Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ với hiệu trưởng: Tránh bè phái hạ bệ nhau

12/03/2023 06:32
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cần tránh chuyện lấy phiếu tín nhiệm để hạ bệ lẫn nhau.

Theo quy định hiện hành, việc lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục được thực hiện vào cuối nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, đề xuất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những trường hợp cán bộ quản lý trong thời gian công tác có giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục.

Dự kiến lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ

Theo thông tin do ông Tống Phước Lộc – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đổi mới giáo dục hiện đang là yêu cầu cấp thiết của toàn ngành, và cán bộ quản lý phải là những người tiên phong, có đức, có tài. Từ đó mới tạo ra “lửa” đổi mới trong các nhà trường.

Điều này chỉ thực hiện được khi cán bộ quản lý phải xây dựng môi trường để giáo viên được lắng nghe, đóng góp, chia sẻ. Việc kỷ luật phải khách quan, kịp thời, công tâm, có hiệu quả.

Ảnh minh họa: nguồn: hcm.edu.vn

Ảnh minh họa: nguồn: hcm.edu.vn

Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với cán bộ quản lý giảm sút về uy tín, có dư luận xấu gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, của ngành.

Để được bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý phải đảm bảo đủ các điều kiện như: hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm bổ nhiệm lại; cơ quan, tổ chức có nhu cầu về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

Cần tránh việc thiếu khách quan, phân bè phái để hạ bệ nhau

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, mỗi nhiệm kỳ của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục là 5 năm.

Sau 5 năm thì cơ sở giáo dục sẽ làm quy trình tái bổ nhiệm nếu đủ điều kiện, còn không thì ngược lại là những cán bộ quản lý này sẽ không được tái bổ nhiệm nữa, mà sẽ bố trí công việc khác phù hợp hơn.

Để đủ điều kiện để tái bổ nhiệm, nhà trường sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của tập thể thông qua bỏ phiếu kín.

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Văn Ngai nói rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất phương án lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với cán bộ quản lý có dư luận xấu kéo dài, giảm sút uy tín, hoặc không điều hành công việc hiệu quả là điều nên làm.

Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động thực tiễn tại các trường học cho thấy, không nhất thiết phải đợi đến hết nhiệm kỳ 5 năm để lấy phiếu tín nhiệm. Nếu trong quá trình làm việc, cán bộ quản lý có những sai phạm, điều tiếng thì có thể tiến hành lấy phiếu tín nhiệm ngay để xem xét.

Trên cơ sở đó, tùy theo từng mức độ mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ở vai trò cơ quan quản lý) sẽ có những nhắc nhở, uốn nắn để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa với những lỗi nhỏ, không nghiêm trọng.

Nếu mức độ nghiêm trọng, số phiếu tín nhiệm quá thấp, cán bộ quản lý không còn đủ uy tín…Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp như kỷ luật, điều chuyển công tác hay cho thôi giữ chức vụ.

Như vậy, ngay từ giữa nhiệm kỳ thì các vấn đề khúc mắc của cán bộ quản lý đã được giải quyết, tránh kéo dài quá lâu, gây mất đoàn kết nội bộ. Chưa kể, điều này cũng sẽ giúp cán bộ quản lý nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác, tránh sự ỷ lại trong tư tưởng vì cho rằng đã “chắc ghế”.

Tuy nhiên, thầy Ngai cũng nhận định, quan trọng nhất của việc này là phải giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhận ra hạn chế, khuyết điểm của mình để thay đổi, sửa chữa, tạo cơ hội để cho họ phấn đấu sau này.

“Để làm được điều đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phải có phương án, các quy định rõ ràng, chặt chẽ, thấu đáo. Sở cũng cần đề xuất với các cơ quan có liên quan của thành phố để được phê duyệt, lên phương án xin thí điểm thực hiện. Có như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ mới hiệu quả, tránh sai sót, khiếu kiện, khiếu nại” – thầy Nguyễn Văn Ngai cho biết.

Một vấn đề quan trọng khác có thể phát sinh theo thầy Ngai, đó chính là mặt tiêu cực của sự việc. Có rất nhiều lo ngại cho rằng, ở những tập thể không có sự đoàn kết, có sự chia bè kết phái, cố ý moi móc sai sót để hạ bệ cán bộ quản lý thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có thể không khách quan, thiếu chính xác.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và chức vụ của cán bộ quản lý, vì có thể làm tốt nhưng vì những tác động không mong muốn, phiếu tín nhiệm vẫn thấp.

Từ lo ngại này, thầy Ngai nói, với việc lấy phiếu tín nhiệm thì còn cần tiếng nói, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường. Các tổ chức này phải có chức năng giám sát, thực hiện một cách công tâm với người lấy phiếu tín nhiệm là cấp trưởng.

Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm là cấp phó, thì ngoài tổ chức Đảng, đoàn thể, cấp trưởng phải có trách nhiệm.

Do vậy, thầy Nguyễn Văn Ngai đề nghị cấp trên cần có hướng cụ thể, để giải quyết cho thấu đáo, tránh thực hiện việc này rập khuôn và máy móc. Phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải xem xét vấn đề cẩn trọng, để tránh một số cá nhân lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để hạ bệ lẫn nhau.

Việt Dũng