Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, Dự thảo thông tư quy định "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học" của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có lộ trình thực hiện và khảo sát về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn đó của trường đại học.
Bởi thực tế hiện nay, đối với các trường đại học top đầu thì những quy định trong dự thảo thông tư này không quá cao. Tuy nhiên, đối với trường đại học địa phương sẽ rất khó để thực hiện một số tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn về giảng viên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) cho biết:
Việc giữ chân giảng viên giỏi đang là vấn đề nan giải đối với một số trường đại học địa phương.
Khó khăn thứ nhất là về các điều kiện sinh hoạt và môi trường sống (văn hoá, dịch vụ…) ở các cơ sở giáo dục đại học này chưa có nhiều sự hấp dẫn để thu hút, giữ chân các giảng viên có trình độ cao về công tác so với thành phố lớn.
Khó khăn thứ hai là do điều kiện vị trí địa lý cộng các điều kiện khác khiến sức hút về tuyển sinh của trường địa phương bị hạn chế.
Nhất là khi trong lộ trình thực hiện tự chủ mà nguồn tài chính phục vụ hoạt động của trường phụ thuộc chủ yếu vào tuyển sinh nên để tạo thu nhập cao cho giảng viên có trình độ, giảng viên giỏi khó khăn hơn so với các trường tại các thành phố lớn.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sao Đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khó khăn thứ ba là về cơ chế, chính sách của Nhà nước, cụ thể chưa có quy định về cơ chế chính sách ưu đãi cho người có học vị tiến sĩ khi về trường đại học địa phương công tác; chưa có chính sách thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ tiến sĩ ở lại làm việc tại các trường đại học nói chung.
Có trường hợp giảng viên sau khi được cử đi học hoàn thành trình độ tiến sĩ không gắn bó với việc giảng dạy mà ra làm ở ngoài doanh nghiệp để có thu nhập cao hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cũng nêu một số kinh nghiệm của nhà trường từ nhiều năm nay.
Theo đó, để giữ chân giảng viên có trình độ cao, từ nhiều năm nay Trường Đại học Sao Đỏ đã thực hiện tốt công tác tư tưởng cho các giảng viên có trình độ tiến sĩ, đặc biệt với những giảng viên là người địa phương.
Quan tâm sâu sắc đến cuộc sống, tạo điều kiện tốt nhất cho bản thân cá nhân và gia đình giảng viên để họ yên tâm công tác, phục vụ nhà trường.
Trường cũng đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ về các điều kiện làm việc và tài chính trong quá trình cử giảng viên đi học và khi trở về trường công tác: tạo điều kiện, môi trường cho giảng viên làm việc, cống hiến để đạt được mức thu nhập cao.
Giảng viên có trình độ tiến sĩ ngoài hưởng lương theo quy định và chế độ thu nhập bổ sung hàng tháng chung cho tất cả cán bộ, giảng viên thì còn được hưởng thêm 3 lần lương cơ sở.
Giảng viên tuyển mới có trình độ tiến sĩ hệ số lương thấp, nhà trường hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng trong thời gian 5 năm.
Nhà trường luôn quan tâm để phát triển, đưa vào quy hoạch vào đội ngũ cán bộ quản lý với những giảng viên có trình độ tiến sĩ, năng lực quản lý tốt, tạo điều kiện để có cơ hội thăng tiến.
Trăn trở về câu chuyện để nâng tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, nhiều trường đại học đã và đang đầu tư cho giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng có giảng viên học xong lại chuyển sang trường khác công tác hoặc chuyển ra ngoài doanh nghiệp để làm việc.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên cho biết: “Việc giảng viên được cử đi học tiến sĩ, khi tốt nghiệp không về trường công tác cũng đã xảy ra tại Trường Đại học Sao Đỏ.
Theo quy định của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, việc giảng viên học xong không quay trở lại trường công tác phải thực hiện đền bù các chi phí mà cơ sở giáo dục đại học đã chi trả cho giảng viên trong quá trình học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, cũng đã có giảng viên không thực hiện việc này.
Trên cơ sở thực tiễn tại Trường Đại học Sao Đỏ, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên bày tỏ: “Để giữ chân được giảng viên giỏi, bên cạnh cơ chế của nhà trường, cũng rất cần cơ chế chính sách của nhà nước vừa tạo điều kiện và cũng là sự ràng buộc với cơ sở đào tạo.
Theo đó, nhà nước cần có các quy định chặt chẽ đủ sức mạnh để đảm bảo quyền lợi cho các trường khi phải thực hiện hỗ trợ các thủ tục, chi phí, đầu tư cho giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ, thực hiện chiến lược phát triển nhà trường.
Trong đó có xây dựng cụ thể quy định về thời gian phục vụ tối thiểu tại nhà trường đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho giảng viên học tập nâng cao trình độ đạt trình độ tiến sĩ.
Xây dựng quy định về điều kiện đối với các đơn vị khác tiếp nhận, sử dụng giảng viên là tiến sĩ chỉ khi giảng viên đó đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với trường đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ học tập nâng cao trình độ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước về việc bồi hoàn các kinh phí theo các đề án mà giảng viên đã được hỗ trợ khi học tập nâng cao trình độ".
Về phía trường đại học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho biết, để đảm bảo việc giữ chân các giảng viên giỏi, có trình độ cao ở lại công tác thì cơ sở giáo dục cần xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ bằng các áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt, cơ hội thăng tiến cho họ.