Đào tạo sau đại học là đào tạo ra những chuyên gia có năng lực nghiên cứu khoa học, tìm tòi ra cái mới góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học chung của nước nhà.
Thời gian qua, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có sự nỗ lực nhất định trong việc đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên gia trình độ thạc sĩ, tiến sĩ với mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy cũng như phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, hiện nay để đảm bảo tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường theo Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều vướng mắc cần nhìn nhận thẳng thắn để có những giải pháp đúng hướng nhằm đào tạo ra những chuyên gia, những nhà khoa học thực sự chất lượng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Doãn Nhàn). |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên nhận định Tiêu chí 2.3 trong Tiêu chuẩn 2 về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian của dự thảo quy định là cần thiết để đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo của các trường đại học.
Tuy nhiên, nội dung này lại mâu thuẫn với một số quy định hiện hành, đồng thời về lộ trình đặt ra chưa hợp lý, cần nghiên cứu, xem xét đầy đủ hơn cả về yếu tố thực tiễn và tính khả thi.
Thứ nhất, tồn tại một số mâu thuẫn với các quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 3 và Điểm d Khoản 3 Điều 4 của Nghị định 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học” và quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ”.
Nếu Dự thảo được áp dụng sẽ dẫn đến các trường có ngành đang đào tạo tiến sĩ sẽ không đủ chuẩn đào tạo nữa.
Thứ hai, về lộ trình tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tính trên số giảng viên toàn thời gian đặt ra chưa hợp lý, cần nghiên cứu, xem xét đầy đủ hơn cả về yếu tố thực tiễn và tính khả thi.
Phó Giáo sư Ngô Như Khoa cho rằng, khi dự thảo được áp dụng sẽ có cơ sở đào tạo không đạt chuẩn.
Vì vậy, cần dựa trên số liệu thống kê hiện tại của các trường đại học, trên cơ sở đó căn cứ vào chiến lược, quy hoạch mạng lưới các trường để quyết định số lượng trường ở mỗi lĩnh vực, mỗi khu vực sau đó mới có thể xác định lộ trình cụ thể.
“Tính đến thời điểm 2025 tức là các trường chỉ còn quỹ thời gian hơn 2 năm, việc tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ 5% - 10% là không khả thi ngay cả với các trường đang đạt đúng yêu cầu (20% hay 40% ở thời điểm hiện tại)”, thầy Khoa nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 3 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định.
Như vậy, nếu các cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi đào tạo nhằm đáp ứng tỷ lệ tiến sĩ theo dự thảo sẽ không kịp để đào tạo.
Đồng thời, nguồn lực và kinh phí đào tạo với các trường để có thể đáp ứng mốc thời gian 2025. Ví dụ, với trường có tỷ lệ 40% tiến sĩ, cần cử tiếp 10-15% giảng viên tương đương với 17-25% số thạc sĩ của trường.
Nếu nói đến tiêu chuẩn đảm bảo độ tuổi và trừ các giảng viên thực hành, giáo dục thể chất, thì con số này là thách thức đối với đa phần các trường có truyền thống.
Cùng với đó, tiêu chuẩn ngoại ngữ tương đương trình độ tiếng Anh C1 là điều kiện thi đầu vào cho nghiên cứu sinh hiện nay cũng là rào cản lớn. Việc đạt chuẩn ngoại ngữ đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian và kinh phí đáng kể (không dưới 01 năm tập trung).
Ngoài ra, thầy Khoa cũng cho rằng chi phí cho đào tạo 1 tiến sĩ cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Giảng viên dành toàn thời gian học tập sẽ là gánh nặng lớn cho cá nhân giảng viên và đặc biệt các trường khi cử số lượng lớn giảng viên làm nghiên cứu sinh đồng thời.
Theo đó, thầy Khoa đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo nguồn tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ nhất, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn dựa trên số liệu thống kê thực tiễn, chủ trương quy hoạch mạng lưới các trường đại học theo lĩnh vực, vùng, miền để đảm bảo chiến lược phát triển giáo dục đại học đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, trung ương để đưa ra lộ trình phù hợp và khả thi.
Thứ hai, về mặt chủ quan cá nhân dựa trên tình hình thực tiễn của trường cần có sự thay đổi nhất định trong lộ trình tăng tỷ lệ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể, trước năm 2025 áp dụng theo quy định của Nghị định 73/2015/NĐ-CP theo tính chất phân tầng của các trường đại học.
Từ sau năm 2025 áp dụng mức tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong khoảng 2%/năm cho đến 2030 đảm bảo chuẩn tối thiểu theo dự thảo quy định dựa trên yêu cầu phù hợp với các quy định của Chính phủ cũng như chiến lược phát triển giáo dục đại học.
Thứ ba, song hành cùng quy định này là chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ phải được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Tránh như việc thực hiện Đề án 89, được phê duyệt từ ngày 18/1/2019 nhưng đến nay các trường vẫn chưa nhận được kinh phí đào tạo của Nhà nước.
Cũng theo thầy Khoa, dự thảo có yêu cầu về Tiêu chuẩn Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng đào tạo tại các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên cũng còn một số điểm chưa phù hợp với Nghị định 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Giáo sư Ngô Như Khoa chỉ ra một số Tiêu chí của Tiêu chuẩn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn dẫn đến khó thực hiện.
Về điều kiện cần, năng lực công bố khoa học đa phần chỉ ở giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Từ cơ sở đó cho thấy với tỷ lệ tiến sĩ là 30% - 50% ở trường định hướng nghiên cứu (nhóm A),15% ở trường đại học định hướng ứng dụng (nhóm B), để có công bố tốt thì mỗi tiến sĩ ở trường nhóm A phải công bố được 1 bài/năm và ở trường nhóm B phải đạt 2 bài/năm. Có thể thấy tỷ lệ theo yêu cầu có sự mâu thuẫn và là con số kém khả thi.
Về điều kiện đủ là kinh phí đầu tư. Hiện nay, tính trung bình để có được một bài báo công bố trên danh mục WoS hoặc Scopus, kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, tổng số kinh phí dành cho các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Nhà nước dành cho các trường ngày một eo hẹp.
Đơn cử như tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên mỗi năm trung bình nhận được khoảng 02 tỷ đồng từ đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước, với sản phẩm được hỗ trợ từ nguồn kinh phí này tương ứng với 10 bài báo khoa học chất lượng.
Như vậy, kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho công bố này hiện chỉ đạt khoảng 10%, 90% số còn lại (theo quy định của Thông tư) phải do trường đầu tư.
Theo đó, điều này không phù hợp với đa số các trường đại học thuộc nhóm trường định hướng ứng dụng.
Từ những khó khăn thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa kiến nghị quy định của Tiêu chuẩn Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nên bám sát các quy định liên quan của Nghị định 73, để cụ thể hóa, lượng hóa các quy định trong Nghị định và có thể xác định lộ trình thực hiện để thúc đẩy sự vươn lên của các trường đại học trong nhiệm vụ Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, xác định tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ theo phân tầng các trường theo định hướng ứng dụng hay hướng nghiên cứu.
Tổng thu này cần dựa trên số liệu thống kê trong 5 năm gần đây của Nhà nước cho hoạt động khoa học - công nghệ của các trường đại học.
Thứ hai, xác định số lượng công bố khoa học dựa trên: cơ sở quan trọng là kinh phí đầu tư của Nhà nước; mức quy định nguồn kinh phí dành cho khoa học - công nghệ từ các trường dành theo lộ trình tăng học phí, vì học phí là nguồn thu chính của các trường; căn cứ vào tỷ lệ thực tế giảng viên có trình độ tiến sĩ tại cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, song hành cùng quy định này là chiến lược phân bổ nguồn kinh phí khoa học công nghệ cho các trường dựa trên chỉ số tỷ lệ công bố quốc tế và bằng sáng chế, bản quyền sở hữu trí tuệ trong 3 năm trước đó,...