ĐBQH: Đầu tư cho đổi mới giáo dục chưa tương xứng, chưa được quan tâm đúng mức

31/05/2023 11:17
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ sở vật chất đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở chưa đáp ứng để phục vụ nhu cầu dạy và học....

Đầu tư cho đổi mới giáo dục chưa tương xứng, chưa đúng mức

Phát biểu thảo luận ở hội trường, Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ thống nhất với báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng nêu thực trạng khó khăn của ngành giáo dục như:

Thứ nhất, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa - xã hội, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện chưa tương xứng và chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, thể hiện rất rõ qua giám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các địa phương đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhất là, về cơ sở vật chất đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở chưa đáp ứng để phục vụ nhu cầu dạy và học, trang thiết bị dạy và học, thiết bị thí nghiệm để thực hiện các môn Vật lý, Hóa học, Tin học còn thiếu nhiều, từ đó ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc trang thiết bị này càng khó hơn.

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: quochoi.vn.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1436/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, tuy nhiên đề án này hoàn toàn không có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học, nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tại các địa phương còn đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp từ mầm non đến trung học phổ thông, tập trung nhiều nhất là giáo viên ở bộ môn Tin học, Tiếng Anh, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Nữ đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

“Đồng thời, có phương án bổ sung nguồn tuyển giáo viên thiếu so với định mức, phối hợp với Bộ Nội vụ giao biên chế giáo viên đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình. Xem xét, sửa đổi, tăng định mức giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cho phù hợp.

Phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ nội vụ, nghiên cứu bổ sung quy định chuẩn về diện tích phòng học và định mức học sinh/lớp học cho phù hợp với từng cấp học, từng vùng miền, vì hiện nay quy định cũ không còn phù hợp.

Nội dung kiến thức phải đồng bộ giữa các bộ sách giáo khoa, có tính ổn định lâu dài, nên thống nhất dạy một bộ sách giáo khoa” - nữ đại biểu chia sẻ.

Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường, trẻ em bị xâm hại

Bên cạnh đó, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề cập: “Vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên, qua các số liệu từ các báo cáo của các ngành cho thấy, năm 2023 tăng so với năm 2022, chiếm trên 43%.

Tôi kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành phải có chính sách tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.

Trong tháng hành động vì trẻ em hằng năm và ngay trong năm 2023 này, đề nghị các cấp ngành phải có một chương trình có tính lan tỏa cụ thể, hướng về trẻ em để ngăn chặn thực trạng này”.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng bày tỏ quan tâm tới tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay.

Đại biểu phân tích rằng, nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được nhiều sự chú ý hơn, vì vậy, môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu này của các em.

Đại biểu cho rằng: “Trẻ em sinh ra, mỗi cháu đều có năng lực, năng khiếu ở một số bộ môn, lĩnh vực, nào đó, không giỏi toán, lý, hóa thì là văn, sử, địa, không giỏi ngoại ngữ, tin học thì là âm nhạc, mỹ thuật, thể thao... môi trường giáo dục cần tạo điều kiện để công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân đó của mỗi trẻ em.

Vị đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần có cơ chế để các em có cơ hội, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm, được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn nhu cầu, mong muốn được công nhận, để các em không có xu hướng sử dụng bạo lực trong môi trường học đường.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: quochoi.vn.

Điều này cũng giúp các em có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn đang thiếu, giúp hình thành thói quen tốt trong làm việc nhóm sau này là tuân thủ thời gian làm việc, tôn trọng ý kiến đã thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên nhất để đạt mục tiêu...

Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần có sự phân định rõ ràng, việc nào thuộc trách nhiệm của gia đình, việc nào là trách nhiệm của nhà trường đối với trẻ em.

Đại biểu cho biết: “Trong môi trường học đường, các thầy cô có kỹ năng sư phạm và công bằng hơn đối với tất cả học sinh, nên cần ưu tiên dạy điều hay lẽ phải, để trẻ có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày chuẩn mực.

Tôi thấy trẻ em nước ngoài sau khi học thuộc bài hát ABC thì lại cho các cháu học tiếp bài hát Please, sorry, thank you... Tôi đề nghị, các lớp mầm non cũng nên quan tâm, sau khi dạy trẻ biết mặt chữ A, B, C thì cần dạy tiếp các cháu biết nói “xin vui lòng”, “xin lỗi”, “cảm ơn” để trẻ biết cách lễ phép, ứng xử văn minh trước khi học bảng cửu chương hay lập trình vi tính...

Ngược lại, cha mẹ nên tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con, theo dõi, nhắc nhở các con thực hiện những gì thầy cô đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện”.

Huệ Phương