Giáo dục địa phương nên gọi là "tài liệu" hay "môn học"?

13/05/2023 06:38
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-PGS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh, Giáo dục địa phương phải có một vị trí xứng đáng, phải là một môn khoa học trong CT GDPT hiện hành.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng ở bậc Tiểu học, năm thứ 2 đối với bậc trung học cơ sở và năm thứ nhất đối với bậc trung học phổ thông nhưng ở nhiều nơi trên toàn quốc nói chung, tại thành phố Hà Nội nói riêng, việc triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Tại Hội thảo thảo Khoa học “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội – thực trạng và giải pháp” (do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức, các báo cáo tham luận đã chỉ ra những khó khăn khi thực hiện dạy và học nội dung Giáo dục địa phương từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đến nay.

Nhiều khó khăn khi triển khai giảng dạy Giáo dục địa phương

Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: DN

Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: DN

Theo đó, đã là năm thứ 3 triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn còn lúng túng về tên gọi “nội dung” hay môn Giáo dục địa phương. Phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo, Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm:

“Hiện nay, trong các văn bản chính thức, Giáo dục địa phương đang được gọi là “Nội dung Giáo dục địa phương”. Một số địa phương khi phát hành giáo trình về giáo dục địa phương lại gọi là “Tài liệu giáo dục địa phương”. Tuy nhiên, Giáo dục địa phương phải có một vị trí xứng đáng, phải là một môn khoa học trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.

Đây cũng là ý kiến của các giáo viên giảng dạy tại các cơ sở. Cụ thể, mặc dù không có tên là “môn học”, tuy nhiên những yêu cầu về kiểm tra đánh giá, thời lượng dạy Giáo dục địa phương với từng khối lớp đều không khác so với các môn học khác có trong chương trình đào tạo.

Do vậy, đồng quan điểm với Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ, các ý kiến khác tại Hội thảo cũng đều thống nhất nên gọi là “môn học” Giáo dục địa phương, thay vì các cụm từ như “hoạt động”, “nội dung”,... như hiện nay.

Ngoài lúng túng về tên gọi, việc triển khai giảng dạy Giáo dục địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng như các địa phương khác trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn khác như: Thiếu tài liệu giảng dạy; thiếu đội ngũ giáo viên; khó khăn trong kiểm tra, đánh giá,...

Thạc sĩ Trần Đăng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Thạc sĩ Trần Đăng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Chia sẻ về một số khó khăn, tồn tại khi triển khai giảng dạy Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội, Thạc sĩ Trần Đăng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

Với chương trình cũ cũng như chương trình mới khối lượng kiến thức lịch sử địa phương Hà Nội đã chiếm hầu hết thời lượng được quy định trong chương trình bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng hiện nay nhiều nơi dạy cả lịch sử quận, huyện nếu không khéo sẽ làm tăng tải đối với học sinh.

Nhiều nơi học sinh chưa có đủ tài liệu học tập. Đặc biệt, cá biệt một số lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở một số nơi chưa coi trọng đúng mức, chưa tạo điều kiện, quan tâm, ủng hộ giáo viên thực hiện tốt công tác này. Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động này chưa được thường xuyên, nên một số nơi chưa thành nề nếp hoặc còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh tới khó khăn về bố trí giáo viên giảng dạy Giáo dục địa phương.

“Hiện tại nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, như một môn học độc lập, nhưng lại chưa có giáo viên được đào tạo để dạy nội dung này một cách độc lập. Vì vậy, các nhà trường rất vất vả trong việc vừa phải sắp xếp giáo viên dạy có chuyên môn phù hợp để dạy từng chủ đề, từng mạch nội dung kiến thức vừa phải cân đối trong phạm vi biên chế giáo viên của trường, tình hình này cũng gây nên những khó khăn trong việc trao đổi thống nhất nội dung chuyên môn và phương pháp giảng dạy”, Thạc sĩ Trần Đăng Nghĩa thông tin.

Chia sẻ về thực tế triển khai ở cơ sở, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhận định:

“Chương trình Giáo dục địa phương hiện mới chỉ đạo chung chung, tài liệu chính thống để giảng dạy không có khiến tất cả giáo viên được phân công giảng dạy đều lo lắng và không muốn đảm nhận nhiệm vụ”.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu, đào tạo về Hà Nội học

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn vướng mắc trên, các giáo viên đều mong muốn được bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội học trong thời gian tới.

“Đội ngũ giáo viên tha thiết mong muốn được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về nội dung Giáo dục địa phương, để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ giảng dạy nội dung giáo dục địa phương thành phố Hà Nội khi được nhà trường phân công”, cô Dương bày tỏ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội)
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Đồng thời, giải pháp về nguồn nhân lực giảng dạy được xem là yếu tố then chốt để thực hiện thắng lợi việc giảng dạy nội dung này. Theo đó, về lâu dài, trường Đại học Thủ đô Hà Nội - cơ sở có đào tạo giáo viên phải là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các trường phổ thông của thành phố, vì vậy cần xây dựng chương trình và đào tạo hệ cử nhân sư phạm Hà Nội học để sau khi tốt nghiệp sinh viên đảm nhiệm dạy nội dung Giáo dục địa phương từ bậc Tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Về yêu cầu này, chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, nhà trường sẽ sớm có kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu đào tạo về Hà Nội học nhằm đảm nhiệm những sứ mệnh đặt ra cho đơn vị.

“Sắp tới, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ tiến hành sáp nhập với Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Sau khi tiến hành sáp nhập, chúng tôi sẽ kiện toàn lại cơ cấu tổ chức và hoạt động. Và chắc chắn, xây dựng trung tâm nghiên cứu, đào tạo về Hà Nội học sẽ được đưa ra là một trong những thế mạnh của nhà trường trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định.

Bắc Sơn