Nhiều năm không được tăng học phí, trường đại học khó khăn chồng chất khó khăn

05/08/2023 06:32
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu dựa vào học phí, không tăng học phí sẽ khó đảm bảo điều kiện giảng dạy, giữ chân giảng viên và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Trong hai năm học vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, các trường đại học đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ.

Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó nhiều trường đã áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định 81. Theo lãnh đạo của các trường đại học, nếu năm học này không được tăng học phí sẽ khiến các trường rơi vào đỉnh điểm của khó khăn.

Các trường đại học y dược lo ngại nếu không được tăng học phí trong năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: Nguyên Phương
Các trường đại học y dược lo ngại nếu không được tăng học phí trong năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Khó “giữ chân” giảng viên và khó đảm bảo chất lượng đào tạo

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng một trường đại học chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe cho biết, trong bối cảnh tự chủ hiện nay, nguồn thu của các trường chủ yếu dựa vào học phí, nếu không được tăng học phí sẽ rất khó khăn để đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động đào tạo.

Các trường sẽ không có đủ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho cán bộ giảng viên cũng như thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.

Tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nhưng với nguồn tài chính hạn hẹp như hiện nay thì đây sẽ là một thách thức lớn với các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với các trường đại học tự chủ, ngân sách Nhà nước bị cắt giảm, nếu học phí không được tăng để bù đắp lại lại phần kinh phí đó sẽ khó khăn chồng chất khó khăn.

“Đặc biệt, với các trường đào tạo khối ngành sức khoẻ, chi phí đào tạo rất lớn, chi phí để mua hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị công nghệ cũng tăng lên theo từng năm.

Đã 3 năm học rồi nhà trường không tăng học phí, bài toán kinh phí đang là vấn đề nan giải hiện nay.

Nguồn thu thấp sẽ ảnh hưởng tới việc chi trả lương, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giảng viên. Thật sự rất khó để các trường đảm bảo điều kiện giảng dạy, giữ chân giảng viên và đảm bảo chất lượng đào tạo”, vị này cho hay.

Cũng theo thầy hiệu trưởng, từ tháng 5 các trường đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó có quy định mức học phí, từ tháng 8 sinh viên sẽ nhập học nhưng dự kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 ban hành vào tháng 12, như vậy là rất muộn và ảnh hưởng tới bài toán thu – chi của các trường đại học.

Học phí là nguồn thu chủ yếu để các trường lên kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Do đó, nếu có quy định sớm sẽ giúp các trường cân đối thu chi, thực hiện hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tốt hơn, bài bản hơn.

Phải biết được nguồn thu bao nhiêu thì các trường mới ban hành được các chính sách, chế độ đãi ngộ, thu hút giảng viên, kế hoạch mua sắm đầu tư và phát triển nhà trường. Quy định về học phí ban hành muộn sẽ khiến các cơ sở giáo dục đại học bị động trong hoạt động đào tạo và phát triển.

Trong những năm qua, các trường đại học đã đồng lòng cùng Chính phủ để chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn lực của các trường đã cạn kiệt.

Các trường đều mong muốn sớm có phương án thống nhất về học phí và có cơ chế đặc thù riêng với các cơ sở giáo dục đã tự chủ chi thường xuyên.

Quy định học phí ban hành muộn gây nhiều xáo trộn cho trường đại học

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một trường đại học khác chia sẻ, hai năm qua, cũng như các trường đại học trên cả nước, nhà trường đồng lòng cùng xã hội, chia sẻ với người học, không tăng học phí, nên hiện trường đang rơi vào khó khăn, không đủ chi phí đảm bảo hoạt động đào tạo và phát triển.

Đặc biệt, nếu bài toán kinh phí không được giải quyết, việc “giữ chân” giảng viên càng trở thành vấn đề nan giải, khi các cơ sở giáo dục tư đang có chính sách thu hút mạnh mẽ, các trường đại học công rất khó để cạnh tranh.

“Nhà trường đang xây dựng lại quy chế chi tiêu để “giữ chân” giảng viên, nhưng không có đủ nguồn lực tài chính để bù đắp lại thiếu hụt của năm trước, khó khăn về tài chính lại đặt ra bài toán về đội ngũ đối với các trường đại học.

Chúng tôi đang đợi quyết định chính thức của Chính phủ, nhưng nếu vẫn không tăng học phí, trường sẽ không bù đắp được thâm hụt từ năm trước. Đặc biệt như các trường đào tạo khối ngành y dược sẽ không thể giữ chân được giảng viên”, vị này chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo này, từ tháng 5, Chính phủ đã đồng ý phương án cho các trường đại học tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81, các trường đã xây dựng phương án học phí và công bố trong đề án tuyển sinh.

Nhưng đến thời điểm sinh viên sắp nhập học, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 theo hướng không tăng học phí khiến các trường rơi vào trạng thái bị động và xảy ra không ít xáo trộn trong chiến lược phát triển nhà trường.

Như năm ngoái, các trường đã thu học phí rồi lại phải hoàn trả lại cho người học khi có Nghị quyết 165 của Chính phủ. Quy định học phí ra quá muộn sẽ gây khó cho các cơ sở giáo dục đại học.

Thời điểm này, thí sinh cũng đã lựa chọn trường và đăng ký xong nguyện vọng, lựa chọn của người học đã dựa trên mức học phí đưa ra trong đề án tuyển sinh của các trường.

Hơn nữa, dự kiến Nghị định thay thế cho Nghị định 81 đến tháng 12 mới được ban hành, như vậy là các trường không thể theo kịp với những thay đổi về quy định học phí.

Quy định học phí cần được ban hành sớm giúp các trường tính toán kinh phí để xây dựng chiến lược phát triển trong năm học và các chiến lược trung hạn, dài hạn. Thế nhưng khi quy định học phí còn bỏ ngỏ sẽ đẩy các trường vào tình thế khó khăn, từ việc giữ chân, thu hút giảng viên đến việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đầu tư cho phát triển.

“Trong bối cảnh tự chủ, các trường đại học cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Các trường đào tạo ngành y chi phí đào tạo rất cao, nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí, nếu không tăng học phí, nguy cơ nhiều hoạt động phải dừng lại, thất thoát về đội ngũ, về lâu dài sẽ không thể cứu vãn được”, lãnh đạo trường y cho hay.

Nguyên Phương