Năm học 2022 – 2023 là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước nói chung và tại thành phố Hải Phòng nói riêng.
Trong đó, nội dung giáo dục địa phương là môn học mới hướng tới trang bị cho học sinh kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lý cũng như cập nhập thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương nơi học sinh đang sinh sống và học tập.
Quá trình triển khai một môn học hoàn toàn mới bao hàm nhiều chủ đề kiến thức mang đến không ít khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục.
Nhằm tạo cơ hội cho giáo viên trao đổi, rút kinh nghiệm về việc tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương, chiều ngày 21/3, Uỷ ban nhân dân huyện An Dương (Hải Phòng) đã tổ chức Chuyên đề giáo dục địa phương – An Dương, nét đẹp nghề truyền thống.
Uỷ ban nhân dân huyện An Dương tổ chức Chuyên đề giáo dục địa phương – An Dương, nét đẹp nghề truyền thống (Ảnh: Phạm Linh) |
Tham dự chuyên đề, ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ghi nhận trong năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục huyện An Dương đã tích cực tổ chức nhiều chuyên đề về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với sự tham gia của các cán bộ quản lý, giáo viên tại quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.
Ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Phạm Linh) |
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh: “Tài liệu giáo dục địa phương là một trong những điểm đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm giúp cho học sinh từ lớp 1 cho tới lớp 12 sau khi hoàn thành chương trình phổ thông sẽ có những hiểu biết nhất định về quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên; về các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, địa lý, lịch sử và truyền thống đặc biệt là các làng nghề mà ngày hôm nay chuyên đề tổ chức.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương nên đây cũng là dịp để tác giả được chứng kiến sản phẩm mình viết ra được các đơn vị tổ chức triển khai như thế nào.
Tham dự chuyên đề, các thầy cô giáo cũng thấy được sự đổi mới về phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh trong đó giáo viên sử dụng kỹ thuật dạy học khác nhau như kỹ thuật dạy học bể cá, kỹ thuật “chạm”, sơ đồ tư duy, dạy học dự án,…
Đồng thời cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm về việc tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương như thế nào”.
Huyện An Dương triển khai dạy tài liệu giáo dục địa phương như thế nào?
Theo ông Vũ Mạnh Hùng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương, để tháo gỡ khó khăn trong những năm đầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục huyện đã triển khai thống nhất các yêu cầu về chuyên môn đối với từng môn học.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thảo sinh hoạt chuyên môn theo cụm, huyện để tạo cơ hội cho cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
Tiết dạy minh hoạ nội dung giáo dục địa phương của cô giáo Phạm Thị Tuyết Nhung cùng học sinh 3 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện An Dương (Ảnh: Phạm Linh) |
“Khi nghiên cứu nội dung giáo dục của địa phương lớp 6 và lớp 7, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm mới so với chương trình cũ như trước đây, các tiết học địa phương được đưa vào nhiều môn học với các nội dung như: Lịch sử địa phương gắn với môn Lịch sử; Địa lí địa phương gắn với môn Địa Lí; Ngữ văn địa phương gắn với môn Ngữ văn…
Đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nội dung thuộc 6 phân môn là: Ngữ văn; Lịch 2 sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân được gộp thành nội dung giáo dục địa phương có vị trí như một môn học.
Môn học này được phân bổ thời gian 35 tiết học/năm nhằm trang bị cho các em những hiểu biết căn bản về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường… của địa phương mình.
Đồng thời, qua việc học tập, các em được bồi dưỡng tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng nơi em sinh sống, kĩ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn tại gia đình, dòng họ, địa phương.
Tài liệu giáo dục địa phương Hải Phòng được xây dựng theo hướng tích hợp, chú trọng tính thực tiễn và vận dụng.
Do đó, đòi hỏi giáo viên phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, tổ chức các hoạt động học tập để tăng cường trải nghiệm thực tiễn cho học sinh.
Đối với cấp trung học cơ sở, tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng đã được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục từ năm học 2021 – 2022 đối với lớp 6 và đối với lớp 7 vào năm học 2022 – 2023 với 8 chủ đề (chủ đề thuộc các lĩnh vực: các vấn đề về văn hoá, lịch sử truyền thống của địa phương, các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương, các vấn đề chính trị - xã hội, môi trường của địa phương)”, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.
Trong chuyên đề giáo dục địa phương – An Dương, nét đẹp truyền thống, cô giáo Phạm Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Bắc Sơn cùng học sinh các Trường Trung học cơ sở Hồng Thái, Bắc Sơn và Đại Bản thực hiện tiết dạy minh hoạ tìm hiểu về làng nghề truyền thống.
Học sinh thuyết trình về đoạn phóng sự khi tham gia trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống ở địa phương (Ảnh: Phạm Linh) |
Tiết học thuộc chủ đề số 7 – “Nghề truyền thống ở Hải Phòng” trong tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 6.
Chủ đề này có 3 mục tiêu gồm: Học sinh kể tên được các nghề truyền thống ở Hải Phòng; lập và thực hiện được kế hoạch cho hoạt động; có ý thức giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.
Về cách thức tổ chức tìm hiểu, học sinh được chia làm 3 nhóm (Tân Thanh, Tiên Sa, Hà Liên) để thực hiện dự án tìm hiểu nghề trồng rau gia vị xã Đại Bản, nghề làm bánh Nòng xã Bắc Sơn và nghề mây tre đan, nghề trồng hoa cây cảnh xã Hồng Thái.
Học sinh sẽ được thăm quan, trải nghiệm thực tế tại những hộ dân đang duy trì nghề truyền thống. Chuyến đi này giúp học sinh có cơ hội được quan sát trực tiếp xem người dân ươm trồng, đan mây tre, làm bánh Nòng như thế nào; lý giải tại sao những sản phẩm này lại có nét đặc trưng khác biệt so với các địa phương khác.
Bên cạnh đó, học sinh còn được lắng nghe người dân trải lòng về ý nghĩa cũng như khó khăn khi giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.
Sau khi thu thập minh chứng, các nhóm học sinh hoàn thiện báo cáo dưới dạng bài thuyết trình, video phóng sự,…
Trong tiết học minh hoạ tại chuyên đề, học sinh 3 nhóm báo cáo hành trình trải nghiệm, thực nghiệm sản phẩm.
Học sinh thực nghiệm sản phẩm của làng nghề truyền thống (Ảnh: Phạm Linh) |
Học sinh hào hứng khi được tận tay làm các sản phẩm truyền thống của địa phương (Ảnh: Phạm Linh) |
Các sản phẩm của học sinh được đại diện hiệp hội làng nghề thành phố Hải Phòng chấm điểm để chọn ra đội xuất sắc nhất (Ảnh: Phạm Linh) |
Đồng thời, giáo viên cũng lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong tiết học khi yêu cầu học sinh dựa trên những trải nghiệm thực tế để đưa ra ý tưởng khởi nghiệp, phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Học sinh đã đóng góp nhiều ý tưởng sáng tạo như đưa bánh Nòng vào bản đồ “foodtour” của thành phố; sử dụng chất liệu tre, mây trong các làng nghề để thiết kế thời trang, nội thất hay phát triển các tour trải nghiệm làng nghề truyền thống trong tương lai.
Ý tưởng sử dụng chất liệu từ các làng nghề truyền thống để thiết kế thời trang (Ảnh: Phạm Linh) |
Xuyên suốt tiết học, cô giáo Tuyết Nhung đóng vai trò hướng dẫn còn học sinh sẽ chủ động thuyết trình báo cáo, tương tác cùng bạn học, các nhóm chấm điểm cho nhau trong hoạt động thực nghiệm sản phẩm dựa trên tiêu chí đánh giá báo cáo của giáo viên.