Thầy trò sáng đèn ôn thi đến 23 giờ đêm
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra sớm hơn so với các năm trước. Chính vì vậy, công tác ôn thi tại các nhà trường cũng đang ráo riết được thực hiện.
Ngoài các giờ ôn tập trên lớp theo thời khóa biểu, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ (Điện Biên) vẫn sáng đèn đêm đồng hành cùng học trò ôn tập trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Tập - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ cho biết: “Hiện tại, đang là giai đoạn “nước rút” của kế hoạch ôn tập. Đây là giai đoạn 3 trong kế hoạch ôn tập, bắt đầu từ ngày 01/5 đến ngày 25/6. Đến thời điểm này, các thầy cô gần như đã cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Tập - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ (Điện Biên). Ảnh: NVCC. |
Trong quá trình ôn tập, nhà trường đã tổ chức 4 lần thi thử, đồng thời, sẽ tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên theo nhóm học sinh để đánh giá kết quả. Nhà trường đã chuẩn bị một ngân hàng đề thi tương ứng với cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để có thể kiểm tra các em bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, với học sinh vùng cao, bên cạnh những buổi sáng chiều giáo viên hướng dẫn học sinh ôn thi trên lớp theo thời khóa biểu, các thầy cô còn tranh thủ thêm thời gian buổi tối để đồng hành cùng các em. Thực ra, buổi tối là thời gian học sinh tự học, nhưng các thầy, cô không luôn sắp xếp để hướng dẫn, hỗ trợ thêm cho các em, giải đáp các thắc mắc, khó khăn trong quá trình ôn tập của học trò, giúp các em củng cố kiến thức, sẵn sàng cho kỳ thi”.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ trực tiếp ôn tập cho học sinh. Ảnh: NVCC. |
Theo vị Hiệu trưởng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ hiện đang thiếu cơ sở vật chất, nên phải cho học sinh học chung với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Hỳ. Vì mượn phòng học nên không phải lúc nào cũng bố trí được phòng để ôn tập cho học sinh.
“Không gian hạn chế nên thầy cô giáo phải bù đắp bằng thời gian ôn tập, có những đêm ôn muộn đến hơn 23 giờ. Bản thân tôi là Hiệu trưởng, phải thường xuyên đi vận động các thầy cô cho học sinh nghỉ sớm, tránh để ảnh hưởng sức khỏe của các em trước kỳ thi” - thầy Tập lý giải.
Các lớp ôn buổi tối có khi sáng đèn đến hơn 23 giờ đêm. Ảnh: NVCC. |
Nhờ có sự đồng hành của các thầy cô, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ trong các năm qua luôn đứng trong “top 5” về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp của tỉnh, mặc dù là một trường vùng khó.
Xác định ngay từ đầu nhiệm vụ hỗ trợ các em học sinh có lực học dưới trung bình, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ đã thành lập tổ tư vấn giúp đỡ học sinh tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện và sinh hoạt tại nhà trường.
Thầy cô luôn đồng hành cùng học sinh, củng cố kiến thức để học sinh tự tin bước qua kỳ thi. Ảnh: NVCC. |
“Giai đoạn đầu, khi mới phân loại học sinh, nhà trường có khoảng 10% học sinh yếu kém, nhóm này được các thầy cô tổ chức ôn tập, kèm cặp riêng. Hiện tại, qua các bài thi thử, kết quả của các em cho thấy không còn em nào có nguy cơ trượt tốt nghiệp, 100% học sinh tự tin đỗ tốt nghiệp” - thầy Tập phấn khởi chia sẻ.
Vận động học sinh vào ở nội trú để ôn thi từ đầu tháng 5
Trao đổi với phóng viên, ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: “Những năm gần đây, Điện Biên vẫn tiến hành rà soát, phân chia lớp/nhóm để tổ chức ôn tập, ôn thi phù hợp với đối tượng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.
Qua đó, chỉ đạo tổ chức dạy học hiệu quả từng tiết học trên lớp; học đến đâu ôn tập củng cố kiến thức đến đó; chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu. Giáo viên căn cứ trình độ học sinh để có giải pháp dạy, ôn tập phù hợp; đặc biệt quan tâm đến học sinh có học lực yếu, kém.
Song song với việc dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh/học viên, kèm cặp, giúp đỡ học sinh/học viên nguy cơ trượt tốt nghiệp, giáo viên bộ môn, chủ nhiệm còn theo sát kết quả học tập, những lỗ hổng kiến thức để kịp thời bổ trợ cho các em. Đồng thời, còn hướng dẫn học sinh/học viên các website, phần mềm hỗ trợ ôn thi chính thống để cọ xát thực tế.
Ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phát biểu trong buổi làm việc tại huyện Tủa Chùa. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp. |
Một số đơn vị, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã vận động học sinh (không thuộc diện ở nội trú) vào ở nội trú, để thuận lợi cho công tác ôn tập, ôn thi và nhận sự hỗ trợ kèm cặp của thầy cô và các bạn, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm ôn thi từ đầu tháng 5/2023 tranh thủ mọi thời gian”.
Chia sẻ thêm về kế hoạch tổ chức thi thử để đánh giá hiệu quả ôn tập, vị Phó Giám đốc Sở cho biết: “Các nhà trường sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông tối thiểu 4 lần/năm học vào thời điểm phù hợp, có thể kết hợp bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. Đồng thời, tổ chức các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ để đánh giá xếp loại học sinh đảm bảo quy định. Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, kiểm tra, đánh giá; thực hiện phân tích, đánh giá kết quả, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập, ôn thi.
Thống kê qua các lần thi thử, số học sinh giáo dục phổ thông có nguy cơ trượt tốt nghiệp là 147, chiếm tỉ lệ hơn 2,4% học sinh lớp 12. Số học viên giáo dục thường xuyên dự kiến có chiếm 9,6 % học viên có nguy cơ trượt tốt nghiệp”.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Pồ tổ chức thi thử tốt nghiệp cho học sinh. Ảnh: NVCC. |
“Ngoài thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về chế độ đối với học sinh bán trú, các đơn vị còn chủ động phối hợp với các đơn vị tài trợ, các tổ chức từ thiện để chăm lo đời sống cho học sinh (điển hình như Trường Trung học phổ thông Phan Đình Giót), cử người thường xuyên túc trực khu nội trú để hỗ trợ học sinh khi cần thiết. Bên cạnh đó, cũng chú trọng triển khai các giải pháp chăm lo cho học sinh bán trú góp phần nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập, ôn thi cũng như kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm gần đây” - ông Cù Huy Hoàn chia sẻ thêm.
Được biết, năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 6.612 thí sinh đăng ký thi và đăng ký xét tuyển đại học.
Dự kiến, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 24 điểm thi chia 278 phòng thi; với 685 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi và 200 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi.