước đây, giáo viên dạy lớp nào thì chủ động ra đề và chấm thi lớp đó, một số ít giáo viên cho học sinh đi học thêm được phụ đạo trước nội dung đề kiểm tra. Song, hình thức kiểm tra hiện nay đổi mới, đòi hỏi bao quát nhiều mảng kiến thức nên việc ra đề kiểm tra phải đảm bảo khách quan, công tâm, đánh giá đúng năng lực.

Trực tiếp tham gia giảng dạy, xây dựng đề, chấm điểm bài kiểm tra, cô Bùi Thị Hương Giang – giáo viên dạy môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho biết, Sở không ra đề chung cho các trường trong kiểm tra cuối kỳ hay giữa kỳ mà sẽ do giáo viên chủ động đảm trách xây dựng, lãnh đạo trường phê duyệt và áp dụng đề chung cho học sinh toàn trường.

Cụ thể, giáo viên ra đề kiểm tra học kỳ và nộp cho lãnh đạo nhà trường tiến hành xét duyệt. Đề kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được áp dụng cho học sinh toàn trường làm chung đề, chung thời điểm.

Cùng chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Tạ Minh Đức – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Việc đánh giá học sinh bao gồm điểm thường xuyên, điểm định kỳ và cuối kỳ. Hiện, kiểm tra đánh giá học sinh đều do nhà trường ra đề và chấm điểm theo đúng tinh thần hướng dẫn, chỉ đạo hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo về đánh giá kiểm tra theo định hướng đổi mới, phát triển năng lực học sinh”.

Thạc sĩ Tạ Minh Đức cho rằng, việc tổ chức kiểm tra học kỳ đối với học sinh bậc trung học phổ thông sử dụng đề chung của Sở hay của trường xây dựng thì đều hướng tới mục đích đảm bảo chất lượng đánh giá năng lực học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Việc làm đẹp điểm số, “đánh bóng” học bạ của học sinh sẽ không thể len lỏi nếu nhà trường, giáo viên nghiêm túc, chặt chẽ thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá.

“Sở giao cho các trường chủ động trong kiểm tra đánh giá học sinh trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Sở. Do đó, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Sở, nhà trường thống nhất nội dung, sau đó, tổ chuyên môn tiến hành ra đề kiểm tra từng môn, áp dụng cho từng khối lớp.

Nhìn vào phổ điểm các năm cho thấy, giữa điểm cuối kỳ I và cuối kỳ II không có chênh lệch lớn. Điểm kiểm tra thường xuyên so với điểm định kỳ và cuối kỳ tương đối sát với chất lượng học tập của học sinh. So sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh không có dấu hiệu bất thường.

Cũng theo tôi được biết, vài năm gần đây, tỷ lệ chênh giữa điểm học bạ với điểm tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh xếp vào top những tỉnh có độ chênh lệch ít. Đối với nhà trường, một số học sinh có điểm bài thi tốt nghiệp cao hơn điểm trung bình của môn học đó ở trung học phổ thông”, Thạc sĩ Tạ Minh Đức chia sẻ.

Ngọc Mai